Đồng Nai: Người dân chờ ngày sân bay Biên Hòa mở cửa đón khách
Đồng Nai: Người dân chờ ngày sân bay Biên Hòa mở cửa đón khách
Nha Mẫn
Thứ sáu, ngày 10/02/2023 16:31 PM (GMT+7)
Trước thông tin sân bay Biên Hòa được được đề xuất quy hoạch đến năm 2030 có công suất 5 triệu hành khách, tầm nhìn đến năm 2050 đạt 10 triệu khách, nhiều người dân háo hức, mong chờ ngày “giấc mơ sân bay gần nhà” thành hiện thực.
Ngày 10/2, trước thông tin Cục Hàng không Việt Nam vừa kiến nghị đưa sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) và sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) vào quy hoạch tổng thể cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai chia sẻ với PV Dân Việt một số nội dung liên quan.
Cụ thể, ông Võ Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đây là một thông tin tốt đối với địa phương và địa phương rất đồng tình với đề xuất quy hoạch này.
Bởi trên thực tế, sân bay Biên Hòa hiện nằm gần trục đường lớn, có sẵn cơ sở hạ tầng, nằm trong bán kính gần với TP.HCM, Bình Dương, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Đặc biệt, Biên Hòa cũng là thành phố có trên 1 triệu dân nên nhu cầu đi lại bằng đường hàng không rất cao.
Vì vậy, sân bay Biên Hòa được khai thác thành sân bay lưỡng dụng, phục vụ bay quốc nội sẽ giúp giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất trong tương lai, phục vụ tốt cho nhu cầu đi lại của người dân địa phương và vùng phụ cận.
Do đó, nếu sân bay Biên Hòa được khai thác, người dân sẽ có nhiều lựa chọn hơn cho chuyến đi của mình.
Đặc biệt, cũng theo ông Đức, nếu đi vào khai thác, sân bay Biên Hòa sẽ giúp phát triển kinh tế địa phương nhất là khu vực TP.Biên Hòa.
Theo đó, mới đây Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị đưa hai sân bay quốc nội Thành Sơn và Biên Hòa vào quy hoạch tổng thể cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó đưa 2 sân bay này trở thành sân bay lưỡng dụng (là sân bay được khai thác để phục vụ cho hoạt động giao thông hàng không dân dụng và quân sự) nhằm phát triển kinh tế văn hóa xã hội của địa phương.
Sân bay Biên Hòa được đề xuất quy hoạch đến năm 2030 có công suất 5 triệu hành khách, tầm nhìn đến năm 2050 đạt 10 triệu khách.
Nhưng do sân bay Biên Hòa có nhiều khu vực đất bị nhiễm dioxin nên Cục Hàng không Việt Nam sẽ cập nhật bổ sung vấn đề này vào hồ sơ đánh giá môi trường của đồ án quy hoạch.
Được biết, hiện cả nước đang khai thác 22 trong số 23 sân bay theo quy hoạch. Dự thảo quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Cục Hàng không trình Bộ Giao thông vận tải đề xuất thời kỳ 2021 - 2030 cả nước có 30 sân bay, tầm nhìn đến năm 2050 cả nước có 33 sân bay.
Chị Nguyễn Thị Giang, ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa, Đồng Nai cho biết, qua báo chí, chị nắm được thông tin đề xuất quy hoạch sân bay Biên Hòa thành sân bay lưỡng dụng nên rất vui và mong chờ. Theo chị Giang, từ nhà chị hiện tại đi sân bay Tân Sơn Nhất khoảng gần 40km và tương lai đi sân bay Long Thành quãng đường cũng gần như tương đương. Do đó, việc có sân bay tại TP.Biên Hòa sẽ tiện lợi cho việc di chuyển, không phải đi sớm, đỡ thời gian chờ đợi.
“Nhiều người nói 1 tỉnh có 2 sân bay sẽ khó nhưng tôi nghĩ nếu thuận lợi vẫn nên triển khai vì bà con có nhu cầu, sẽ giúp bà con được thuận lợi hơn trong di chuyển, lưu thông”, chị Giang nói.
Tương tự, chị Hồ Thị Thủy (TP.Biên Hòa) cũng tỏ ra hào hứng trước thông tin đề xuất quy hoạch sân bay Biên Hòa thành sân bay lưỡng dụng. Chị Thủy cho rằng lâu nay người dân Đồng Nai mỗi lần đi sân bay cũng rất bất tiện, khó khăn vì quãng đường xa, hay bị kẹt xe, sợ trễ chuyến phải đi sớm, chờ đợi mệt mỏi. Nên việc có sân bay ở tại thành phố sẽ giúp kinh tế khu vực phát triển, người dân được phục vụ nhu cầu đi lại tốt hơn.
Còn anh N.V.T. lại cho rằng việc 1 tỉnh có 2 sân bay cùng khai thác vận tải hành khách là khó khả thi vì sợ sẽ chồng chéo, khó đồng bộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.