Đồng Nai: "Chạy đua" tìm lao động cho doanh nghiệp
Đồng Nai: Doanh nghiệp "chạy đua" tìm lao động cho đơn hàng cuối năm
Nha Mẫn
Thứ bảy, ngày 04/06/2022 21:36 PM (GMT+7)
Giai đoạn 6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp ở Đồng Nai có nhiều đơn hàng nên việc thiếu hụt lao động khiến doanh nghiệp gặp khó. Do đó ngành chức năng cố gắng tìm mọi phương án để đưa lao động đến với doanh nghiệp.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh nhất là ngành gỗ, may mặc, giày da,... đa số thiếu lao động phổ thông.
Nguyên nhân là do sau dịch Covid-19 nhiều lao động tại các tỉnh miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên chọn ở lại quê nhà lập nghiệp, không trở lại Đồng Nai làm việc. Hiện nay, đa số các tỉnh thành đều phát triển khu công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư về xây dựng nhà xưởng sản xuất. Do đó nhiều lao động chọn ở lại quê nhà để làm việc, hạn chế phát sinh nhiều chi phí sinh hoạt như ăn uống, thuê trọ,...
Doanh nghiệp "khát" lao động
Trên thực tế, từ đầu năm 2022 đến nay, dịch Covid-19 cơ bản đã được khống chế nên các doanh nghiệp đang cố gắng phục hồi sản xuất. Doanh nghiệp cũng nhận được không ít đơn hàng lớn từ khách hàng. Tuy nhiên trăn trở lớn nhất của doanh nghiệp vẫn là nguồn lao động khan hiếm, nhiều dây chuyền sản xuất bị rút gọn.
Đại diện Công ty TNHH Elite Long Thành ( huyện Long Thành, Đồng Nai) cho biết, năm nay công ty có nhu cầu tuyển dụng khoảng 2.000 lao động. Nhưng đã nửa năm trôi qua, doanh nghiệp này mới chỉ tuyển được khoảng vài trăm công nhân thông qua bảng tin ở trước công ty, khu công nghiệp, phát tờ rơi,... Để tuyển dụng đủ công nhân doanh nghiệp này đã đưa ra mức lương, chế độ đãi ngộ tốt với mức thu nhập từ 7-15 triệu đồng.
Không dừng lại ở đó, công ty còn đưa ra ưu đãi đặc biệt đối với lao động đến tham gia tuyển dụng sẽ được tặng 50.000 đồng khi vào phỏng vấn. Còn lao động tham gia thử việc rồi kết thúc thử việc được tặng 500.000 đồng. Sau khi được ký hợp đồng lại tặng tiếp 500.000 đồng và phụ cấp chuyên cần 300.000 đồng/tháng. Đặc biệt còn hỗ trợ 6 tháng tiền thuê trọ, đưa đón từ tỉnh lên, hỗ trợ tìm phòng trọ,... Dù có nhiều ưu đãi, nhưng doanh nghiệp này vẫn chưa tuyển dụng được số lao động như mong muốn.
Tương tự, Công ty giày Minh An đóng tại huyện Trảng Bom thời gian quan cũng chật vật vì thiếu lao động. Bà Nguyễn Minh An, chủ doanh nghiệp này cho biết công ty bà đã 3 lần tham gia sàn giao dịch việc làm với nguyện vọng tuyển dụng khoảng 1.200 lao động. Nhưng mỗi đợt tuyển dụng công ty chỉ đưa về được từ 20-30 lao động. Riêng đối với kênh tuyển dụng qua mạng xã hội, tờ thông báo ở cổng công ty cũng chỉ giúp doanh nghiệp kiếm được vài trăm lao động.
"Vì khan hiếm lao động nên hiện nay có nhiều công nhân lâu năm phải kiêm nhiệm nhiều vị trí nhằm đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất. Chúng tôi cố đưa ra nhiều ưu ái, phúc lợi cho công nhân để thu hút họ về làm việc nhưng việc tuyển dụng vẫn không đạt kết quả như mong đợi", bà An nói.
Trong khi đó Công ty gỗ Minh Nhựt tại TP.Biên Hoà (Đồng Nai) từng bị chậm đơn hàng vì thiếu lao động. Đại diện công ty cho biết, đa số lao động ở công ty chủ yếu là lao động tay chân với nhiều khâu như sơn mài, đóng đồ gỗ, chà nhám, đóng hàng, khuân vác,...
Lao động tại công ty chủ yếu là người miền Tây và Tây Nguyên. Khi dính dịch Covid-19, công ty không hỗ trợ được nhiều cho công nhân nên họ đành bỏ Đồng Nai trở về quê nhưng sau dịch thì không muốn trở lại đi làm mà chọn ở lại quê để sinh sống làm việc. Nhiều lần nhân sự của công ty liên hệ động viên lao động lên làm lại nhưng đều bị từ chối.
"Có nhiều khâu thiếu người làm nên hàng bị trễ ngày hẹn không kịp giao cho khách hàng. Điều đó khiến chúng tôi bị thiệt hại và mất chút uy tín với khách hàng. Vì vậy giờ chỉ muốn có cách nào đó kiếm nhanh được lao động để công ty hoạt động ổn định trở lại", đại diện công ty chia sẻ.
Đẩy mạnh kết nối để thu hút công nhân
Với tình hình này, Ban quản lý các khu công nghiệp lo lắng việc tuyển dụng lao động sẽ ngày càng khó khăn hơn.
"Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có nguồn nhân lực ổn định, đáp ứng dây chuyền sản xuất. Sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp với các Sở, ngành trong tỉnh để hỗ trợ tìm kiếm nguồn lao động cho doanh nghiệp. Chúng tôi cũng làm việc với các doanh nghiệp đề nghị họ quan tâm nhiều hơn đến đời sống lao động, đảm bảo lương thưởng để thu hút người lao động", đại diện Ban quản lý các khu công nghiệp nhấn mạnh.
Sở LĐ-TBXH Đồng Nai cũng cho hay, thời gian qua để kết nối lao động với doanh nghiệp, Sở đã chủ động kết nối với một số tỉnh miền Tây, Tây Nguyên, miền Trung để gửi thông báo tuyển dụng của doanh nghiệp. Đồng thời đều đặn tổ chức 2 sàn giao dịch việc làm mỗi tháng để kiếm người lao động cho doanh nghiệp. Tuy nhiên việc tìm kiếm lao động giai đoạn này vẫn khó khăn.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Chủ tịch Liên đoàn lao động TP.Biên Hòa (Đồng Nai) cho rằng, để thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc trong các doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần "phô" ra nhiều dữ liệu. Ví dụ như cần có các thông tin ngành, nghề, mức lương, thưởng, các chế độ đãi ngộ khác,...
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở LĐ-TBXH Đồng Nai cho biết, Sở sẽ tăng cường tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tiếp hoặc trực tuyến để kết nối việc làm giữa doanh nghiệp và lao động. Bên cạnh đó, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sàn giao dịch việc làm trực tuyến thông qua ứng dụng công nghệ để đưa người lao động đến với doanh nghiệp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.