Dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2, huyện Mê Linh có diện tích 55,38ha với tổng mức đầu tư khoảng 810 tỷ đồng. Theo quy hoạch, quỹ đất dành cho xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp và thương mại có diện tích 65.981m2, đất ở biệt thự 135.721m2, đất giáo dục 38.070m2, đất ở xây mới 261.602m2, đất giao thông chính khu vực 21.309m2 và nhiều đất sử dụng khác.
Ngoài ra, dự án bố cục không gian kiến trúc và cảnh quan với điểm nhấn là trung tâm của dự án là khối nhà ở cao 15 tầng kết hợp dịch vụ thương mại… Dự án được giao đất gần chục năm, Tổng Cty HUD cũng đã đền bù, giải phóng mặt bằng. Khoảng 10 ha đất đã được đầu tư hạ tầng đường giao thông, trồng cây, san lấp. Song thực trạng nơi đây cho thấy dường như chủ đầu tư đã “bỏ quên” dự án này trong nhiều năm qua.
Để tháo gỡ khó khăn cho dự án, UBND TP.Hà Nội đã ban hành quyết định phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2, tại các ô đất kí hiệu CT-01+CT-02, CT-05, CT-06, CT-07 và CT-08.
Theo quyết định, khu vực điều chỉnh cục bộ quy hoạch có diện tích khoảng 52.367m2; quy mô dân số 3.150 người. Theo quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 được duyệt, các ô đất CT-01+CT-02, CT-05, CT-06, CT-07 và CT-08 được xác định chức năng đất ở xây mới (nhà ở xã hội) với chiều cao công trình 9 tầng, nay điều chỉnh giảm chiều cao công trình xuống 6 tầng và các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc liên quan.
Về hạ tầng kĩ thuật, giữ nguyên nguồn cấp và mạng lưới đường dây đường ống xung quanh các ô đất CT-01+CT-02, CT-05, CT-06, CT-07 và CT-08 theo đồ án quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 được duyệt tại Quyết định số 5630/QĐ-UBND ngày 12/11/2010.
Mặc dù, UBND TP.Hà Nội đã có điều chỉnh là vậy, song chủ đầu tư dự án là Tổng Cty HUD vẫn chưa có động thái xây dựng, hiện khu vực này vẫn được bỏ hoang, cỏ dai mọc um tùm, trở thành nơi thả trâu, bò của người dân địa phương.
Nằm ngay khu trụ sở mới của huyện Mê Linh nhưng dự án đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư vẫn “đắp chiếu” suốt nhiều năm qua.
Dự án có diện tích 55ha, tấm biển giới thiệu to lớn được đặt ngay mặt đường nhưng phía bên trong gần như không có xây dựng, triển khai công trình ngoài một vài tấm tôn được bao bọc xung quanh và vài trăm mét đường đang xây dựng nham nhở.
Cỏ dại mọc um tùm bên trong dự án.
Các công trình chưa được triển khai, một số vật liệu xây dựng bị cỏ bủa vây xung quanh.
Thậm chí có nơi trở thành bãi chứa chất thải.
Hàng rào quây tôn ở thời điểm hiện tại.
Phía trong vẫn chỉ là một bãi đất hoang vu đầy cỏ dại, trâu, bò được chăn thả tự nhiên; dọc theo phía hàng rào giáp với những thửa ruộng chỉ còn trơ những thanh sắt hoen gỉ,…
Một số tuyến đường nội bộ đã được xây dựng, đất đã được chia khu, tấm biển lớn giới thiệu dự án hoành tráng bạc đi vì dự án "đắp chiếu" gần chục năm nay.
Điểm sáng khu vực này là đã triển khai một số hạ tầng giao thông, cây xanh được trồng, mặt bằng được san lấp. Song, thực trạng nơi đây cho thấy dường như chủ đầu tư đã "bỉ quên" các dự án tại đây trong nhiều năm qua.
Cũng tại huyện Mê Linh (Hà Nội), nhiều nơi được đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng đến nơi trở thành bãi đất trống, cỏ mọc um tùm, là nơi thả trâu, bò như dự án Spring Hill City, dự án KĐT Hà Phong với quy mô trên 41ha do Cty Hà Phong làm CĐT.
Thậm chí có dự án dân sinh như dự án Bệnh viện đa khoa 1.000 giường, với tổng mức gần 2.700 tỷ đồng đặt tại huyện Mê Linh cửa ngõ phía Bắc Thủ đô được sốt sắng thực hiện với tham vọng đạt tiêu chuẩn quốc gia tiến tới tiêu chuẩn quốc tế, nhằm giảm mật độ số giường bệnh của các bệnh viện trong nội đô, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân các huyện, các tỉnh lân cận... Mặc dù đã có hàng loạt văn bản liên quan đến dự án này đã được ra đời nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể khởi công xây dựng.
Chia sẻ với báo chí Kiến trúc sư Trần Huy Ánh nhận định: phải khẳng định, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có sự phát triển diện tích nhà ở mạnh mẽ, gần đây có thống kê, một năm Hà Nội xây dựng được 11 đến 12 triệu mét vuông nhà ở. Như vậy, diện tích nhà ở tăng rất nhiều, nhiều người đổi đời từ đây.
Tuy nhiên, Hà Nội thất bại ở chỗ phát triển đô thị bị động. Thứ nhất, về mặt môi trường sinh thái, ngập lụt thì mỗi năm nhiều hơn, bế tắc hơn, không gian cây xanh mặt nước ít đi, không gian thoát nước hẹp lại, không gian công cộng không phát triển tương ứng với số lượng dân cư.
Về mặt giao thông, ngày càng tắc nghẽn nhiều hơn, càng mở rộng đường thì càng tắc, khu lõi trung tâm và ngoại ô giao tiếp càng khó khăn.
Như vậy, sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội từ TP khó khăn bình thường thì giờ thành vấn nạn như lãnh đạo TP nói “thấy thảm hoạ đến mà không biết làm cách nào”. Tóm lại, thực trạng đô thị bị băm nát, do đó việc mở rộng địa giới hành chính có thể gọi là chưa thành công.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.