Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trở thành tâm điểm tại triển lãm lồng đèn xưa ở TP.HCM, lồng đèn Đại Long thu hút nhiều người đến tham quan. Chúng được giới thiệu có giá bán tới 40 triệu đồng. Mãn nhãn trước vẻ đẹp, độ kỳ công của Đại Long, chúng tôi quyết định đến tận xưởng sản xuất ở quận 3 để tìm hiểu.
Xưởng hiển hiện trước mắt chúng tôi là một căn phòng nhỏ đóng kín cửa. Bên trong có 4-5 bàn làm việc la liệt nào thanh trúc, nào màu cọ, lồng đèn... Không chỉ riêng lồng đèn Đại Long mà gần chục lồng đèn trăm năm đã thành hình ở nơi này.
Khi chúng tôi đến, vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Thủy cùng những cộng sự trẻ tuổi đang miệt mài hoàn thiện từng chiếc lồng đèn để kịp giao cho khách chơi trung thu.
Chị Thủy và anh Nguyễn Hoàng Sơn (chồng chị Thủy) là 2 người sáng lập Khởi Đăng Tác Khí - xưởng chuyên phỏng dựng những món đồ chơi Trung thu cổ.
Ấp ủ suốt một năm từ khi nhìn thấy bức ảnh lễ rước rồng của người Việt Nam năm 1920, vợ chồng chị Thủy quyết định phỏng dựng lại lồng đèn con rồng và đặt tên là Đại Long.
Chia sẻ với báo Dân Việt, dịp Tết Trung thu, đặc biệt năm nay là năm con rồng, xưởng mong muốn tạo hình Đại Long uy nghiêm nhưng mang lại cảm giác thân thiện, vui tươi.
"Từ duy nhất tấm ảnh trắng đen lễ rước rồng, chúng tôi nhìn theo đó để tự mò mẫm cách làm khung, lợp giấy kiếng, chọn màu... Trong quá trình làm, lúc thì bị hư, lúc thì khung bị méo mó hay không ra được cái uy nghiêm của rồng. Chúng tôi phải thử nghiệm đi thử nghiệm lại không biết bao nhiêu lần", chị Thủy nói thêm.
Không còn hiện vật, không còn nghệ nhân từng làm hay từng chứng kiến, vợ chồng chị Thủy mất nhiều thời gian để nghiên cứu, thử nghiệm rồi phỏng dựng. Chị cho biết có khi đã làm ra khung phần đầu rồi nhưng đến công đoạn dán giấy bóng kiếng mới phát hiện nhiều chỗ của khung không hợp lý. Khi ấy, chị phải quay lại từ cái khung để chỉnh sửa. Quá trình ấy cứ lặp đi lặp lại cho đến khi bộ khung hoàn chỉnh thành hình.
Bộ khung được làm từ những thanh trúc mềm, dẻo nên lồng đèn sẽ giữ được nhiều năm. Với 10 thợ làm liên tục, phần đầu mất 220 giờ để hoàn thiện, nặng gần 7kg.
Riêng phần đuôi và phần thân nặng gần 10kg. Chúng không có khung và toàn bộ được uốn bằng tay. Một tay cầm trúc, tay còn lại sẽ gò bằng máy khò nhiệt với công suất lên đến 2000W. Toàn bộ thời gian làm phần thân và đuôi rồng mất 150 giờ.
Về kích thước, Đại Long dài 10m. Đây là lồng đèn có kích thước lớn nhất, cũng mất nhiều thời gian nhất từ trước đến giờ xưởng từng sản xuất.
Để đôi mắt rồng có hồn, chị Thủy mô tả đôi mắt hoàn toàn được đan kết từ những sợi trúc mỏng chỉ 1mm, chọn màu và tô một cách khéo léo. Mắt Đại Long còn có thể lung lay để tăng thêm phần sống động.
Nhớ lại những ngày miệt mài cùng vợ và các đồng sự phỏng dựng lồng đèn, anh Sơn cho biết làm Đại Long khó và phức tạp hơn rất nhiều so với các loại lồng đèn cá, cua, bướm mà xưởng đã làm. Cái khó trong quá trình phỏng dựng chính là tính toán làm sao để hình dáng, đầu đuôi cân đối.
"Để ra được con Đại Long, một mối nối phải cắm rất nhiều thanh trúc nên chỉ còn cách phải khoan bằng máy có mũi khoan siêu nhỏ 1mm để tạo mối nối. Khi sử dụng loại máy có mũi khoan rất nhỏ này, thợ phải cẩn thận và tập trung cao độ nhất có thể", anh Sơn nói thêm.
Đa số người Việt Nam đều đã quen với lồng đèn giấy bóng kiếng. Nhưng xưởng cho biết lồng đèn 100 năm trước làm bằng giấy dầu, không phải giấy kiếng như hiện nay.
Vợ chồng chị Thủy lựa chọn dùng giấy kiếng cho lồng đèn Đại Long và tất cả lồng đèn khác ở xưởng như một phần tiếp nối bước chân truyền thống.
Chị Thủy cho biết thông qua lồng đèn trăm năm này, người Việt vẫn có thể cảm nhận hình ảnh xưa được tái hiện bằng chất liệu hiện đại. Giá trị truyền thống cũng vì vậy mà không đứng yên một chỗ.
Khâu lợp giấy bóng kiếng cũng là một trong những khâu đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo. Lê Công Mẫn - sinh viên Đại học Kiến Trúc TP.HCM - một trong 10 thợ phỏng dựng lồng đèn Đại Long chia sẻ mình và các cộng sự khác đã đứng liên tục hàng giờ đồng hồ mỗi ngày để dán giấy bóng kiếng lên khung.
Tính tới thời điểm hiện tại, xưởng đã bán được 7 lồng đèn Đại Long. Sắp tới, xưởng chuẩn bị làm tiếp chiếc thứ 8 để giao cho khách. Với kích thước cỡ đại, chị Thủy cho biết phải vận chuyển Đại Long bằng xe tải, máy bay để giao cho khách ở TP.HCM, Ninh Bình, Bắc Ninh...
"Phỏng dựng mấy con sau vẫn tốn rất nhiều công sức dù đã quen. Thậm chí còn không rút ngắn thời gian hoàn tất vì càng làm càng chi tiết hơn, càng muốn hoàn thiện hơn những con trước", chị Thủy tươi cười.
Với mong muốn "thắp sáng" lồng đèn truyền thống trong xã hội hiện đại, vợ chồng chị Thủy đã phỏng dựng không chỉ lồng đèn Đại Long mà còn rất nhiều loại lồng đèn trăm năm khác như cua, bướm, vọng nguyệt, cá chép, tiến sĩ giấy...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.