Công trình thủy… hại
Theo ông Nguyễn Văn Tút ở ấp Thi Sơn, từ ngày kênh bị lấp, phèn không thoát ra được, năng suất 17ha lúa của gia đình ông giảm hẳn. Không chỉ thiệt hại về năng suất, mà thu hoạch lúa cũng gặp khó khăn do ghe không thể vào kênh để lấy lúa.
|
Người dân Tân Thành A phun thuốc diệt lục bình. |
Theo trình bày của nông dân sống dọc tuyến kênh, từ ngày công trình “thủy hại” này được thi công, sản xuất nông nghiệp thiệt hại nặng nề. Lúa thì giảm năng suất, mà chăn nuôi, trồng trọt cũng èo uột vì thiếu nước. Nông dân Nguyễn Văn Công, xã Tân Thành A cho biết, các hộ nuôi heo, nuôi cá dọc bờ kênh giờ đều phải “treo” chuồng, ao vì nguồn nước tù gây ô nhiễm, vật nuôi không sống nổi.
Theo ông Dương Nghĩa Quốc - Giám đốc Sở NNPTNT, do cánh đồng ở xã Tân Thành A (khoảng 800ha - PV) không bằng phẳng nên khi lấp kênh, lượng nước phân phối không đồng đều. Do đó, những hộ nằm xa kênh sẽ thiếu nước sản xuất, năng suất giảm… Chính vì vậy mà những hộ dân bị thiệt hại đã phản ứng quyết liệt. Sau khi ghi nhận ý kiến nông dân, Sở này đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Đồng Tháp và tỉnh đã chỉ đạo ngừng thi công theo nguyện vọng của người dân.
Khốn khổ vì công trình… bỏ dở
Từ ngày công trình ngừng thi công đến nay, đời sống người dân ven kênh Cả Mũi càng thêm khốn đốn vì nguồn nước ô nhiễm trầm trọng. Tuyến kênh cung cấp phù sa ngày nào, giờ bị bịt một đầu, đầu còn lại tháo dỡ kiểu cho có đã biến thành cái ao tù làm nơi cho muỗi sinh sản. Trong lòng kênh, lục bình lèn chặt, chiếm hết dòng chảy.
Trước khi lấp kênh, nông dân chỉ cần vác lúa lên bờ, ghe loại 70 - 80 tấn chạy dọc kênh mua hết sức thuận lợi. Nay, ghe không vô được nên nông dân muốn bán lúa phải “tăng bo” từ bờ kênh ra đường lớn mất thêm 6.000-9.000 đồng/bao. Tính ra, cứ mỗi ha lúa, nông dân mất trên dưới 500.000 đồng cho chi phí phát sinh này.
Ông Nguyễn Văn Tút.
Chỉ dòng kênh hôi thối, bà Nguyễn Thị Phượng bức xúc:
“Đâu chỉ thiếu nước sản xuất, con kênh ô nhiễm này còn làm sinh hoạt của người dân đảo lộn. Dân ở đây thiếu nước, nhiều lúc cắn răng xài nước kênh. Cả nhà tôi ai cũng nổi ghẻ đầy mình, nhưng không tắm nước kênh thì biết xài nước nào?”. Gần nhà chị Phương, ông Huỳnh Văn Mừng đã tính tới phương án “di tản” để né ô nhiễm. Tuy nhiên, do vẫn phải làm ruộng nên ông và người con trai phải đổi nhà ở…
Sau khi ngừng việc lấp kênh, việc nạo vét thông luồng để trả lại hiện trạng cũ không được thực hiện nên tình hình càng thêm tồi tệ. Nhiều nông dân lấy thuốc diệt lục bình nhưng không ăn thua. Và ô nhiễm càng trở nên trầm trọng…
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Trần Quốc Hội - Chủ tịch UBND xã Tân Thành A cho biết, địa phương đã có phương án nạo vét và mở rộng lòng kênh. Hiện đã đo đạc, niêm yết danh sách các hộ bị thu hồi đất để bồi hoàn và tiến hành thi công. Theo ông Hội, do một đầu kênh Cả Mũi đang chuẩn bị xây cầu nên việc tháo dỡ con đập sẽ được thực hiện sau khi hoàn thành cầu.
Hữu Danh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.