Cải thiện đời sống, tăng thu nhâp
Những ngày mưa đầu tháng 8, người dân tại xã Túc Trưng, huyện Định Quán đang tất bật thu hoạch măng để xuất ra thị trường cả nước. Dẫn chúng tôi đi xem vườn tre xanh um như một khu rừng nhỏ, lấy tay bới từng gốc măng đua nhau mọc mơn mởn dưới một khóm, ông Lý Trung Nghĩa, ngụ tại ấp 2, xã Phú Túc, huyện Định Quán cho biết, khu vườn rộng chừng 8 ha này trước đây trồng cao su nhưng do thu nhập không ổn định nên ông đã tìm hiểu, chuyển qua mô hình trồng tre lấy măng.
Ông Lý Trung Nghĩa giới thiệu những chồi măng bội thu của mình.
Nếu không tận mắt chứng kiến, sẽ khó có thể tin có những ngọn măng khổng lồ, to gấp 2 lần thân cây mẹ. Theo ông Nghĩa, mùa măng thường từ tháng 5 kéo dài đến hết tháng 10 âm lịch là vụ chính của mùa thu hoạch măng, so với trồng cao su và các loại cây khác thì trồng măng cho lợi nhuận gấp 3 lần. Ưu điểm của loại tre lấy măng là ít sâu bệnh, chỉ cần cung cấp nước đủ là cây sinh trưởng tốt, cho thu hoạch thường xuyên.
Ông Nghĩa cho biết thêm, để cây tre phát triển tốt, khỏe mạnh, khi mua giống về ông không trồng liền mà ươm giống đến khi nhánh ra đầy đủ lá mới đem đặt xuống đất vườn. Sau 2 năm trồng và chăm sóc tốt, măng nảy mầm liên tục.
“Trồng tre lấy măng không đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Ngoài đủ nước thì chỉ cần cắt tỉa bớt cây sau mỗi đợt thu hoạch, theo dõi bón phân hợp lý, đặc biệt không phải sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Chỉ cần dùng phân hữu cơ sẽ giúp cây kéo dài tuổi thọ, sớm ra măng và đạt chất lượng cao”, ông Nghĩa chia sẻ.
Khi măng cho thu hoạch, thương lái tìm đến tận nơi để mua, thời điểm này trung bình vào mùa thuận, một ngày ông Nghĩa thu hoạch trên 1 tấn măng tươi, một chồi măng lớn có thể lên đến 2 -3kg, giá bán hiện tại bình quân 5.000 đồng/kg, vào mùa nghịch, giá măng có thể lên từ 8.000 - 9.000 đồng/kg. Trung bình mỗi năm, ông thu trên 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí. |
Ông Nguyễn Văn Sơn, ngụ ấp 2, xã Túc Trưng, huyện Định Quán đã có gần 5 năm gắn bó với nghề trồng tre lấy măng, nhờ nghề này gia đình ông đã có nguồn thu nhập khá hơn. Ông Sơn cho biết, trồng tre lấy măng không sợ thất thu như trồng những loại cây trồng khác, ít rủi ro, dễ trồng, dễ chăm sóc, hiệu quả đem lại cao.
Để tre cho măng nhiều theo cách làm của ông là cần bổ sung một lượng phân hữu cơ khác như: rác, cỏ khô nhằm tăng độ xốp và ẩm cho gốc. Sau một thời gian lớp rác và cỏ khô này sẽ tạo thành mùn cung cấp dinh dưỡng cho thân tre và tạo điều kiện cây phát triển, năng suất măng sẽ đạt cao hơn.
Bên cạnh đó, vào mùa nắng nóng cần cung cấp đủ lượng nước để cây ra măng. Khi măng đã lên đến 2 tấc là bắt đầu thu hoạch được. Khi thu hoạch xong nên cắt tỉa bớt phần tán lá cho thông thoáng và lấp đất lại để tạo điều kiện cho măng mọc tiếp ở phần thân ngầm sau khi đã cắt măng.
Theo ông Sơn, trồng tre rất ít bị sâu bệnh và thiệt hại khi thời tiết ảnh hưởng xấu. Tuy nhiên để đạt hiệu quả và năng suất, sau cuối vụ thu hoạch nên đốn cây tre già và nuôi dưỡng cây măng to khỏe mọc ở ngoài để phát triển thành cây mẹ thay thế cho những cây tre đã già cỗi.
Trung bình mỗi gốc tre Mạnh Tông cây lớn cho khoảng 30 đến 40 búp măng mỗi vụ, trọng lượng mỗi búp đạt từ 2 - 4kg. Đầu mùa, măng có giá khá cao, hiện tại đang giữa mùa nên giá dao động từ 5.000 - 8.000 đồng/kg.
“Trồng cây gì cũng cần có kỹ thuật và sự kiên trì chăm sóc và chờ đợi. Trồng tre lấy măng tuy mất nhiều thời gian mới cho “lộc” nhưng nếu biết trồng xen canh cây ngắn ngày để lấy ngắn nuôi dài thì nông dân không lo về nguồn thu nhập và chất lượng sản phẩm”, ông Sơn chia sẻ.
Tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương
Nghề trồng măng không chỉ cho thu hoạch ổn định và thường xuyên mà người dân còn yên tâm bởi có đầu ra ổn định. Chị Trần Trịnh Xuân Thảo, chủ vựa măng Thảo ở huyện Định Quán cho hay, 8 năm nay, chị vẫn làm nghề thu mua măng cho bà con để xuất vào công ty và các chợ đầu mối trong cả nước.
“Nhà vườn trồng thì mình bao tiêu hết tất cả nhà vườn, mình đưa ra các chợ đầu mối rồi đưa đi các tỉnh. Từ Nam ra Bắc, chỗ nào có chợ đầu mối yêu cầu thì mình cung cấp cho họ. Hàng này rất dễ làm, riêng măng muối chua mấy tháng sau xuất hàng chua đi. Còn hàng tươi bây giờ mình cung cấp cho công ty và các chợ đầu mối”, chị Thảo cho hay.
Lao động địa phương cắt măng thuê.
Cũng từ khi có mô hình trồng tre lấy măng phát triển ở địa phương, các chủ vườn và vựa măng đã tạo điều kiện cho nhiều lao động địa phương có việc làm thường xuyên, có nguồn thu nhập lo cho gia đình. Đàn ông làm nghề đốn măng chở ra các chợ đầu mối, phụ nữ làm nghề bóc vỏ măng, bào nhỏ cho các thương lái để vận chuyển đến các doanh nghiệp, chợ đầu mối.
Anh Lê Văn Nhi, người làm nghề đốn măng cho các chủ vườn cho hay: “Trước đây tôi làm nghề xây dựng và đi hái trái cây thuê cho các chủ vườn trong tỉnh. Từ khi có mô hình này, tôi chuyển về gần nhà làm mà công việc không mấy vất vả. Mỗi ngày đi đốn măng và tỉa cây, tôi được trả công 250.000 đồng. Công việc thì quanh năm, được các chủ vườn tin tưởng, bao ăn uống hằng ngày nên tôi rất yên tâm với nghề này”.
Còn chị Ngô Thị Hằng, làm nghề bóc vỏ chồi măng cho biết, chị thất nghiệp nhiều năm và chủ yếu làm nội trợ, cuộc sống rất khó khăn. Hai năm nay, chị được các chủ vườn thuê đến xắn và bóc vỏ măng, giúp chị có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống.
Theo chị Hằng, thu hoạch măng không lo làm theo thời vụ như các loại cây khác theo mùa. Đặc thù nghề này, măng thu hoạch quanh năm, chị vừa làm cho các chủ vườn, vừa làm việc cho các vựa đầu mối nên công việc luôn ổn định. Mỗi ngày làm công, chị được trả 200.000 đồng. Thời điểm măng nhiều, đơn hàng tăng, thu nhập của chị nhờ đó tăng lên.
Tìm các nguồn bao tiêu sản phẩm
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Túc, huyện Định Quán Hoàng Ngọc Hóa cho hay, hiện trên địa bàn huyện người dân trồng tre lấy măng với tổng diện tích 40 ha. Bà con trồng tre lấy măng là một giải pháp tốt đem lại nguồn thu nhập đáng kể, nhiều hộ khá lên nhờ trồng tre. Hơn nữa, cây tre dễ trồng nên bà con trồng nhiều, tiềm năng phát triển trồng tre lấy măng còn rất lớn, khả năng có thể cung ứng cho thị trường hàng trăm ngàn tấn măng tươi mỗi năm.
Tuy nhiên, điều nông dân lo ngại nhất vẫn là giá, bởi hiện nay các chủ vựa, thương lái chỉ bao tiêu sản lượng chứ không hợp đồng về giá thu mua. Sắp tới, xã tiếp tục nhân rộng mô hình này và tìm các nguồn bao tiêu sản phẩm để hỗ trợ nông dân mở rộng sản phẩm ra thị trường.
|
Lan Mai (Báo Lao động Đồng Nai)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.