Dự án Cống hoá mương Phan Kế Bính: Đầu tư 10 năm, phá bỏ 10 ngày?

Vũ Thị Hải Thứ sáu, ngày 08/06/2018 07:05 AM (GMT+7)
Từ một doanh nghiệp trúng thầu dự án Cống hoá mương Phan Kế Bính làm bãi đỗ xe theo chủ trương xã hội hoá của TP.Hà Nội với thời hạn 20 năm (2008 - 2028), hiện Công ty Đa Quốc Gia, chủ đầu tư dự án, đang đứng trước nguy cơ sẽ phải dừng hoạt động kinh doanh, di dời trụ sở và có thể dẫn đến... phá sản từ thông báo của Phường Cống Vị.
Bình luận 0

Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt vừa nhận được đơn kêu cứu của Công ty cổ phần Đa Quốc Gia (địa chỉ tại số 5 Phan Kế Bính, phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP Hà Nội).

Cụ thể, ngày 29.5, Công ty CP Đa Quốc gia nhận được thông báo của UBND phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội yêu cầu trong 10 ngày, Công ty buộc phải di dời các cơ sở kinh doanh không đúng mục đích sử dụng đất tại khu vực dự án Cống hóa mương Phan Kế Bính, phường Cống Vị nếu không sẽ bị xử lý. Trong khi, những cơ sở trên đã sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất được hình thành từ dự án xã hội hóa cách đây đã 10 năm. 

Thành phố cấp phép, phường yêu cầu di dời?

Theo thông báo của UBND phường Cống Vị đã ra thông báo yêu cầu Công ty Đa Quốc gia và các cơ sở kinh doanh, khai thác, sử dụng các công trình Dự án sai với mục tiêu đầu tư, không đúng với mục đích sử dụng đất – kinh doanh bãi đỗ xe và dịch vụ phụ trợ liên quan tại Dự án cống hoá mương Phan Kế Bính, ngừng hoạt động kinh doanh, thực hiện di dời trụ sở hoặc địa điểm kinh doanh đến nơi khác phù hợp. 

Theo đó, Phường Cống Vị thông báo Công ty Đa Quốc gia và các cơ sở kinh doanh phải thực hiện di dời trước ngày 10.6 và nếu quá thời hạn nếu trên vẫn không tiến hành di dời, UBND phường Cống Vị sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. 

Theo tìm hiểu của Dân Việt, dự án Cống hóa mương Phan Kế Bính làm bãi đỗ xe và dịch vụ phụ trợ là một trong những dự án đầu tiên được thực hiện theo chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật của TP.Hà Nội (dự án BT) để thu hút các nguồn lực xã hội cùng chung tay xây dựng và phát triển thành phố (TP). 

Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất của khu vực, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giải quyết tình trạng thiếu các điểm đỗ xe tĩnh của khu vực và TP, cung cấp các dịch vụ phụ trợ. Dự án được tổ chức đấu thầu rộng rãi và Công ty Đa Quốc Gia là đơn vị trúng thầu theo quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tại quyết định số 4227 ngày 24.10.2007 của UBND TP. Hà Nội.

img

Mương Phan Kế Bính trước khi chủ đầu tư triển khai dự án cống hoá mương theo chủ trương xã hội hoá của UBND TP. Hà Nội (Ảnh: Vũ Hải)

Theo đó, doanh nghiệp tự bỏ vốn để cống hóa mương Phan Kế Bính và đổi lại sẽ được TP.Hà Nội cho thuê đất được hình thành từ mặt mương để xây dựng bãi đỗ xe và các công trình dịch vụ phụ trợ với thời hạn thuê 20 năm, trả tiền thuê đất hàng năm là 165.083đồng/m2/năm và có điều chỉnh.

Ngày 24.6.2008, UBND TP.Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 01121000170 cho Công ty Đa Quốc Gia với diện tích xây dựng 1.230m2, tổng diện tích sàn 2.460 m2, mật độ xây dựng 20%, hệ số sử dụng đất 0,40 lần, số tầng cao công trình là 2 tầng, diện tích cây xanh 900 m2, diện tích đỗ xe và giao thông nội bộ 3.920m2, thời gian hoạt động của dự án là 20 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư...

Thực hiện dự án trên, doanh nghiệp đã đổ ra hàng trăm tỷ đồng để nạo vét lòng mương, cống hóa mương, lát vỉa hè, làm đường, xây dựng công trình dịch vụ để khai thác quỹ đất nhằm thu hồi vốn. Công ty cũng đã được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội thừa ủy quyền của UBND thành phố ký hợp đồng cho thuê đất (hợp đồng số 198 ngày 31.12.2008) và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CQ- 1140 ngày 24.2.2009. 

Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty Đa Quốc Gia đã và đang thực hiện đúng tiến độ, đúng mục tiêu ban đầu đặt ra của dự án, đúng mục đích sử dụng đất được thuê. Một số hạng mục công trình trên dự án đã có những vi phạm nhất định so với giấy phép xây dựng và có thể khắc phục được. 

Dấu hỏi cho số phận dự án

Sau gần 8 năm, trải qua rất nhiều lần thanh tra, nhưng các kết luận về những lỗi vi phạm của chủ đầu tư trên dự án này đều rất giống nhau. Cụ thể, theo kết luận của các đoàn thanh tra, lỗi của chủ đầu tư Công trình cống hóa mương Phan Kế Bính đã được khởi công khi chưa được bàn giao mặt bằng, chưa có thỏa thuận về dòng chảy thoát nước, 3 gian nhà tạm với diện tích 820 m2 được xây dựng chưa đúng qui định.

Một số hạng mục công trình trên mặt đất đã xây dựng sai nội dung giấy phép. Cụ thể: Tại nhà showroom, văn phòng, dịch vụ, diện tích xây dựng tầng 1, tầng 2 tăng mỗi tầng 42,35 m2 so với giấy phép do chiều rộng công trình tăng thêm 0,7m về phía Trung tâm công nghệ giáo dục; quây kín vách kính bao quanh phần không gian dưới mái chống nóng thành diện tích tầng 3, chiều cao công trình tăng so với giấy phép 1,68m. 

Tại công trình nhà phụ trợ: Phía sau công trình đã sử dụng phần không gian giữa trục B với tường rào làm tăng chiều rộng 0,95m, phía trước công trình xây dựng thêm ban công rộng 1,4m từ tầng 2 trở lên; chuyển từ trần nhẹ chống nóng thành trần bê tông; xây thêm ô thang diện tích xây dựng 30,2m2; Từ tầng 1 đến mái chống nóng tăng tổng diện tích sàn xây dựng so với giấy phép là 371,5m2, tổng chiều cao công trình tăng 1,2m…

Mặc dù lỗi vi phạm trong các lần thanh tra đều giống nhau, nhưng các kết luận của mỗi đoàn thanh tra lại khác nhau và đến nay, dự án cống hóa mương Phan Kế Bính vẫn nằm trong tình trạng dự án chưa thể hoàn công và đưa vào sử dụng theo đúng các quy định của Pháp luật liên quan. 

Theo kết luận và kiến nghị đoàn thanh tra TP. Hà Nội có đề xuất thu hồi Dự án cống hóa mương Phan Kế Bính làm bãi đỗ xe sang xây dựng mở rộng đường Phan Kế Bính theo hình thức hợp đồng xây dựng- chuyển giao (BT).

img

Thông báo của Phường Cống Vị yêu cầu Công ty Đa Quốc gia và các cơ sở kinh doanh trên dự án cống hoá mương Phan Kế Bính di dời trước ngày 10.6.2018 (Ảnh: Vũ  Hải)

Như vậy, gần 8 năm tính từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho đến nay, trải qua 03 lần được “thay máu dự án” từ các chủ trương, quyết định của cơ quan quản lý nhà nước, đến nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể nào để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể là từ năm 2007-2009 thực hiện dự án theo hình thức BOT, từ 2010-2016 thực hiện dự án theo hình thức BT, từ 2016 đến nay chuyển sang hình thức kiểm đếm, bồi thường...Dự án xã hội hóa trở thành đứa con rơi của thành phố…

Điều lạ là, trong khi cho đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp chưa nhận được bất cứ một quyết định nào của cấp có thẩm quyền về việc thu hồi dự án, thu hồi đất và việc tính toán bồi thường thiệt hại đối với nhà đầu tư khi bị thu hồi đất trước thời hạn sẽ được tính toán như thế nào thì trong những ngày qua, chủ đầu tư liên tiếp nhận được những công văn, thông báo của cấp phường về việc yêu cầu doanh nghiệp phải di dời các cơ sở dịch vụ kinh doanh đi nơi khác, chấm dứt hoạt động kinh doanh. Câu hỏi đặt ra là: Thông báo của UBND phường Cống Vị với việc ấn định mốc thời gian di dời phải được thực hiện xong trước ngày 10.6 (10 ngày) có hợp lý không?

Gần 10 năm trôi qua, Công ty Đa Quốc Gia ngoài việc khắc phục một phần lỗi sai phạm xây dựng do Thanh tra TP đã chỉ ra, phần còn lại được giữ nguyên hiện trạng, không xây dựng bất kỳ một hạng mục nào phát sinh mới. Trên mặt bằng của Dự án và các công trình đã có, Công ty đã ký hợp đồng hợp tác với một số đối tác làm dịch vụ nhằm khai thác quỹ đất một cách hiệu quả nhất và thu hồi phần nào số vốn đã bỏ ra đầu tư cống hóa mương. 

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem