Đồng Tháp: Đề xuất hơn 118 tỷ "cứu" vùng trồng quýt hồng lớn nhất miền Tây

Huỳnh Xây Thứ tư, ngày 22/07/2020 14:12 PM (GMT+7)
Huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đang đề xuất với UBND tỉnh Đồng Tháp cho thực hiện việc bảo tồn và khôi phục 546,63 ha vùng trồng quýt hồng. Tổng kinh phí thực hiện việc này là trên 118,7 tỷ đồng.
Bình luận 0

Quýt hồng được trồng ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) hơn 50 năm qua. Loại cây có múi ở địa phương này được nhiều người biết đến bởi trái to, có màu hồng tươi, múi mọng nước, có mùi thơm dịu và vị ngọt hơn các địa phương khác.

Đề xuất dùng trên 100 tỷ đồng "cứu" vùng trồng quýt hồng lớn nhất miền Tây - Ảnh 1.

UBND huyện Lai Vung đang xin UBND tỉnh cho phép triển khai thực hiện đề án "Bảo tồn, khôi phục quýt hồng huyện Lai Vung" trong giai đoạn 2020 - 2024 (Ảnh: I.T)

Theo thống kê, hiện diện tích quýt hồng của huyện Lai Vung (Đồng Tháp) là 801,96 ha, chủ yếu phân bố trên các xã Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành và một phần ở xã Hòa Long.

Tuy nhiên, diện tích nhiễm bệnh hiện đã lên đến 782,6 ha, chỉ còn 19,4 ha chưa nhiễm. 

Riêng về diện tích nhiễm bệnh, có 49,6 ha nhiễm nhẹ, 119,6 ha nhiễm trung bình, 613,4 ha nhiễm nặng, hơn 365 ha nhiễm nặng đã đốn bỏ và 247,5 ha nhiễm nặng chưa đốn (không thể cho trái).

Do nhiễm bệnh nên năng suất giảm sâu, theo tính toán trong năm 2019, chỉ còn khoảng 4.000 tấn, trong khi đó, năm 2018 hơn 20.000 tấn, các năm trước đó đều hơn 30.000 tấn.

Theo ngành nông nghiệp huyện Lai Vung, quýt hồng chủ yếu bị bệnh vàng lá thối rễ, chết cây. Bệnh này bắt đầu từ xuất hiện vào khoảng năm 2012 và tỷ lệ bệnh tăng dần qua các năm cho đến nay.

Thời gian qua, các hộ dân ở huyện Lai Vung chủ yếu trồng quýt hồng theo cách chiết nhánh truyền thống, cách chăm sóc còn chưa cải tiến, chưa liên kết với nhau trong sản xuất, không liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, sản phẩm chủ yếu bán tươi vào thị trường tiêu thụ truyền thống (các tỉnh, thành ĐBSCL, TP.HCM và chỉ vài trăm tấn ở Miền Trung).

Hơn nữa, quýt hồng nơi đây chủ yếu được bán tươi, không qua sơ chế, chưa có cơ sở chế biến. Đa số nông dân chưa được hướng dẫn kỹ thuật thu hoạch, bảo quản, sơ chế nên chất lượng không đồng đều. Đó đó, tình trạng "được mùa rớt giá, được giá mất mùa" cứ lặp đi lặp lại.

Để khắc phục tình trạng trên cũng như thúc đẩy sự phát triển loại trái cây đặc sản đã được Cục Sở hữu Trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu, với sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp và Trường Đại học Cần Thơ, UBND huyện Lai Vung đang xin UBND tỉnh cho phép triển khai thực hiện đề án "Bảo tồn, khôi phục quýt hồng huyện Lai Vung" trong giai đoạn 2020 - 2024.

Theo đề án trình UBND tỉnh phê duyệt, huyện Lai Vung phấn đấu đến năm 2024, sẽ bảo tồn và khôi phục đạt 546,63 ha (ước năng suất sẽ đạt được 40 tấn/ha sau khi thực hiện), trong đó bảo tồn 198,71 ha, khôi phục 347,92 ha; 100% diện tích áp dụng qui trình kỹ thuật canh tác an toàn bền vững.

Tổng kinh phí thực hiện đề án được đề xuất là trên 118,7 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách tỉnh trên 27,2 tỷ đồng, vốn tổ hợp tác, hợp tác xã đối ứng 520 triệu đồng và vốn nhà vườn đối ứng trên 91 tỷ đồng).

Theo đó, ngành nông nghiệp huyện Lai Vung sẽ phối hợp với các cơ quan nghiên cứu và các cơ quan chuyên môn của tỉnh Đồng Tháp xác định lại các khu vực cây quýt hồng còn sống tốt, khu vực cây nhiễm bệnh nhẹ, trung bình, khu vực cây nhiễm bệnh nặng nhưng chưa đốn để tiến hành các giải pháp khôi phục, đưa các giải pháp kỹ thuật canh tác tiến bộ vào sản xuất.

Đồng thời, sẽ đào tạo kỹ thuật, hỗ trợ vật tư, chuyển giao giống sạch bệnh cho người dân. Hỗ trợ máy xeo đất, máy băm rơm phục vụ việc ủ phân hữu cơ truyền thống cho các hợp tác xã thuộc các địa phương Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành, Hòa Long...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem