Bộ GTVT "rót" 163,34 triệu USD phát triển đường thủy và logistics khu vực phía Nam

Thế Anh Thứ sáu, ngày 03/11/2023 15:00 PM (GMT+7)
Bộ GTVT vừa phê duyệt dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam với tổng mức đầu tư gần 3.900 tỷ đồng, tương đương 163,34 triệu USD.
Bình luận 0

"Rót" 163,34 triệu USD phát triển hạ tầng logistics

Như Dân Việt đã thông tin, một trong những nguyên nhân hạn chế sự phát triển của ngành logistics ở Việt Nam, được các chuyên gia chỉ ra nguyên nhân chính là sự thiếu liên kết giữa các bên của chuỗi cung ứng và các bên liên quan của ngành, thể hiện qua tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics còn thấp.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, nhiệm vụ trước mắt là cần tập trung tăng cường các mối liên kết trong ngành... logistics.

Bộ GTVT "rót" 163,34 triệu USD phát triển đường thủy và logistics khu vực phía Nam - Ảnh 1.

Bộ GTVT đang nỗ lực phát triển hạ tầng logistics. Ảnh: TA

Cụ thể, trao đổi với PV Dân Việt, TS. Trần Khắc Tâm, ĐBQH khoá 13, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Ngành logistics Việt Nam vẫn còn một số hạn chế khi chưa khai thác hết được lợi thế địa kinh tế và chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương".

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động logistics cũng như sự kết nối giữa hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin... trong nước và với khu vực còn yếu.

Nhằm phát triển hạ tầng logistics, Bộ GTVT vừa phê duyệt dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam (Dự án) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Dự án này, sẽ do Ban Quản lý các dự án đường thủy được giao làm chủ đầu tư.

Mục tiêu của dự án này nhằm cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giảm tắc nghẽn, tai nạn, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thông qua việc cải tạo, nâng cấp hành lang vận tải Đông - Tây kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cải tạo hành lang vận tải Bắc - Nam kết nối khu vực Đông Nam bộ với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 3.900 tỷ đồng, tương đương 163,34 triệu USD. Trong đó, vốn vay WB 106,96 triệu USD, tương đương hơn 2.550 tỷ đồng; vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc 0,58 triệu USD, tương đương gần 13,9 tỷ đồng; vốn đối ứng dự kiến hơn 1.330 tỷ đồng, tương đương 55,79 triệu USD.

Thời gian thực hiện 5 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực (dự kiến từ năm 2023 đến năm 2027).

Nạo vét hàng loạt luồng sông

Bộ GTVT "rót" 163,34 triệu USD phát triển đường thủy và logistics khu vực phía Nam - Ảnh 2.

Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển hạ tầng logistics. Ảnh:

Theo Bộ GTVT, dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam là dự án nhóm A, loại công trình giao thông đường thủy nội địa, công trình cấp II với phạm vi đầu tư: Các điểm nghẽn trên hành lang Đông - Tây qua sông Hậu (TP Cần Thơ), sông Trà Ôn, sông Mang Thít, sông Cổ Chiên, kênh Chợ Lách, sông Tiền, rạch Kỳ Hôn, kênh Chợ Gạo, rạch Lá, sông Vàm Cỏ, kênh Nước Mặn, sông Cần Giuộc, sông Soài Rạp (TP.HCM).

Cùng đó là các điểm nghẽn trên hành lang Bắc - Nam qua các sông Đồng Nai (cảng Đồng Nai), sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu, sông Đồng Tranh, sông Tắc Cua, sông Gò Gia, sông Thị Vải (cụm cảng Cái Mép Thị Vải).

Về quy mô đầu tư, đối với hành lang Đông - Tây, tiến hành cải tạo, nâng cấp đảm bảo cho tàu tự hành đến 600 tấn, tàu 3 lớp container thường lưu thông 24/24h, tàu tự hành đến 1.500 tấn lợi dụng thủy triều ở mực nước cao để lưu thông.

Đối với hành lang Bắc - Nam, tiến hành cải tạo tuyến luồng cho tàu tự hành đến 5.000 tấn, tàu 4 lớp container lưu thông thuận lợi, an toàn.

Bộ GTVT cũng dự kiến sẽ nạo vét luồng trên các tuyến sông Trà Ôn, sông Mang Thít, kênh Chợ Lách, rạch Kỳ Hôn, rạch Lá và sông Tắc Cua phù hợp với quy mô đầu tư. Đồng thời xây dựng các bãi chứa có các khoang chứa, khoang lắng... và đê bao để chứa vật liệu sau nạo vét của Dự án.

Xây dựng kè bảo vệ bờ tại các vị trí sau khi nạo vét luồng có nguy cơ gây sạt lở bờ, mất ổn định cho các công trình dọc tuyến luồng. Xây dựng cầu Chợ Lách 2 bắc qua kênh Chợ Lách.

Bộ GTVT giao Ban Quản lý các dự án đường thủy có trách nhiệm tiếp thu ý kiến thẩm định và ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị liên quan để chỉ đạo tư vấn tiếp thu, hoàn chỉnh hồ sơ Dự án theo đúng quy định.

Đồng thời, khẩn trương phối hợp với nhà tài trợ và các cơ quan liên quan để chuẩn bị, triển khai thủ tục đàm phán, ký kết hiệp định vay vốn cho Dự án làm cơ sở thực hiện đầu tư. Phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.

TS. Trần Khắc Tâm, ĐBQH khoá 13, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, vùng ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong; có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

ĐBSCL có tiềm năng về địa hình phát triển giao thông: Có đường bờ biển dài 700 km và trên 360 nghìn km2 vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế, có các tuyến hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng.

Cùng đó là tiềm năng kết nối, thông qua các cảng tại TP.Hồ Chí Minh và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải thuộc tỉnh của Bà Rịa - Vũng Tàu, kết nối với các thị trường Đông Á, châu Âu, Mỹ...

TS. Trần Khắc Tâm cho biết, ĐBSCL còn có Cảng biển nước sâu Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã được Chính phủ quy hoạch, tiềm năng trở thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tại Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 78 của Chính phủ xác định đến năm 2030 phát triển Cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng thành cảng đặc biệt và là cửa ngõ của vùng ĐBSCL.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem