Dòng vốn mới từ các công ty Âu, Mỹ trên đường 'chảy' vào Việt Nam

Tường Thụy Thứ hai, ngày 13/11/2023 13:33 PM (GMT+7)
Đang quan tâm nhiều đến Việt Nam hơn so với trước đây, các công ty từ châu Âu và châu Mỹ sẽ thâm nhập thị trường nước ta để khai thác các cơ hội kinh doanh.
Bình luận 0

Đây là thông tin từ hội nghị quốc tế về mua bán doanh nghiệp (M&A) có tên GMAP Conference được Hiệp hội GMAP tổ chức tại TP.HCM, ngày 13/11.

GMAP (tên đầy đủ: Global M&A Partners) là hiệp hội gồm 30 công ty chuyên tư vấn về M&A đang hoạt động tại khoảng 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hội nghị tại TP.HCM là sự kiện lần đầu được GMAP tổ chức tại Việt Nam vì thị trường này đã xuất hiện nhiều cơ hội cho GMAP và các khách hàng, đồng Chủ tịch GMAP - ông Ivan Alver cho biết.

Ông Alver khẳng định: "Các điểm mạnh của thị trường Việt Nam bao gồm chính trị ổn định, lực lượng lao động dồi dào và có tay nghề nhưng chi phí lao động thấp hơn tại Trung Quốc. Vì vậy, các công ty đa quốc gia đang chọn Việt Nam làm địa điểm để thực hiện chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng".

Dòng vốn mới từ các công ty Âu, Mỹ trên đường chảy vào Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Ivan Alver, đồng Chủ tịch Hiệp hội GMAP, phát biểu tại hội nghị M&A của GMAP tại TP.HCM ngày 13/11/2023. Ảnh: Tường Thụy

Ông Frederic de Boer, đồng Chủ tịch GMAP, cho biết một số công ty châu Âu đang trong quá trình thâm nhập thị trường Việt Nam.

"Ví dụ, 2 công ty Thụy Sĩ chuyên về phát triển cơ sở hạ tầng đã hoàn tất quá trình tìm hiểu thị trường để bắt đầu kinh doanh trong giai đoạn sắp tới. Họ đang hoạt động tại Trung Quốc nhưng biết các cơ hội đang mở ra ở Việt Nam", ông Boer cho hay.

Khi phóng viên báo Dân Việt hỏi tên của 2 công ty Thụy Sĩ, ông Boer nói không thể tiết lộ tên vì chưa đến thời điểm công bố.

Hiệp hội GMAP hợp tác với công ty Recof (Nhật Bản) để tổ chức hội nghị trên vì công ty con là Recof Việt Nam đã hoạt động tư vấn M&A doanh nghiệp tại Việt Nam với thâm niên hoạt động 12 năm.

Tại hội nghị, Recof giới thiệu đến khách hàng nhiều lĩnh vực tại Việt Nam nhưng tập trung vào 4 lĩnh vực bán lẻ, sản xuất-chế biến thực phẩm, logistics và Fintech (công nghệ tài chính) vì 4 ngành này đang sôi động hơn hết, theo ông Masataka Yoshida, CEO của Recof Việt Nam.

Ông Yoshida tin hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ vẫn sôi động dù kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm vì các nhà đầu tư theo đuổi các giao dịch nhằm thâm nhập thị trường, hoặc để củng cố và mở rộng mạng lưới kinh doanh. Logistics là lĩnh vực đang thu hút nhiều "đại bàng" FDI vì các công ty đa quốc gia chọn tuyệt vời để tái định vị chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nổi bật nhất trong quá trình này là những tên tuổi lớn như Apple, Foxconn, Luxshare (cả Foxconn và Luxshare đều là nhà cung cấp của Apple), công ty bán dẫn Amkor của Mỹ đang đầu tư 1,6 tỷ USD tại Bắc Ninh, hay tập đoàn đồ chơi Lego đang đầu tư hơn 1 tỷ USD xây dựng nhà máy không phát thải carbon đầu tiên của Lego ở Bình Dương…

Về logistics, tập đoàn đa ngành hàng đầu Singapore là Sembcorp Industries đang xây dựng Trung tâm kho vận Sembcorp Logistics Park tại Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi).

Trong khi đó, công ty SLP khởi công xây dựng dự án logistic SLP Bắc Ninh tại Khu công nghiệp Thuận Thành 2 (huyện Thuận Thành) ngày 9/11 vừa qua. Đây là dự án thứ ba của SLP tại Bắc Ninh sau 2 dự án có tên SLP Park Yên Phong và SLP Park Nam Sơn Hợp Lĩnh cùng trong năm 2023. Và Bắc Ninh cũng là tỉnh có nhà máy bán dẫn quy mô lớn của Amkor.

Dòng vốn mới từ các công ty Âu, Mỹ trên đường chảy vào Việt Nam - Ảnh 3.

Ảnh phối cảnh dự án logistic SLP Bắc Ninh khởi công xây dựng ngày 9/11/2023. Ảnh: SLP.

Về các công ty Nhật Bản, ông Yoshida – CEO của Recof Việt Nam cho biết cơ hội tăng trưởng cho họ tại thị trường trong nước không còn nữa và họ phải đi ra nước ngoài, với Việt Nam là 1 lựa chọn.

Theo hướng này, Aeon (tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản) đang tăng tốc mở rộng mạng lưới kinh doanh tại Việt Nam, nơi Aeon xác định là thị trường quan trọng nhất ở nước ngoài.

Trong lĩnh vực tài chính, các thương vụ M&A đáng chú ý gồm giao dịch mua lại 100% công ty tài chính tiêu dùng SHB Finance thuộc ngân hàng SHB của "ông bầu" Đỗ Quang Hiển từ MUFG, tập đoàn tài chính lớn nhất Nhật Bản. MUFG mua đứt thông qua ngân hàng Krungsri Thái Lan, thành viên của MUFG, với giá được báo Nikkei Asia của Nhật tiết lộ là 5,1 tỷ baht (tương đương 155,77 triệu USD - khoảng 3.600 tỷ đồng). Bên mua đã thanh toán xong 50%.

SMBC, ngân hàng lớn thứ 2 của Nhật, đang sở hữu 49% công ty tài chính tiêu dùng FE Credit và 51% còn lại do ngân hàng VPBank Việt Nam sở hữu. SMBC phải chi ra khoảng 1,4 tỷ USD cho thương vụ M&A này.

Một thương vụ không nhỏ khác là khoản đầu tư 200 triệu USD do Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) dẫn đầu vào công ty Fintech M-Service – công ty sở hữu dịch vụ ví điện tử MoMo hàng đầu Việt Nam.

Ông Yoshida cũng đề cập việc công ty tài chính Nhật Bản Credit Saison vào năm mua lại 49% cổ phần của công ty tài chính HD Finance thuộc ngân hàng HDBank ở TP.HCM, và tên doanh nghiệp đã được đổi thành HD Saison.

Ông cũng cho biết vụ tập đoàn tài chính PPF từ châu Âu đang thương lượng để bán lại công ty Home Credit Việt Nam nhằm tập trung vào thị trường châu Âu sẽ là thương vụ cuối trong việc chuyển nhượng các công ty tài chính hàng đầu Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Do có một số công ty đang muốn mua lại Home Credit Việt Nam, ông Yoshida nói hiện nay chưa biết ai sẽ là chủ sở hữu mới và cũng chưa biết giá của thương vụ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem