Dự án khách sạn 5 sao 12 Trần Phú: Vì sao các hộ dân chưa đồng thuận?

Vũ Thị Hải Thứ năm, ngày 31/05/2018 07:45 AM (GMT+7)
Dự án khách sạn 5 sao 12 Trần Phú vừa được Công ty Nhật Hạ khởi công đầu tháng 5 nhưng đến nay câu chuyện giải toả mặt bằng, bồi thường cho những hộ dân ở 12 Trần Phú vẫn chưa giải quyết xong. Đến nay vẫn còn 9 hộ gia đình vẫn tiếp tục khiếu nại lên cơ quan thẩm quyền cấp trên.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 29.5 vừa qua, UBND quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng đã tổ chức cuộc đối thoại với những hộ dân thuộc diện di dời để Công ty TNHH Nhật Hạ triển khai dự án khách sạn 5 sao tại 12 Trần Phú để công bố dự thảo quyết định giải quyết khiếu nại. Tính đến thời điểm này tổng số tiền hỗ trợ đối với các hộ dân ở 12 Trần Phú là trên 29 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 9 hộ tiếp tục khiếu nại lên cơ quan thẩm quyền cấp trên. Vì sao các hộ dân vẫn chưa đồng thuận?

Bức xúc vì không được bồi thường đất ở

Trao đổi với Dân Việt, ông Hoàng Phú Lưỡng, trú tại ngõ 56 Trần Phú (số 12 Trần Phú cũ), cho rằng khu đất mà các hộ dân nguyên là các thầy cô giáo và các cán bộ nhà trường trước đây được phân không thuộc khuôn viên của nhà trường mà là một khu tập thể độc lập ở bên cạnh trường, có lối đi riêng, sinh hoạt riêng chứ không sinh hoạt chung với khu đất của nhà trường.

“Mảnh đất chúng tôi ở từ năm 1955 cho đến thời điểm vừa rồi là năm 2018. Trong suốt thời gian đó không hề có kiện tụng, tranh chấp và chúng tôi vẫn được quyết định sửa chữa nhà, được đăng ký hộ khẩu và sinh hoạt như mọi người dân bình thường. Đất chúng tôi ở là đất hợp pháp”, ông Lưỡng nhấn mạnh.

img

Dự án khách sạn 5 sao ở 12 Trần Phú đã khởi công nhưng nhiều hộ dân vẫn đang khiếu nại lên cơ quan thẩm quyền cao hơn về việc bồi thường đất (Ảnh: Vũ Hải)

Vì vậy, ông Lưỡng cho rằng theo qui định của Luật đất đai năm 1993 và 2013 đất ở của các hộ là hợp pháp nên việc thu hồi đất của các hộ dân là trái với pháp luật, trái với qui định của Luật Đất đai.

“Giả sử các hộ dân có là lấn chiếm như UBND quận xác định thì họ cũng vẫn phải được đối xử công bằng như những hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng hiện nay địa phương thu hồi đất nhưng lại không bồi thường về đất mà chỉ là hỗ trợ di dời khiến cho các hộ dân không được hưởng quyền lợi hợp pháp”, ông Lưỡng bức xúc.

Về thủ tục, trình tự thu hồi đất, ông Lưỡng cho rằng, quyết định thu hồi đất đáng lẽ phải thông báo trước cho các hộ dân 180 ngày, nhưng ở đây thông báo hôm trước,  (chiều 23.4 các hộ nhận thông báo) thì sáng 24.4 là cho người đến cưỡng chế. Trong khi các cựu giáo chức sống tại đây toàn là những người đã già, ốm yếu, thậm chí có thầy nằm ốm liệt hai chục năm nay, có cô hiện đang bị ung thư...

Ông Lưỡng cho biết thêm gia đình ông sống ở khu đất đó từ năm 1955, trên diện tích đất 50 m2 nhưng giá bồi thường đất là 0 đồng. “Với công trình xây dựng nhà 2 tầng, tổng các khoản hỗ trợ công trình xây dựng, di dời, hỗ trợ tạm lánh và các khoản hỗ trợ khác gia đình tôi được hỗ trợ 1,18 tỷ đồng. Số tiền này nếu nhận đất tái định cư, gia đình phải nộp cho Nhà nước lô đất tái định cư 60 m2 ở khu Sao Sáng, phường Thành Tô là 420 triệu đồng”, ông Lưỡng cho biết.

Và ông Lưỡng khẳng định đất gia đình ông ở tại 12 Trần Phú là hợp pháp, được nhà nước phân cho chúng tôi để chúng tôi phục vụ cho công tác giáo dục. Vì thế, việc thu hồi đất của chúng tôi mà không bồi thường là trái qui định của pháp luật.

“Chúng tôi đã già yếu, năm nay tôi 67 tuổi, vợ tôi 60 tuổi mà bây giờ mỗi người ở một nơi, tôi phải đi ở nhờ con cháu ở quê, vợ tôi phải đi ở chỗ khác. Chúng tôi yêu cầu chính quyền phải có lời xin lỗi chúng tôi. Ngoài ra phải khẩn trương có biện pháp khắc phục hậu quả do việc làm sai gây ra”, ông Lưỡng bức xúc.

Doanh nghiệp phải thoả thuận để bồi thường cho dân?

Ông Lưỡng chia sẻ thêm, nếu nhà nước thu hồi đất để làm các công trình dân sinh công cộng như công viên, trường học, bến tàu, nhà ga, bến xe, phục vụ quốc phòng, các hộ dân sẽ chấp nhận vui vẻ nhưng đây lại lấy đất ở hợp pháp của các hộ gia đình giao cho doanh nghiệp tư nhân để xây khách sạn 5 sao mang tính chất kinh doanh nên các hộ dân không đồng tình.

“Muốn lấy đất của chúng tôi thì phải có sự thỏa thuận vì đó là khu đất vàng. Chúng tôi đang ở giữa trung tâm thành phố giờ lại chuyển chúng tôi đến vùng xa xôi hẻo lánh. Hiện nay chúng tôi đã về hưu rồi, tháng có 5 triệu tiền lương hưu thì không đủ cho sinh hoạt. Số tiền còn lại chúng tôi không đủ để xây nhà, trong khi chúng tôi ki cop cả đời mới có tiền để xây dựng được ngôi nhà 2 tầng nay bị phá đi, đến chỗ mới thì chỉ là mảnh đất trống, làm sao mà có tiền xây, ăn còn không đủ. Vì thế chúng tôi không nhận bồi thường mà yêu cầu chủ doanh nghiệp phải thỏa thuận một cách hợp lý làm sao để chúng tôi có đủ điều kiện để xây dựng lại ngôi nhà ở cho đàng hoàng”, ông Lưỡng bức xúc.

img

Công ty Nhật Hạ là chủ đầu tư dự án khách sạn 5 sao (Ảnh: Vũ Hải)

Bà Trần Kim Hường cũng bức xúc: Chính quyền đang xác định nguồn gốc đất của chúng tôi là dựa vào quyết định 808 năm 1994 của thành phố giao cho Trường Trần Phú tiếp tục sử dụng đất trong đó có diện tích đất của các hộ dân cư. “Vậy thì trước năm 1994, nguồn gốc đất của Trường Trần Phú là cái gì? Trường Trần Phú có sổ đỏ không mà cứ đòi các hộ dân phải có sổ đỏ”, bà Hường đặt câu hỏi.

Bà Hường băn khoăn, việc bồi thường 0 đồng, còn những khoản khác chỉ là hỗ trợ là không đúng luật. “Chúng tôi muốn là phải làm cho đúng luật. Vì khách sạn 5 sao là của tư nhân mà thu hồi đất của các cựu giáo chức là hoàn toàn bất hợp pháp vì đất đó là đất ở hợp pháp từ 30 năm đến 60 năm rồi. Làm khách sạn tư nhân thì phải để cho các bên thỏa thuận. Nếu mà thu đúng luật thì chúng tôi không thắc mắc gì. Đất của chúng tôi là đất ở mà lấy cho đất an ninh quốc phòng thì nhà nước mới đền bù, còn đất giao cho tư nhân thì phải thỏa thuận”, bà Hường bức xúc.

Tiền bồi thường không đủ tiền xây nhà theo qui định về số tầng

Bà Ngô Thị Lương Điền chia sẻ với mức hỗ trợ như hiện nay thì chúng tôi chỉ mua được đất chứ không xây được nhà. Chỗ đất tái định cư đó lại có yêu cầu bắt buộc phải xây 3 tầng thì số tiền nhận được từ các khoản hỗ trợ chúng tôi xây một tầng còn không đủ thì làm sao mà xây 3 tầng được. Đa số các hộ dân ở đây, kể cả những người đã nhận tiền rồi cũng chỉ mua được đất thôi, không có tiền xây nhà. Sau khi mua đất xong mỗi nhà chỉ còn khoảng 2-3 trăm triệu, mà xây nhà 3 tầng thì chỉ đủ móng thôi.

“Chẳng hạn như nhà tôi được hỗ trợ hơn 700 triệu, mua đất hết 413 triệu, số còn lại 284 triệu thì làm móng không đủ. Xây nhà cấp bốn thì không cho xây. Chúng tôi cần quận can thiệp cho xây nhà cấp 4 để ở tạm mấy năm. Hiện nay, vợ chồng tôi không ly dị nhau mà thành ra như ly thân vì mỗi người đi tá túc một nơi, tôi phải đến sống nhờ nhà người bạn ở Kiến Thụy, còn chồng tôi thì về quê để ở. Nhiều gia đình cũng tan đàn sẻ nghé, mỗi người đi ở nhờ một nơi vì không có tiền để xây nhà”, bà Điền bức xúc.

Điều 23 Nghị định số 43/ NĐ- CP ngày 15.5.2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2013 qui định việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đã được giao không đúng thẩm quyền như sau:

1. Đất giao không đúng thẩm quyền cho hộ gia đình, cá nhân quy định tại Điều này bao gồm các trường hợp người đứng đầu điểm dân cư giao đất hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ; tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng nhưng đã tự phân phối, bố trí cho cán bộ, công nhân viên, xã viên để sử dụng làm nhà ở và các mục đích khác.

2. Trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền đã được sử dụng ổn định trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì người đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất đã được giao theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 của Nghị định này.

3. Trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền đã được sử dụng ổn định từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2014, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 của Nghị định này.

Trường hợp thửa đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở hoặc công trình xây dựng khác thì diện tích còn lại không có nhà ở, công trình xây dựng được xác định là đất nông nghiệp theo hiện trạng đang sử dụng, nếu người sử dụng đất đề nghị được chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp thì phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.

4. Người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem