Dự án nửa vời
Năm 2001, hàng trăm hộ dân xã Đăk Bup So đăng ký trồng 730ha cao su tiểu điền. Tham gia dự án đa dạng hóa nông nghiệp của huyện Đăk R'lấp (lúc đó chưa chia tách huyện Tuy Đức), nên nông dân sẽ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng NNPTNT trong thời gian 8 năm. Theo dự án, năm đầu tiên nông dân được giải ngân 8 triệu đồng/ha để mua giống, phân bón…
|
Sau 11 năm, cây cao su của ông Sứt vẫn chỉ to bằng nắm tay. DUY HẬU |
Những năm sau đó, bình quân mỗi năm nông dân được vay 2,6 triệu đồng. Song trên thực tế những hứa hẹn này không được thực hiện. Ông Vũ Văn Hiệu - Trưởng thôn 2, xã Đăk Bup So cho biết: "Người dân chỉ vay được 1- 2 năm đầu sau đó ngân hàng không giải ngân nữa. Nhiều hộ dân muốn tiếp tục chăm sóc vườn cao su đã mang sổ đỏ đi thế chấp nhưng không được chấp thuận. Không có vốn canh tác, hàng trăm người nông dân phải trông chờ… vào trời".
Cũng như hàng trăm hộ dân khác, năm 2001, ông Nguyễn Văn Sứt (thôn 2), đăng ký trồng 1,8 ha cao su. 11 năm sau, hơn 2/3 số cây cao su có thân chỉ to bằng bắp tay, số cây lớn hơn không cho mủ. "Tôi chỉ vay được 2 đợt sau đó không vay được nữa. Họ nói cao su xấu quá. Đến giờ, tôi cũng chẳng biết đã vay bao nhiêu tiền, nhưng đầu năm 2011 tôi đã trả 200 triệu đồng mà vẫn chưa hết nợ. Còn vườn cao su thì tôi ráng cạo để vớt vát tí chút"- ông Sứt than thở.
Ông Phùng Văn Việt, ở cùng thôn, cũng than: "Mủ thì có nhưng chỉ bằng khoảng 1/3 các nơi. Hồi đó nói là vay nhưng thực tế dân có nhận được đồng tiền nào đâu. Họ quy đổi ra phân vi sinh phát cho dân, mà chúng tôi cũng chẳng biết phân đó thật giả thế nào. Bón được 2 năm, thấy cây chẳng phát triển gì, ngân hàng không cho vay nữa". Ông Việt phản ảnh thêm, nhiều hộ trong thôn muốn phá bỏ cây cao su để trồng cây khác nhưng ngân hàng không cho. Lý do đưa ra là khi nào trả xong nợ mới được trồng cây khác...
Không lối thoát
Đã lãnh nợ vì hàng trăm ha cao su còi cọc không cho mủ, nhưng người dân lại không thể phá bỏ, chuyển đổi cây trồng. Ông Nguyễn Ngọc Quyền - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Đức cho hay, lý do không được chuyển đổi là vì dân chưa trả hết nợ cho ngân hàng. Hiện dự án này đã… hết lối thoát.
Số nợ của người dân ngày thêm chồng chất. Nhiều người có tiền cũng không chịu trả nợ vì theo họ ngân hàng đã không thực hiện đúng cam kết (cho vay đủ 8 năm). Phía ngân hàng thì không chịu "cầm đằng chuôi" nên khi thấy những vườn cao su không phát triển họ cắt vốn ngay.
Theo ông Quyền, để dẫn đến cơ sự này, dân, chính quyền và cả ngân hàng đều sai. "Ngay khi triển khai dự án, tôi đã đứng ra can ngăn. Lý do là đây là vùng đồi trọc, có độ cao trên 800m, lại rất gió nên không thể trồng cao su. Thế nhưng không hiểu sao dự án vẫn được tiến hành. Hiện chúng tôi vẫn không biết tháo gỡ chuyện này thế nào"- ông Quyền nói.
Năm 2006, dự án đa dạng hóa nông nghiệp này giải tán, và cũng từ đó đến nay, người dân chỉ còn biết kêu…trời.
Duy Hậu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.