Để đảm bảo hàng hóa phục vụ các ngày lễ, tết; không để xảy ra trường hợp găm hàng, khan hiếm hàng hóa và tăng giá cục bộ; Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu năm 2019-2020 và phục vụ Tết Nguyên đán năm 2020.
Tổng nguồn vốn vay dành cho các đơn vị tham gia bình ổn là trên 68 tỷ đồng. Trong đó, cấp 12 tỷ đồng cho địa phương để chủ động thẩm định kế hoạch vay vốn của các HTX, hộ kinh doanh tham gia bán hàng bình ổn giá; dự phòng 30 tỷ đồng để bình ổn mặt hàng thịt heo; 20 tỷ đồng cho mặt hàng sách giáo khoa, vở học sinh; 700 triệu đồng hỗ trợ các HTX tham gia bán hàng lưu động phục vụ vùng sâu, vùng xa trong dịp Tết Nguyên đán.
Các trung tâm thương mại đã chuẩn bị đầy đủ lượng hàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Theo Sở Công thương, nhu cầu đối với mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán 2020 sẽ tăng từ 10-15% so với năm trước, với tổng giá trị hàng hóa thiết yếu cần dự trữ khoảng 1.487 tỷ đồng.
Đến nay, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các trung tâm thương mại đã chuẩn bị đầy đủ lượng hàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, với tổng giá trị hàng hóa dự trữ khoảng trên 500.000 tỷ; chủ yếu là mặt hàng thịt heo tại các trang trại lớn của tỉnh, phục vụ nhu cầu trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.
Ông Lê Văn Lộc – Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết tính đến giữa tháng 12, giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết như thịt bò, gà, thực phẩm chế biến, đường, dầu ăn, trứng... hiện tương đối ổn định, không có biến động lớn.
Riêng đối với mặt hàng thịt heo giá tăng cao. Thịt heo nạc có giá 120.000-150.000 đồng/kg, thịt heo đùi: 100.000-140.000đồng/kg, thịt heo ba rọi: 120.000-170.000 đồng/kg...
Sở Công thương đã làm việc với 10 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh heo, gà, trứng gà trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị này dự báo giá heo hơi có thể tăng 10% so hiện tại, vào khoảng 90.000-95.000 đồng/kg; còn giá gà, giá trứng gia cầm vẫn giữ ổn định.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh heo, gà dự báo giá heo hơi dịp tết có thể tăng 10%, còn giá gà và trứng gia cầm vẫn ổn định.
Các doanh nghiệp lớn như công ty chăn nuôi C.P chi nhánh Đồng Nai, công ty chăn nuôi gà Bình Minh, công ty Japfa, công ty CJ... cũng đã cam kết cung cấp đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, công ty chăn nuôi CP tại Đồng Nai đã mở 18 cửa hàng Pork Shop và phối hợp 12 điểm kinh doanh để cung cấp mặt hàng thịt heo, gà, trứng gia cầm, sản phẩm chế biến đến tay người tiêu dùng và cam kết sẽ bán giá ổn định từ ngày 20 - 30 Tết Nguyên đán.
Theo ông Lộc, dù đã tiêu hủy một lượng lớn số heo do dịch tả heo Châu Phi nhưng Đồng Nai vẫn đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận với tổng đàn heo còn khoảng 1,4 triệu con và tổng đàn gà 27 triệu con.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là giá thị trường không ngừng tăng cao làm ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn và gây bất ổn trong kinh doanh.
Sở Công Thương Đồng Nai kiến nghị kiểm soát hàng hóa lưu thông, không để thiếu hụt nguồn heo cung ứng cho người dân trong nước.
Đại diện Sở Công Thương nêu kiến nghị Bộ Công Thương cần chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường. “Nhất là mặt hàng thịt heo, không để xảy ra tình trạng thương lái thu gom heo hơi xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, gây mất ổn định về giá, thiếu hụt nguồn heo cung ứng cho người dân trong nước”, ông Lộc đề nghị.
Đến nay, chương trình bình ổn giá của Đồng Nai đã duyệt cho 12 đơn vị vay vốn với tổng số tiền cho vay là 3,185 tỷ đồng trên 23 điểm bán; duyệt cho 5 đơn vị tham gia chương trình bán hàng lưu động với tổng số tiền hỗ trợ chi phí vận chuyển, nhân công và bao bì hơn 300 triệu đồng với 124 chuyến hàng.
Sở Công Thương cũng đã kêu gọi các đơn vị doanh nghiệp tiếp tục cam kết tham gia bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh với tổng số hàng dự trữ khoảng trên 100 tỷ đồng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.