Đốt xe máy sau khi lực lượng CSGT kiểm tra, có vi phạm gì?

Nguyễn Đức Chủ nhật, ngày 10/01/2021 15:57 PM (GMT+7)
Hành vi không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông (CSGT), châm lửa đốt xe máy có thể bị xem xét về hành vi chống người thi hành công vụ hay gây rối trật tự công cộng.
Bình luận 0

Như Dân Việt đưa tin, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP.Hải Dương (tỉnh Hải Dương) cho biết, vào khoảng 15h20 ngày 8/1 tại đường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương), Dương Văn Trung (SN 1981, ở Thanh Hà, Hải Dương) điều khiển xe máy mang BKS 34B1 – 987.80 vi phạm lỗi vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, xe không có gương chiếu hậu bên trái nên đã bị lực lượng chức năng dừng xe kiểm tra hành chính.

Tuy nhiên, khi làm việc với CSGT, Trung không chịu hợp tác còn châm lửa đốt chiếc xe máy ngay trước mặt CSGT. 

Khi xảy ra vụ cháy, lực lượng chức năng đã dập lửa nhưng ngọn lửa vẫn bùng lên cháy dữ dội thiêu rụi chiếc xe máy này. Ngay sau đó, Trung đã được đưa về trụ sở công an để lấy lời khai và xử lý theo quy định của pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, hành vi không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông, châm lửa đốt xe vi phạm ngay tại nơi công cộng là hành vi thể hiện thái độ coi thường, thách thức pháp luật và có dấu hiệu tội phạm hình sự.

Người đàn ông đốt xe máy khi  bị CSGT kiểm tra có bị phạt tù? - Ảnh 1.

Chiếc xe máy bị cháy rụi trên phố Trần Hưng Đạo. Ảnh C.A TP. Hải Dương.

Bởi vậy cơ quan điều tra cần làm rõ động cơ, mục đích, hành vi và hậu quả để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.  

Trường hợp, lái xe máy bị hạn chế khả năng nhận thức điều khiển hành vi do sử dụng ma túy hoặc rượu bia, chất kích thích khác, đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả pháp lý mà mình gây ra.

Còn trường hợp đối tượng bị mắc bệnh làm mất hoặc hạn chế khả năng nhận thức thì mới không đề cập xử lý nhưng bắt buộc chữa bệnh.

Đối với hành vi đốt xe trước mặt cảnh sát giao thông, ngay trên mặt đường, nơi công cộng là hành vi thể hiện thái độ coi thường pháp luật, có dấu hiệu cản trở hoạt động thi hành công vụ và gây rối trật tự công cộng.

Vì vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi này và việc xử lý về tội chống người thi hành công vụ hay tội gây rối trật tự công cộng sẽ phụ thuộc vào động cơ, mục đích, thái độ của đối tượng cũng như hậu quả đối với việc thi hành công vụ.

Người đàn ông đốt xe máy khi  bị CSGT kiểm tra có bị phạt tù? - Ảnh 3.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Nếu như trường hợp đủ căn cứ để xử lý người đốt xe máy về tội chống người thi hành công vụ thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này theo điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015, với mức hình phạt có thể đến 3 năm tù.

Trường hợp hành vi đốt xe máy gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc đình trệ hoạt động công cộng thì đối tượng có thể sẽ phải đối mặt với tội danh gây rối trật tự công cộng theo điều 318, Bộ luật hình sự 2015. Với tội danh này, người đàn ông đốt xe có thể bị xử phạt lên đến 7 năm tù.

Theo luật sư Cường, trong một số trường hợp chiếc xe vi phạm có thể là tang vật trong các vụ án hình sự, đối tượng đốt xe nhằm tẩu tán tài sản, phi tang chứng cứ. 

Bởi vậy, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ nguồn gốc và đặc điểm của chiếc xe này. Nếu phát hiện ra có những vi phạm khác sẽ làm rõ để xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội chống người thi hành công vụ cụ thể như sau:

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm."

Điều 318 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội gây rối trật tự công cộng như sau:

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem