Đồng Nai: Không để người dân nào bị đói, nơi nào có người đói bí thư nơi đó phải chịu trách nhiệm
Bí thư Đồng Nai: Lãnh đạo phải lấy sinh mạng chính trị để đảm bảo người dân không bị đói
Nha Mẫn
Thứ hai, ngày 23/08/2021 10:36 AM (GMT+7)
Đó là chỉ đạo của Bí thư tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh trong cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và các sở ngành cùng 11 huyện, thành phố.
Ngày 23/8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với các sở ngành liên quan cùng 11 huyện thành phố về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Tại buổi làm việc Bí thư tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu không được để người dân đói.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, hiện nay tỉnh Đồng Nai đang trong giai đoạn sàng lọc SARS-CoV-2 và tiêm chủng lần lượt cho toàn dân. Tuy nhiên quá trình xét nghiệm, tiêm chủng có nhiều địa phương gặp khó khăn do thiếu nhân lực trong lấy mẫu, tiêm, nhập liệu.
"Ngành y tế phải cố gắng hết mình để sớm hoàn thành công tác xét nghiệm và phủ vaccine cho người dân. Chúng tôi đã yêu cầu nhân viên y tế lấy mẫu toàn bộ 100% người dân vùng đỏ kể cả trẻ em dưới 2 tuổi và từ 3 - 5 tuổi, tránh bỏ sót", ông Vũ nhấn mạnh.
Đối với mô hình bảo vệ vùng xanh, địa phương nào sẽ phải tự lên phương án bảo vệ và giao cho ấp, khu phố và các tổ thực hiện. Các tiêu chí đưa ra để thiết lập vùng xanh là khu vực trong 14 ngày không có ca nhiễm. Hoặc có 4-5 ca nhiễm nhưng đã tầm soát xử lý xong.
Ban tự quản ấp, khu phố tự thiết lập vùng xanh và tự điều hành, huy động người dân, tình nguyện viên trực chốt. Người trục chốt làm nghiêm công tác phòng chống dịch, ghi lại lịch sử ra vào của người dân. Không để người lạ vào vùng xanh hoặc chỉ được vào khi thuộc diện được ưu tiên ra vào theo nội dung quy định của từng khu vực vùng xanh.
Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị các địa phương phải triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ người dân để không bỏ lại ai phía sau. Việc hỗ trợ phải được triển khai nhanh nhất có thể và cấp trên phải kiểm tra, đôn đốc cấp dưới, cấp dưới phải nắm bắt tình hình cụ thể, tránh bỏ sót các trường hợp khó khăn.
"Không để dân đói và các lãnh đạo phải lấy sinh mạng chính trị của mình ra để đảm bảo. Nếu để dân đói thì cả Bí thư Tỉnh uỷ và các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm. Mỗi xã phường phải có kho lương thực và quỹ để hỗ trợ người dân. Không giữ lại 1 đồng xu nào ở tỉnh, huyện, thành phố mà phải phân bổ ngay về cho cơ sở để đưa đến tay người dân. Thôn ấp, khu phố phải nhanh chóng báo cáo hộ nào khó khăn để Mặt trận và các địa phương phải chuyển gạo, thực phẩm, tài chính về để hỗ trợ", ông Lĩnh nói.
Ông Lĩnh cũng yêu cầu các địa phương phải hình thành các tổ công tác giúp đỡ người lang thang cơ nhỡ, đưa họ về lại nhà hoặc nơi cư trú các địa phương chuẩn bị sẵn. Không được quy những người lang thang vào diện vi phạm mà phải xem họ là người cần hỗ trợ giúp đỡ, không được để họ đói rách, thiếu thốn.
Công bố ngay 10 số điện thoại đường dây nóng về an sinh xã hội và y tế ngay lên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm bắt khi cần có thể gọi ngay.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng yêu cầu các địa phương cố gắng huy động lực lượng tình nguyện tại chỗ để tham gia tuyến đầu phòng chống dịch. Đối với nhân lực lấy mẫu xét nghiệm có thể vận động giáo viên tham gia lấy mẫu vì việc lấy mẫu chỉ cần hướng dẫn có thể làm được. Để dành lực lượng chuyên môn phục vụ tiêm chủng.
"Công an phải chốt chặn nghiêm tại khu vực giáp ranh, không để người từ TP.HCM và Bình Dương về Đồng Nai. Đối với các phương tiện nào có nghi ngờ phải kiểm tra cốp xe, thùng xe tránh tình trạng người dân trốn trong thùng, cốp xe để qua chốt. Phải làm thật sự nghiêm mới có thể sớm kiểm soát được dịch", ông Dũng chỉ đạo.
Ông Dũng cũng đề nghị các địa phương và Sở Y tế lên phương án tiêm chủng vaccine Covid-19 sớm cho công nhân 3 tại chỗ. Các công ty hạ tầng bố trí cơ sở để cách ly công nhân để xét nghiệm, đảm bảo đủ thời gian an toàn khi doanh nghiệp được giải quyết giải phóng 3 tại chỗ, sau đó mới đưa về nơi ở, địa phương.
Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh chỉ đạo các địa phương cần xây dựng những pháo đài đoàn kết để hỗ trợ người khó khăn. Mỗi người dân là một kênh thông tin để chung sức hỗ trợ người khó, nắm bắt được các hoàn cảnh khó khăn để kịp thời giúp đỡ, không bỏ lại ai phía sau.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.