Dự án khách sạn 5 sao và đơn khiếu kiện của thầy cô giáo Trần Phú

Vũ Thị Hải Thứ tư, ngày 30/05/2018 08:40 AM (GMT+7)
Sau quyết định xây khách sạn 5 sao tại 12 Trần Phú của lãnh đạo Hải Phòng là những lá đơn khiếu kiện của các thầy cô giáo trường Trần Phú. Trong đơn, các hộ dân khiếu kiện vì sao không được bồi thường thoả đáng, tại sao dự án khách sạn nghìn tỷ mà lại không đấu giá đất ở theo Luật đất đai…
Bình luận 0

Những ngày qua, Dân Việt đã đăng tải loạt bài viết liên quan tới dự án xây dựng khách sạn 5 sao tại số 12 Trần Phú, Hải Phòng do Công ty TNHH Nhật Hạ làm chủ đầu tư với việc đi tìm lời giải cho câu hỏi “Có hay không lợi ích nhóm?” khi khu đất vàng hơn 10.000 m2 có giá trị trên nghìn tỷ đồng được giao cho một công ty tư nhân (không qua đấu giá). Trong bài viết này, chúng tôi đề cập tới quyền lợi của những thầy cô giáo đang sinh sống tại đây phải di dời đi nơi khác đã được thành phố Hải Phòng giải quyết như thế nào?  

Ngày 29.5 vừa qua, UBND quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng đã tổ chức cuộc đối thoại với những hộ dân thuộc diện di dời để triển khai dự án khách sạn 5 sao tại 12 Trần Phú để công bố dự thảo quyết định giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, kết thúc cuộc đối thoại, đại diện các hộ dân gồm các bà Trần Kim Hường, Nguyễn Thị Hiển, Ngô Thị Lương Điền vẫn chưa đồng tình với kết quả giải quyết của UBND quận và cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại lên cấp cao hơn.

Nguồn gốc khu đất vàng 12 Trần Phú

Để có mặt bằng bàn giao cho dự án khách sạn 5 sao, ngoài phần lớn diện tích đất do Trường THPT Chuyên Trần Phú đã di chuyển toàn bộ hoạt động giảng dạy về trường mới từ cuối năm 2016 (Trường mới được khởi công xây dựng từ năm 2009), trên khuôn viên của nhà trường vẫn còn 23 hộ nguyên là giáo viên và nhân viên của Trường Trần Phú trước đây cần phải di dời.

img

Ông Trần Hữu Xuân, Phó Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng, Chủ tịch Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng quận Ngô Quyền, cho biết khu đất 12 Trần Phú nguyên là của Trường THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng có diện tích 10.014m2. Theo hồ sơ lưu trữ của cơ quan chức năng, trước giải phóng khu đất này thuộc quyền sở hữu của Nghiệp đoàn xuất nhập khẩu HWANG CHI và Tổ chức đường sắt Đông Dương. Sau giải phóng, theo qui định quản lý nhà vắng chủ, khu đất trên được nhà nước quản lý, cơ quan sử dụng là Trường Kiều Trung, tiếp đó là Trường Đoàn Kết, sau này là Trường Trần Phú.

Trong số 23 hộ dân phải di dời, có 11 hộ tự nguyện nhận tiền và di chuyển, 12 hộ buộc phải thực hiện cưỡng chế với diện tích đất là 581,2m2. Tính đến thời điểm hiện nay, đã có 3/12 hộ trong diện cưỡng chế đã nhận tiền hỗ trợ và nhận đất tái định cư, vẫn còn 9 hộ tiếp tục khiếu nại lên cơ quan thẩm quyền cấp trên.

Năm 1994, UBND TP.Hải Phòng có quyết định số 808/QĐ-UB ngày 18.8.1994 tiếp tục giao khu đất này cho Trường Trung học phổ thông Chuyên Trần Phú quản lý và đầu tư xây dựng làm trường học với toàn bộ diện tích nói trên.

“Trong quá trình sử dụng, Trường Kiều Trung và Trường Trần Phú đã tự phân nhà tập thể cho một số giáo viên và nhân viên trong nhà trường sử dụng. Một số thầy cô giáo vẫn giữ được quyết định phân nhà ở tập thể của nhà trường vào những năm 1985- 1988.

Tuy nhiên, các quyết định phân nhà nói trên đều ghi rõ nội dung: đó là khu ở tập thể của nhà trường; các giáo viên được phân nhà phải chấp hành nghiêm chỉnh mọi qui định của nhà trường đề ra; trong quá trình ở, nếu nhà trường có nhu cầu điều động, chuyển sang phòng khác thì phải nghiêm chỉnh chấp hành”, ông Xuân cho biết.

Tại văn bản số 328 ngày 5.6.1995 của Sở Giáo dục Đào tạo Hải Phòng có nội dung: “Đồng ý cho các gia đình khu tập thể Trường PTTH Năng khiếu Trần Phú được sửa chữa nhà ở với các quy định sau: Chỉ được sửa chữa chống sập, chống dột đảm báo an toàn cho gia đình trong phạm vi đang sử dụng, không được cơi nới mở rộng làm thay đổi hiện trạng (vì nhà trường đang trong giai đoạn qui hoạch lại); Kinh phí sửa chữa do các gia đình tự túc; Từng gia đình phải có đơn đề nghị và cam đoan thực hiện việc sửa chữa theo qui định của Sở gửi cho Trường PTTH Năng khiếu Trần Phú.

img

“Những quy định đó cho thấy, các hộ gia đình thầy cô giáo trước đây tuy  được nhà trường phân ở nhà tập thể nhưng các gian nhà tập thể với diện tích đất đó vẫn chịu sự quản lý của Nhà nước và thuộc quyền sử dụng của nhà trường. Các hộ dân không có quyền sử dụng đất", ông Xuân nhấn mạnh.

Ông Xuân cho biết thêm, cũng theo hồ sơ sử dụng đất, trong suốt quá trình dài các hộ sử dụng để ở nhưng Trường Trần Phú cũng như các hộ dân chưa được cơ quan có thẩm quyền cho tách riêng khu nhà ở tập thể và cho chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất đó sang đất ở mà vẫn nằm trong khuôn viên của nhà trường với mục đích sử dụng đất cho giáo dục. Cũng từ đó cho đến nay, chưa khi nào khuôn viên của Trường Trần Phú được quy hoạch với mục đích là đất ở. Và hiện tại, khu đất đó đang được quy hoạch là đất xây dựng công trình đa chức năng- dịch vụ thương mại.

"Tại văn bản số 46 ngày 19.4.2018 gửi tới các thầy cô giáo, Trường THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng khẳng định diện tích đất của các hộ đang sử dụng thuộc quyền quản lý của nhà trường và đề nghị các hộ phối hợp với cơ quan Nhà nước nghiêm túc chấp hành bàn giao mặt bằng", ông Xuân nhấn mạnh.

Vận dụng tối đa chính sách hỗ trợ

Tuy vậy, những thầy cô giáo ở đây không đồng tình với quyết định này nên đã gửi đơn kiến nghị tới nhiều cơ quan từ quận đến thành phố và trung ương. Trong đơn, các hộ dân nêu nhiều kiến nghị và đặt nhiều câu hỏi liên quan tới thẩm quyền, trình tự, thủ tục thu hồi đất, vì sao thành phố không đấu giá đất ở theo Luật đất đai để thu hàng nghìn tỷ đồng mà lại đầu tư khách sạn 5 sao, vì sao Thành phố lại chỉ định một nhà đầu tư thực hiện Dự, vì sao các hộ dân không được bồi thường...

Ông Xuân cho biết UBND quận xác định các hộ dân đã ở đây từ rất lâu nhưng toàn bộ diện tích đất mà các hộ sử dụng lại nằm trong khuôn viên của Trường Trần Phú theo quyết định giao đất của UBND thành phố. Do vậy, các hộ ở là hợp pháp nhưng nguồn gốc đất là không hợp pháp. Các hộ chưa có giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng của mình nên không được bồi thường về đất, điều đó kéo theo toàn bộ các khoản bồi thường hỗ trợ khác có liên quan sẽ rất thấp.

“Tuy nhiên, do thực tế phần lớn các hộ dân là các nhà giáo, công tác lâu năm, đóng góp nhiều cho ngành giáo dục, cuộc sống còn khó khăn, cho nên Ủy ban quận đã đề nghị và được UBND thành phố chấp thuận cho phép vận dụng tối đa nhất các chính sách để hỗ trợ các hộ dân”, ông Xuân nhấn mạnh.

Ông Xuân cho biết thêm, tuy không được bồi thường về đất nhưng các hộ được vận dụng chính sách hỗ trợ với mức 60% tiền sử dụng đất (theo bảng giá đất hiện nay thành phố qui định tại vị trí đường Trần Phú là 63 triệu đồng/m2, các hộ được hỗ trợ là 37,8 triệu đồng/m2) và hỗ trợ 100% giá trị vật kiến trúc theo đơn giá đầu tư xây mới.

Ông Trần Hữu Xuân, Chủ tịch Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng quận Ngô Quyền, cho biết tổng số tiền hỗ trợ đối với các hộ dân ở 12 Trần Phú là trên 29 tỷ đồng. UBND tạo điều kiện về chỗ ở bằng cách giao đất ở có thu tiền sử dụng đất hoặc bố trí ở chung cư (Đối với 10 hộ mặt đường Trần Phú, Trần Bình Trọng bố trí đất ở tại khu tái định cư Đồng Cái Hòm thuộc phường Đông khê, quận Ngô Quyền, mỗi hộ diện tích 60 m2 với giá 12,3 triệu đồng/m2.

Đối với các hộ dân còn lại, UBND bố trí đất ở tại khu tái định cư Sao Sáng, phường Thành Tô, quận Hải An, diện tích 60 m2, giá 4,9 đến 6,9 triệu đồng/m2; Đối với các hộ đủ điều kiện tách hộ: được mua căn hộ chung cư theo đơn giá năm 2009 (giá mua từ 3,1 triệu đồng/m2 đến 4,8 triệu đồng/m2); Hỗ trợ phần chênh lệch về tiền đất phải nộp tại nơi đến so với tiền đất được hỗ trợ tại nơi ở cũ nếu thiếu; Các khoản hỗ trợ ổn định cuộc sống, hỗ trợ di chuyển, hỗ trợ tiền tạm lánh được áp dụng như đối với các hộ dân đủ điều kiện được bồi thường về đất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem