Đồng Nai đau đầu tìm giải pháp ổn định đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nhập cư

Nguyên Vỹ Chủ nhật, ngày 14/01/2024 05:53 AM (GMT+7)
Lao động nhập cư nói chung và người dân tộc thiểu số (DTTS) nhập cư nói riêng đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội Đồng Nai song những luồng nhập cư ngày càng tăng cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý ở địa phương.
Bình luận 0

Lao động nhập cư là DTTS tăng

Tại khu nhà lưu trú thuộc Nông trường cao su Cẩm Đường (Tổng Công ty Cao su Đồng Nai), anh Sùng Seo Phán (quê huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang), kể: Nhà anh có ruộng đất nhưng là ruộng bậc thang, trồng lúa quanh năm chỉ đủ ăn. Vào Đồng Nai làm công nhân cao su, thu nhập bình quân của vợ chồng anh từ 8 - 12 triệu đồng/tháng/người. "Vợ chồng tôi dùng một đầu lương để chi dùng, đầu lương còn lại để gửi về quê" - anh Phán nói.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai (TCT) cho biết, do địa bàn có tốc độ công nghiệp hóa mạnh mẽ, đơn vị gặp nhiều áp lực trong cạnh tranh lao động. Có thời điểm nhiều nông trường chỉ có 60% trên tổng số lao động cần có. TCT phải thu tuyển lao động trên khắp các tỉnh thành, đặc biệt là lao động DTTS các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong khi tỷ lệ lao động người địa phương giảm dần thì lao động từ các tỉnh phía Bắc tăng lên đáng kể. Tổng số lao động hiện có tại TCT là 3.997 người. Trong đó, 731 lao động là đồng bào DTTS từ các tỉnh phía Bắc, chiếm 30% số lao động cạo mủ.

Đồng Nai đau đầu tìm giải pháp ổn định đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nhập cư- Ảnh 1.

Lao động là người DTTS đang chăm sóc vườn cao su non ở Tổng Công ty Cao su Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đồng Nai có 32 khu công nghiệp, trên 41.200 tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động. Cơ hội tìm kiếm việc làm dễ dàng hơn đã tạo điều kiện thu hút dòng lao động di cư từ các tỉnh khác đến. Hiện Đồng Nai có 29.283 người là đồng bào DTTS từ khắp các vùng miền di cư vào làm việc và tạm trú.


Ông Nguyễn Sơn Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, lao động nhập cứ nói chung và lao động DTTS nói riêng đóng góp quan trọng vào nguồn lực lao động của tỉnh. Lao động DTTS nhập cư chủ yếu là lao động trẻ, tiếp thu nhanh và nhiệt tình trong công việc. Người lao động di cư trên địa bàn tỉnh tích cực đăng ký học nghề. Tỷ lệ lao động qua đào tạo và tự tạo việc làm được nâng lên, nhiều việc làm trong các thành phần kinh tế được tạo ra, giúp nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo.

Ổn định cuộc sống và sinh kế cho lao động nhập cư

Cũng theo UBND tỉnh Đồng Nai, mặt hạn chế là lao động DTTS di cư đến Đồng Nai thường ở tập trung theo khu vực, thường xuyên thay đổi, không ổn định. Lao động mang tính thời vụ, gây khó khăn cho quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Một số lao động nhập cư không có tay nghề, hạn chế về ngôn ngữ, độ tuổi lao động cao nên việc tìm kiếm việc làm gặp nhiều khó khăn. So với lao động nhập cư khác, người DTTS nhìn chung có cuộc sống khó khăn. Một bộ phận đồng bào DTTS có ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, mang tâm lý tự ty dân tộc, dễ bị tác động.

GS-TS Trần Trung (Học viện Dân tộc) cho rằng, chính quyền tỉnh Đồng Nai cần nghiên cứu định kỳ hàng năm về lao động DTTS di cư, nhằm đưa ra những biện pháp tốt nhất, giúp họ ổn định cuộc sống và sinh kế. Đồng thời, Đồng Nai cần đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội như việc học hành của con em họ, vấn đề về chăm sóc sức khỏe... "Bởi khi di cư đến nơi khác, lao động các DTTS sẽ gặp nhiều khó khăn" - GS -TS Trần Trung nói.

TS Trần Thùy Dương (Ủy ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai) đề nghị các nhà hoạch định chính sách của tỉnh cần phải coi lao động nhập cư nói chung là một cấu thành của chiến lược phát triển bền vững. Về lâu dài, Đồng Nai phải có những can thiệp về mặt chính sách một cách kịp thời, phù hợp với mục tiêu phát triển chung của tỉnh trong từng giai đoạn. "Muốn vậy, tỉnh cần phải đưa ra những biện pháp hiệu quả hơn để phát huy những tác động tích cực của lao động nhập cư và hạn chế những tiêu cực" – TS Dương nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem