Xử lý thực bì, suýt cháy lan sang cả rừng phòng hộ
Đốt thực bì gây cháy đồi nhà, suýt lan sang cả rừng phòng hộ
Chiến Hoàng
Thứ hai, ngày 18/01/2021 08:00 AM (GMT+7)
Một vụ cháy rừng đã xảy ra tại tổ Khuổi Lặng, phường Huyền Tụng, TP.Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn, có dấu hiệu lan sang khu rừng phòng hộ bên cạnh vào ngày 17/1.
Cụ thể, khoảng 15h ngày 17/1, một đám cháy đã bùng phát tại khu vực đồi của gia đình bà Cao Thị Lâm (tổ Khuổi Lặng, phường Huyền Tụng, TP.Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn), sau đó đám cháy có dấu hiệu lan sang khu vực rừng phòng hộ cạnh đó.
Nguồn tin của Dân Việt cho hay, ngày 16/1, gia đình bà Lâm có đốt thực bì, sáng 17/1 tiếp tục đốt. Đến chiều 17/1, do gió mạnh khiến đám cháy bùng phát trở lại. Diện tích rừng bị cháy của gia đình bà Cao Thị Lâm khoảng chừng 2-3ha.
Ngay khi có thông tin về vụ cháy, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Bắc Kạn đã xuất 2 xe chữa cháy cùng 20 cán bộ, chiến sĩ, do trung tá Dương Văn Thắng - Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tỉnh Bắc Kạn trực tiếp chỉ huy đến hiện trường vụ cháy.
Trung tá Dương Văn Thắng cho biết, tiếp cận đám cháy, quá trình trinh sát nắm bắt được đám cháy đã bắt đầu cháy sang khu rừng phòng hộ. Đơn vị đã nhanh chóng triển khai lực lượng, phương tiện và chiến thuật phù hợp để tạo đường băng lửa dập tắt đám cháy.
"Khoảng 17h30 cùng ngày, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn; thực hiện triển khai xử lý các nguy cơ có thể bùng phát đám cháy, giao lại hiện trường cho gia đình và chính quyền địa phương để thực hiện các nội dung tiếp theo. Do được kịp thời khống chế nên đám cháy gây thiệt hại không đáng kể", trung tá Dương Văn Thắng cho biết thêm.
Được biết, ông Cù Ngọc Cường - Bí thư Thành ủy Bắc Kạn và ông Dương Hữu Bường - Chủ tịch UBND TP.Bắc Kạn đã trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác chữa cháy.
Trước việc người dân tập trung xử lý thực bì vào những ngày xuân, trung tá Dương Văn Thắng đã đưa ra một số khuyến cáo để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
Theo đó, khi xử lý thực bì, người dân trước tiên phải thông báo đến kiểm lâm và chính quyền địa phương; chủ động xây dựng phương án xử lý; tạo các đường băng cản lửa trước khi xử lý thực bì. Bố trí đủ lực lượng người để canh gác và đảm bảo xử lý được tình huống khi có sự cố xảy ra; kiểm tra lại tất cả các nguồn lửa, nguồn nhiệt và khả năng có thể gây cháy trở lại...
Đối với chính quyền địa phương và kiểm lâm, nên chủ động nắm tình hình, cảnh báo cấp độ cháy rừng. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra giám sát trong công tác phòng cháy, chữa cháy; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có sự cố xảy ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.