“Đột kích” các tổng kho “hành quyết” chim trời! (Bài 3): Đường dây xả súng và giăng "thiên la địa võng" hóa kiếp chim trời
Lãng Quân - Văn Hoàng
Thứ bảy, ngày 26/12/2020 07:58 AM (GMT+7)
Chim bay trên trời cao, cả ngày người thành phố và người xóm mạc ít khi trông thấy chim bay, thi thoảng mới nghe được chim hót. Thế thì chim cạn, chim nước, chim sải cánh dài cả mét, chân cao mấy gang tay la liệt, lúc lỉu, thẫn thờ trong các quán ăn, nhà hàng kia ở đâu ra?
Tại nhà hàng "Chim to dần" ở phố Trần Kim Xuyến, Hà Nội, chúng tôi còn chứng kiến đầu bếp mang đủ mồng két, le le, chim sâm cầm "tuyệt đối hoang dã" đang vùng vẫy quần quật lên giơ tận bàn ăn cho thực khách "xem hàng" trước khi hành quyết.
Tại nhà hàng Tuấn Giang ở Bắc Ninh, chim lớn và hoang dã được nhốt ở khu bếp, khu nhà kho "cách đó vài nhà", khách yêu cầu, họ bí mật thả chim vào tải lưới, khi đem ra, các loài chim lớn vô tội mỏ dài nhọn hoắt ngồi trù trụ, tỏ ra bất lực, trợn mắt nhìn thực khách…
Các loài chim quý và hiếm đó ở đâu ra? Nhóm Phóng viên đã vào vai dân chơi, xin gia nhập các hội nhóm bắn, bẫy, lưới, dính nhựa bắt chim và buôn bán chim trời trên nhiều tỉnh thành của Việt Nam. Sự thật vô cùng đáng sốc.
"Ông trẻ lại đi bắn chim rồi, ông kín tiếng một tí cho chúng con nhờ"
Một buổi sớm lơ mơ sương mù, cách Hà Nội 120km, chúng tôi được cho phép đi theo một nhóm người lái ô tô đi bắn chim thú. Anh thanh niên tên L. xách khẩu súng hơi nhập khẩu từ Cộng hòa Séc sáng loáng rủ rỉ "anh được đi bắn chim thú ở khu vực 30 xã mấy huyện của tỉnh này, vì "quen biết cả". Chứ người lạ nổ súng bị xử lý ngay, nhẹ thì phạt hành chính, mất oan cái súng mấy chục triệu đồng, nặng thì dính cả "hình sự". Bản thân anh, ra khỏi 30 cái xã kia là cũng "dính".
Sáng nay trời đẹp cho việc đi "lấy cò vạc, giang, cu đất, cuốc đồng về ăn nhậu". Vì sao? Tôi hỏi. Anh nói: "Sương mù nhẹ, rét nhẹ, nếu ta để xe máy ngoài trời chục phút, xòe bàn tay áp vào yên xe, mà hằn in thành vệt bàn tay năm ngón. Thì là đủ để chim nó về rất nhiều". Chim di cư về vào mùa đó. Sương đậm hay mỏng hơn cái mô tả trên, đều "vứt".
Đang ăn sáng, thì ông M. (bạn săn) vác ra một cái túi rằn ri, kéo khóa, lôi ra khẩu súng, lắp thêm kính ngắm, trông khẩu "PCP" (một loại súng bắn bằng hơi nén), nó "hoành tráng" như súng bắn tỉa trong phim hành động Mỹ. Vài người bàn bên trầm trồ đòi xem và ngắm thử. Ông M đủng đỉnh: "Cất đi, nó tế nhị". Rồi ông mở điện thoại thông minh khoe con khỉ đầu chó bị thương đầy căm hận. "Vừa bắn đấy, trong bản làng gần núi. Dân báo có 15 con khỉ khôn và to lắm. Tớ phục kích, bắn xuyên vai, vỡ hàm một con nặng 13,5kg. Vừa nấu cao". Ông lật thêm một ảnh. Bên kia là nồi cao đen nhoáy, "tớ bỏ ít thuốc phiện, ít mai rùa cho đỡ tanh. Lúc bắn nó còn sống, nuôi mấy ngày. Lúc mổ treo lên, cạo lông xong trông như xác người". Tôi ngơ ngác, hỏi kiểu gợi chuyện: "Em xem ảnh?"; "Ảnh đó chả dám chụp, nhìn phản cảm".
Xe bắt đầu chạy. Trong cốp chiếc bán tải màu đen, ông M để hai khẩu súng săn, khẩu bắn đạn chì viên một, có kính ngắm. Có máy bơm khí để khi bắn đã vãn một ngày hiu hiu lạnh, áp suất khí nó giảm thì ta bơm cho nó mạnh. Khẩu còn lại sáng choang, có giảm thanh, nòng dài có thể tháo rời từng khúc, "vẫn bắn được khi súng ngắn đến mức để trong ca táp xách đi công tác như cán bộ công du", L nháy mắt cười tinh ranh. Người điều khiển khẩu súng săn Cộng hòa Séc tự hào giới thiệu thêm: "ba nghìn đô là hơn sáu chục triệu của tôi đấy. Đạn cũng mua từ nước ngoài về, nó lậu qua tàu biển.
Đang đi qua cầu, dòng sông Bứa xanh biếc chảy ra sông Hồng, thì tiếng ông M. ồn ồn: "Mày dừng xe cho ông trẻ!". Ở 70, vẫn khỏe, mũ phớt, ông cụ tự hào, "mắt ta tinh lắm, nhìn xa tốt hơn nhìn gần. Có mấy con giang nặng khoảng cân tám đậu trên bờ cỏ giữa hồ, 7 con tất cả". "Thật ra mắt ta cũng như mắt các cậu thôi, chỉ có điều ta thuộc lòng từng cái cọc tre đen đen nhô lên, từng ụ đất ven sông ven hồ. Thấy dáng cái cọc khác mọi hôm, là biết có chim cò vạc nó về rồi. Đi bắn từ lúc trẻ đến giờ còn gì nữa". "Có lần, đang bắn, dân thấy đùng đoàng đi báo công an. Công an xã và huyện kéo đến, nhìn thấy ta, các cậu ấy thở dài: "Lại là ông trẻ rồi. Ông bắn kín đáo tí kẻo mang tiếng chúng con. Ta chơi với bố nó từ hồi ông ấy còn tại chức mà".
Lặng lẽ mở cốp xe, lắp kính ngắm, thả viên đạn chì sáng mờ vào họng súng, chuẩn bị ngắm bắn. Ông M quay sang bạn săn trẻ tuổi của mình: "Mày lắp đạn chưa?". Ông muốn cả hai nhằm hai mục tiêu và cùng xiết cò, kẻo 7 con giang sẽ bay mất khi có tiếng nổ đầu tiên. Con nào cũng to với sải cánh dài cả mét và cân nặng khoảng gần 2kg, mất thì tiếc lắm. Những viên đạn của thợ săn trẻ hơn vàng óng, to hơn ngón tay cái, ở đó nhồi cả đống đạn chì nho nhỏ. Trên có lớp sáp bít lại. Một phát sổ cả chùm đạn bay ra. Tiếng nổ ròn rã, khiến bà con giật thon thót bất bình suốt dọc đường.
Nhìn cách ăn mặc hầm hố, xe cộ đặc chủng, súng ống lủng lẳng của các thợ săn, dân bản xứ ai cũng tặc lưỡi tránh ra cho lành. Ông M. vốn là dân quản lý chuỗi nhà hàng chim trời và thú rừng nổi tiếng, lúc đầu là săn bắn lấy thịt rừng tươi phục vụ việc kinh doanh, sau giàu có thì đi bắn chơi. Gần đây, người ta xiết chặt chế độ tài chính tiếp khách, mỗi bữa dăm bảy triệu tiền thú rừng không được "duyệt" nữa, thế là ông đành phải buông bỏ nhà hàng đặc sản. Do thế, càng có cơ hội đi săn bắn.
Lần sau chúng ta phải cưỡi trâu đi bắn chim mới được
Hai thợ săn thân nhau, đi bắn khỉ, bắn ngỗng trời nặng 6kg/con, chúng có đeo vòng bằng thép ghi rõ "Moscow 1985" chắc là của các nhà nghiên cứu chim (điểu học). Kệ, anh em bảo nhau vứt bỏ cái vòng tròn sáng choang ra, kẻo nhá nó vấp vào thì hại răng, còn đâu thì nhậu tất. Cậu trẻ từng bắn đạn ria trúng ông M đến sáu viên đạn chì, do hai bên chui lủi trong rừng săn thú, thấy tiếng động bắn bừa thành "săn thú bắn nhầm người". Sau vụ đó, họ còn thân nhau hơn. Cậu trẻ chơi súng nhiều năm, từng bị công an thu súng và xử lý.
Tiếng nổ khá chát chúa. Những loài chim vô tội, có khi di cư qua hành trình thăm thẳm từ bên kia bán cầu về, gặp họng súng thợ săn, chúng đổ gục giãy giụa. Có khi đạn chì văng khắp cơ thể con vật vô tội, thực khách cắn phải đạn chì ê răng tởn đến già. Có khi, đàn cò, vạc, giang bay ù lên sợ hãi, thợ săn trẻ giơ súng thẳng lên trời, bắn bừa một phát đạn ria mà không cần ngắm. Chục con chim hoang dã đẹp như cổ tích, đến từ thi ca vạn thuở cùng rụng xuống như cánh diều vừa thủng vừa mất gió. Lũ chim rơi trắng mặt hồ. Ít loài chim nào không nổi khi trúng đạn, vì thế, các thợ săn cứ lặng lẽ bơi ra vớt dần về nhậu, không có gì phải vội. Ông M vừa nhặt chim vừa giải thích: Chim có diều (mề, dạ dày) ăn ngon hơn chim chỉ có một cái bọng chứa thức ăn trước cổ. Nguyên tắc là thế". Có khi, thấy chim ít, vài thợ săn còn bắn cả "chó bản", "mèo đồng", "vịt sông" về ăn. Đó là cách gọi hài hước cho việc bắn động vật nuôi cho sướng tay rồi tiện tay nhặt về nấu nướng. Bởi thợ săn bằng súng, hầu hết khá là gấu và có quan hệ tốt với cơ quan quản lý, nên súng không bị thu và làm càn cũng ít… sợ. "Có vụ, chim đậu trên vòm trang trí của ngôi mộ ngoài đồng hoang. Bắn một nhát, bay cái "vòm cuốn" mộ phần, con chim rụng phịch một cái. Có khi, con cò đậu trên mông con trâu, ta đã bảo đừng có bắn, nó ham quá nên nổ súng, nhặt cò về, nửa đêm nhà chủ tìm đến bắt đền, vì 19 viên đạn chì găm vào mông trâu nái".
"Lần sau đi săn chim, tôi phải cưỡi trâu ông trẻ ạ", một gã sử dụng súng săn kể. "Vì bây giờ bọn đi bắn chim toàn đi ô tô, thứ nhất họ giàu có thích ăn chơi rửng mỡ, thứ hai, họ sợ đi xe máy đeo súng như hiệp sỹ "hành tẩu giang hồ" thì sẽ bị lên án hoặc bắt giữ. Đi xe ô tô để giấu súng luôn. Thế nên mặc định chim cò vạc giang ở vùng này, cả các con di cư hiền lành như sâm cầm, giờ đều đã láu cá hết. Các cá thể ngốc nghếch thì chúng nó chết hết rồi. Con còn sống sót đều rất khôn. Thấy xe ô tô đi thì nó kệ, xe dừng là nó bay. Chỉ có trâu bò, người nông dân cưỡi trâu hay cày cấy là chim nó quen mắt qua rồi và chưa đề phòng. Tôi mà có thời gian cầm súng cưỡi trâu thì đố mà con nào thoát được". Thực tế, các nhóm săn chim rất tinh vi, họ có thể bơi dưới hồ, phủ cỏ lác và bèo cái lên đầu xanh lét, rồi di chuyển dần về phía lũ chim di cư to béo. Có thể bơi bằng săm ô tô, ra giữa sông, nằm phục kích để bắn chim. Có khi họ thức trắng đêm, soi đèn, nhìn mắt chim mà bắn. Họ giả làm hình nộm y hệt con chim, giả tiếng chim, giăng lưới vô hình (trong suốt) để chim không trông thấy mà tránh né. Con người tinh vi đến độ, thiên nhiên hoang dã lúc nào cũng mắc lưới dính đạn hết.
Những khẩu súng săn… vô chủ!
Đi săn từ đồng nọ sang đồng kia. Bần cùng các sát thủ bầu trời mới chấp nhận ăn cò vạc bằng cách bắn bừa lên ngọn tre, ra cánh đồng rồi đi nhặt. Họ thường chú trọng bắn sâm cầm với giá chợ đen 1 triệu đồng/con; các con vạc, giang, ngỗng trời, chim lớn nặng một vài kilogram, "ăn ngon và bán được giá". Thường thì họ làm kinh tế (bán chim cò) thông qua cái "thú" săn bắn bằng súng thể thao trái phép này.
Tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, năm nay, Phòng Tư Pháp đã tham mưu cho UBND huyện và mở cuộc ra quân liên ngành, có sự tham gia nòng cốt là công an, biên phòng (ven biển) phá hủy bẫy, lưới, thu súng săn và phạt hành chính thật nặng những kẻ đi săn chim. Hơn chục khẩu súng, trong đó có nhiều súng săn hiện đại đã được thu về đồn biên phòng. Có đối tượng thấy cán bộ "mặc thường phục" ra bắt súng, họ bèn vứt bỏ súng xuống đường rồi kiên quyết không nhận đó là súng của mình. Khẩu súng trái phép bị thu, còn người thợ săn láu cá thì có khi thoát nạn bị xử phạt nghiêm khắc. Thành ra, nhiều khẩu súng bị thu về là "hàng vô chủ".
Trước kia, một số "thành viên săn bắn" mà chúng tôi gặp, họ được cơ quan công an cấp phép sử dụng súng hơi, súng săn, súng thể thao. Song, gần đây, cơ quan quản lý không cấp nữa, do xiết chặt quản lý vũ khí vật liệu nổ, cũng là để tránh bắn giết động vật hoang dã. Thành thử, ngoài một số được cấp giấy "giữ gìn" "di sản súng săn" làm kỉ niệm, mà không được sử dụng, hàng năm phải mang súng ra trình diện cơ quan chức năng; thì hầu hết các đối tượng sử dụng súng săn đều là trái phép. Nhiều ông vẫn cố kiết giấu súng trong xe hơi và đi săn, lúc bị phát hiện, trước nguy cơ tịch thu súng và phạt hành chính vài triệu đồng, họ bèn thờ cái giấy phép sử dụng súng săn hết hạn ra. Coi như một cách giảm nhẹ tội hữu hiệu.
Liên tiếp gần đây có các vụ nổ súng bắn giết nhau bằng súng mua trôi nổi trên mạng xã hội hoặc súng tự chế là vì thế. Một số đối tượng bị công an bắt với kho súng các loại "rất bắt mắt" bán cho dân chơi trên mạng. Nhiều án mạng do sử dụng súng tự chế, súng săn mua trên mạng xã hội đã được hàng chục tờ báo liên tiếp đưa tin. Một số dùng súng bắn công an. Có đối tượng là công an huyện Phúc Thọ (Hà Nội), dùng súng săn trái phép, đem ra quán trà đá khoe bạn bè, rồi súng nổ, đạn bay sang bên kia đường giết chết một nam sinh viên trường Đại học Giao thông Vận tải. Video của hộ dân ven đường đã ghi lại được cảnh thảm khốc trên.
Bên cạnh nguồn chim hoang dã có được từ "thảm sát" bằng súng săn, súng hơi, súng tự chế. Hệ thống bẫy, lưới chim là một nguồn cực kì nguy hiểm, tận diệt các "sứ giả bầu trời". Đúng ngày báo cáo công an và kiểm lâm, đề nghị bắt các hang ổ buôn chim trời lớn ở Bắc Ninh, nhóm Phóng viên bất ngờ chứng kiến các loa bán hàng rong ở thành phố tỉnh lỵ này oang oang bán keo dính chuột, keo bẫy chim sẻ ầm ĩ điếc tai. Mà xe đẩy hàng rong nào cũng rao thế. Mọi thứ cứ công khai vô cảm đến nhẫn tâm đến vậy, vẫn biết các hành vi kia là sai đủ điều. Trên internet, đặc biệt là các trang mua bán trực tuyến lớn bậc nhất Việt Nam, thấy bán nhan nhản bẫy chim, lưới "vô hình" bắt chim, loa đài giả tiếng chim, bán đạn chì, vài trang bán súng săn cỡ lớn và "siêu công nghệ" bắn con nào chết con đó. Việc quảng cáo bán các sản phẩm trên là sai, chứ chưa kể đến việc mua bán giao dịch thật, sử dụng thật trong cuộc sống. Xin hỏi, cơ quan chức năng ở đâu, Luật An ninh mạng sao không với tay đến các sai phạm kia? Với động vật hoang dã, riêng việc quảng cáo trên mạng, đưa ra thực đơn có chim trời hay thú hoang dã thôi đã đủ để xử lý được rồi.
Có đi trên các cánh đồng, bờ sông, bờ đầm ở Phú Thọ, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh mới thấy sự đáng sợ của những chiếc lưới bắt chim. Chúng giăng như thiên la địa võng, lại "vô hình" trong veo, phải ở một góc mà mắt nhìn của chúng ta thẳng hàng dọc với toàn bộ dãy lưới dài miên man ấy, thì các lớp lưới kề sát chồng chất lên nhau "đặc quánh", bạn mới có thể biết "bầu trời đầy mây đen" (hệ thống lưới bắt chim) đang xà xuống ruộng đồng, bờ ao đầm sông suối ra sao. Đêm về, đồng quê náo nức tiếng chim giả phát ra từ các băng, loa nối tiếp nhau. Người không hiểu, thắc mắc tại sao ở đây tràn ngập tiếng sâm cầm Tiến Vua, tiếng chim cuốc, tiếng cò vạc xôn xao thơ và nhạc thế. Nó kêu hơn cả nhiều vườn chim danh tiếng bậc nhất thế giới mà người viết bài này từng say đắm ghé thăm. Xin thưa, đó là tiếng chim phát ra từ loa để lừa chim trời đấy. Một tiếng chim sâm cầm, đối tượng từ Thái Lan có thể "tạo ra" rất tài tình, họ bán về Việt Nam qua nhiều "cầu" kinh doanh, sao chép ra thẻ nhớ và bán cho thợ bắt chim bằng lưới. Có khi hơn triệu đồng một tiếng chim quý "tinh tuyển", "đánh đâu trúng đó". Từng âm sắc cũng quy ra tiền, chứ không phải là đơn giản lên mạng gõ Google tiếng chim gì thì có sẵn mà tải xuống đâu. Như thế không còn hiệu quả nữa. Anh Lê, một thợ bẫy chim ở Phú Thọ tiết lộ: có đêm, anh giăng lưới bắt được lượng chim khổng lồ, bán tống bán tháo được 7 triệu đồng. "Bọn bán tiếng chim để đánh lưới này nó kinh lắm. Biết mình ở huyện này mua tiếng chim qua thẻ nhớ, nó bán. Nhưng bán xong, nó sẽ không bán cho người khác ở địa bàn này hoặc địa bàn bên cạnh. Vì như thế "đụng hàng" tiếng hót, đánh không hiệu quả, mất uy tín của nó".
Đừng để chim trời chỉ còn là kí ức
Thật ám ảnh với những cánh đồng lam nham nhựa dính bắt chim cò, bịt bùng lưới săn chim trong đêm và giữa ban ngày, tú hụ các căn lều hoặc búi ngụy trang trùm xòa lá móc để ngồi ẩn thân chờ chim hoang dã đến và giật lưới ụp. Đáng sợ hơn cả là phong trào tái sử dụng súng săn, súng tự chế ở vùng Nghệ Tĩnh. Tại Vườn Quốc gia Pù Mát, chúng tôi được kiểm lâm dẫn đi xem cả một kho súng tự chế, súng săn hiện đại vẽ rằn ri, súng có kính ngắm như lính bắn tỉa đặc nhiệm trong phim hành động. Và nhiều nhất vẫn là súng… cồn, bọng chứa khí, cồn to đúng, hoành tráng. Bắn "điểm hỏa" cực kì chuẩn xác, tiếng kêu rất nhỏ. Chim trời bị tàn sát đến mức, hết mùa chim rồi, cánh "ngoài Bắc" muốn ăn chim chỉ có thể gọi vào các đầu nậu vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Liên tục các chiến dịch thu súng, vài đối tượng săn thú hoang bị vào tù rồi, song nạn sử dụng súng hiện đại, súng tự chế bắn chim vẫn phổ biến. Nhiều nhà hàng ở Hà Tĩnh bị bắt với tang vật là chim hoang dã sống và đông lạnh. Cảnh sát môi trường ở Huế và Hà Tĩnh đã đi đầu trong việc xử lý các nhóm người tàn ác "bắn rụng bầu trời" để phục vụ quán nhậu kiếm lời. Chúng tôi được mời đi theo chân các chiến sỹ công an địa phương, biên phòng xứ Nghệ, xử lý các đối tượng săn bắn chim, tịch thu phóng hỏa lưới bắt chim, chim mồi bằng gỗ bằng sốp sơn màu mè để giả hình chim chóc, giả tiếng chim kêu chim hót để dụ "sứ giả bầu trời" về… nộp mạng. Có đi mới thấy rõ hơn: nếu không mạnh tay, thì chẳng mấy bữa nữa, chim trời chỉ còn trong cổ tích.
Chim mồi khắp nơi, các miếng xốp cắt hình con cò vạc dựng trắng toát, xám sẫm các cánh đồng xanh. Lưới giăng kín trời, có khi lái xe 30 phút, mở mắt ra, vẫn thấy lưới trùm phủ không gian như mây đen đang sà xuống mặt đất. Tại Nghệ An, chúng tôi xúc động nhìn cảnh các chiến sỹ biên phòng đi thu bẫy, bắt chim mồi, tiêu hủy lưới, xử phạt người đi bắt chim hoang dã. Tại Hà Tĩnh, công an và liên ngành đi thu lưới, thu bẫy chim, thả chim hoang dã bị bắt sắp làm mồi nhậu về với bầu trời bao la của chúng. Đó là các tín hiệu vui, tuyên truyền nâng cao nhận thức, răn đe các đối tượng "bắn rụng rồi ăn thịt cả bầu trời". Tuy nhiên, có vẻ như các nỗ lực trên chỉ như muối bỏ bể, khi mà khắp mọi nơi họ bán các dụng cụ đánh chim, bẫy chim, bắn chim trái phép mà không bị xử lý nghiêm khắc; "nhà nhà" đi bắn bẫy chim coi như một nghề kiếm sống trong mùa chim di cư về đông đúc. Đó cũng là lý do mà khi tiến hành điều tra, chúng tôi thường xuyên nghe các thông tin về nguồn chim hoang dã vận chuyển từ Thái Bình, Nam Định, vùng Thanh Nghệ cũ đi.
Nếu không có biện pháp quyết liệt sớm, sẽ là quá muộn để mơ về một thiên nhiên sum vầy, ánh ỏi tiếng chim ca, rợp trời các loài hoang dã tô điểm không gian, giúp hình thành nhân cách đẹp của con trẻ, giúp con người ta sống tích cực và nhân ái hơn. Cảnh tận diệt, hóa kiếp chim trời hiện nay, ai cũng biết là vi phạm pháp luật, nhưng mấy ai thật sự hết lòng ra tay? Khác với các loài chim chóc/ gia cầm được nuôi để giết thịt, chim hoang dã vô tội cũng là một sinh linh có quyền được sống với bầu trời tự do vốn có của nó. Quan trọng hơn, nếu giết thịt chúng sẽ là nguồn lây bệnh đầy hiểm họa, nếu bẻ gẫy chuỗi đa dạng sinh học vốn cân bằng một cách diệu màu của tự nhiên, các loài hoang dã sẽ "cắn trả" chúng ta bằng các hình thức vô phương cứu vãn khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.