ĐT Italia thất bại do chiến thuật hay do năng lực cầu thủ?
ĐT Italia thất bại do chiến thuật hay do năng lực cầu thủ?
Trần Oánh
Chủ nhật, ngày 30/06/2024 11:10 AM (GMT+7)
Qua 4 trận đấu ở EURO 2024, ĐT Italia thể hiện phong độ thiếu thuyết phục, nhợt nhạt, không có bản sắc, không tương xứng với sự kỳ vọng của người hâm mộ bóng đá.
ĐT Italia thất bại do chiến thuật hay do năng lực cầu thủ?
Một lần nữa ở giải đấu này, HLV Luciano Spalletti từ bỏ sơ đồ 3-5-2 với 1 libero quét điển hình của hệ thống chiến thuật nhấn mạnh vào phòng thủ "catenaccio" truyền thống, đã đem lại bản sắc và những thành công trong quá khứ cho bóng đá Italia, để chuyển sang sơ đồ chiến thuật 4-3-3.
Bước vào trận, cảm giác rằng các cầu thủ Italia thi đấu khá rụt rè. Dường như họ chủ trương chơi phòng ngự chặt, hòng làm nản lòng các cầu thủ tấn công Thụy Sĩ, mong chờ hiệp 2, đối thủ của họ đuối sức và giải quyết trận đấu trong thời gian này. Nhưng đến nửa sau hiệp1, thực tế chứng tỏ rằng các cầu thủ Italia có muốn đẩy đội hình lên tấn công cũng không được.
Tất nhiên là các cầu thủ Thụy Sĩ đã tổ chức pressing mạnh mẽ lên hàng hậu vệ Italia, nhưng với 1 đội bóng tầm cỡ như Italia, việc tổ chức thoát pressing, vượt qua sức ép đó là năng lực buộc phải có. Thực tế trên sân cho thấy, hàng thủ Italia rất lúng túng trong các pha phối hợp triển khai tấn công dưới sức ép của đối phương. Khi cả trong những tình huống triển khai tấn công khá thoải mái, không bị truy cản quá gắt gao trong giai đoạn kiểm soát bóng trên sân nhà, không ít lần, các hậu vệ Italia vẫn chuyền bóng cho nhau hỏng, chúng ta sẽ rất khó nhận định điểm yếu về khả năng thoát pressing này là do chất lượng cầu thủ không đáp ứng hay việc hỗ trợ, phối hợp trong thực hiện chiến thuật không tốt.
Ở chiều ngược lại, hàng hậu vệ Thụy Sĩ thoát pressing tốt hơn hậu vệ Italia, một phần là do hàng tấn công của Italia pressing không quyết liệt, không đồng bộ. Khi các cầu thủ Thụy Sĩ pressing, họ huy động rất đông người, quây tất cả các hướng chuyền bóng của cầu thủ cầm bóng. Thật không hiểu do thận trọng hay rụt rè, mà các cầu thủ Italia dùng ít người hơn cho các pha pressing đó, như kiểu chỉ để giảm tốc độ tấn công của đối phương, kết quả là chỉ sau vài đường chuyền, hàng hậu vệ Thụy Sĩ đã có thể đưa bóng lên đến giữa sân.
Đó là chức năng tổ chức tấn công của hàng hậu vệ, còn về chức năng phòng thủ, sẽ khó so sánh khả năng phòng thủ của 2 đội bóng, hay nói cách khác kết luận rằng khả năng phòng thủ của hàng hậu vệ ĐT Italia là kém ĐT Thụy Sĩ là chưa thỏa đáng cho dù họ đã để lọt lưới 2 bàn. Thực tế, khi 1 đội bóng để cho đối phương chủ động cầm bóng, tập trung lực lượng liên tục áp sát khu vực 16m50, thì sớm muộn hàng thủ cũng để xảy ra sai lầm.
Ở việc tổ chức tấn công, ĐT Thụy Sĩ cũng tỏ ra vượt trội, cả về ý tưởng tổ chức tấn công lẫn hiệu quả các miếng tấn công đó. Pha phối hợp thành bàn trong hiệp 1 của ĐT Thụy Sĩ trông có vẻ đơn giản về mặt kỹ thuật, nhưng thực tế, để khống chế như ý quả chuyền bóng nhanh của đồng đội mạnh gần như 1 cú sút, sau đó tung ra cú dứt điểm, trong trạng thái chạy nước rút, bên cạnh sự đeo bám của trung vệ đối phương như của Remo Freuler là rất khó thực hiện, nó đòi hỏi trình độ kỹ thuật cá nhân rất cao.
Góp phần quan trọng trong việc tạo ra thế trận áp đảo trước ĐT Italia phải kể đến vai trò của tiền vệ phòng ngự số 10 Xhaka của ĐT Thụy Sĩ, cầu thủ đang thi đấu cho Bayern Leverkusen. Anh có bước chạy, kỹ thuật xử lý bóng vô cùng ấn tượng. Về vai trò trong lối đá, ảnh hưởng lên đội bóng cũng như cách di chuyển tránh sự phong tỏa của đối phương, Xhaka của Thụy Sĩ giống như Toni Kroos trong ĐT Đức vậy. Cũng với những bước chạy trông có vẻ lười biếng, nhưng khi bóng trong chân cầu thủ này, các cầu thủ Italia không dám ập vào cướp bóng, họ chỉ cố gắng be người để hạn chế các đường chuyền của cầu thủ này. Có cảm giác rằng chỉ cần các đồng đội của Xhaka hình dung ra khoảng trống và di chuyển theo hướng đến khoảng trống đó, chắc chắn Xhaka sẽ đọc được và chuyền bóng đến địa chỉ đó.
Rõ ràng, trách nhiệm về thất bại của 1 đội bóng đổ lên đầu HLV, nhưng thật khó để kết luận ĐT Italia thua là do sai lầm chiến thuật của HLV Luciano Spalletti hay do chất lượng chuyên môn của các cầu thủ. Các huấn luyện viên người Italia được khen ngợi về khả năng điều chỉnh trong trận đấu, điều chỉnh chiến thuật và nhân sự để giành lợi thế trên sân, có thể, HLV Luciano Spalletti buộc phải triển khai 1 thế trận xa lạ như vậy với ĐT Italia là sự thích ứng khi bóng đá Italia cạn kiệt nhân tài.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.