Dự án sân bay Long Thành: Mong có cơ chế đặc thù để dân đỡ khổ

Trần Đáng Thứ ba, ngày 02/08/2016 08:30 AM (GMT+7)
Đoàn Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sau đợt khảo sát khu vực xây dựng sân bay Long Thành đã đánh giá, nếu không có cơ chế đặc thù thì dự án này sẽ chậm từ 3 - 5 năm, gây thiệt hại lớn về kinh tế và đời sống nhân dân trong vùng giải tỏa.
Bình luận 0

Dân mong dự án được “phá băng”

Gần 20 năm trước, khi dự án quy hoạch sân bay Long Thành được công bố, mọi hoạt động sang nhượng, xây dựng tại 6 xã: Suối Trầu, Cẩm Đường, Long An, Bình Sơn, Phước Long và Bàu Cạn (Long Thành - Đồng Nai) đã bị… đóng băng. Cho đến thời điểm này, nhiều ngôi nhà đã mục nát, xuống cấp trầm trọng; trường học, chợ búa, trụ sở cơ quan chính quyền… dù hư hỏng cũng không được sửa sang vì lý do chờ di dời; vườn tược của người dân bỏ hoang xơ xác…

img

Trẻ em xã Suối Trầu sau này sẽ chỉ biết đến mảnh đất quê nhà qua sách vở.  ảnh: I.T

Mặc dù Long Thành vừa được công nhận huyện nông thôn mới, nhưng riêng xã Suối Trầu - vì là xã “xóa trắng” nhường đất cho dự án sân bay Long Thành, nên không được làm… nông thôn mới, cơ sở hạ tầng ngổn ngang, thiếu sự đầu tư. Anh Võ Tăng (xã Suối Trầu) thổ lộ: “Dự án này đã “treo” hơn 10 năm rồi. Vừa rồi nghe tỉnh Đồng Nai xin cơ chế đặc thù nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, dân ở đây mừng lắm. Dự án sớm giải tỏa đền bù ngày nào thì người dân bớt khổ ngày đó”.

  Theo UBND tỉnh Đồng Nai, nếu Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho phép thực hiện cơ chế đặc thù, giao UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư để triển khai ngay công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thì đảm bảo năm 2019 sẽ khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Trong khi đó, ông Lại Đinh Hội (xã Bàu Cạn) cho rằng, các cấp chính quyền cần lắng nghe ý kiến của người dân, hãy đặt mình vào vị trí là người có đất bị giải tỏa để thấy được việc từ bỏ mảnh đất cha mẹ để lại là rất khó khăn, nhưng vì lợi ích chung của đất nước mà bà con nhường đất và thuận lòng ra đi.

Theo ông Ngô Thế Ân - Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành, phần lớn người dân ở các xã có đất bị giải tỏa làm nghề nông. Vì vậy, chính quyền đang mời một số nhà đầu tư trên địa bàn đào tạo nghề cho bà con phù hợp với từng lứa tuổi. Với hơn 80% người dân các xã có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm mới, sau khi được đào tạo nghề sẽ bố trí làm việc tại các Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn, Long Đức... Lao động lớn tuổi sẽ được bố trí làm việc tại khu vực quy hoạch 200ha đất nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương.

Đã chuẩn bị xong cơ chế đặc thù

Theo cơ chế đặc thù được đề xuất, tỉnh Đồng Nai xin Chính phủ cho phép giao tỉnh làm chủ đầu tư tách tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải quyết việc làm, tổ chức ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành để kịp tiến độ khởi công; cho phép thực hiện trước và chỉ định thầu đối với việc xây dựng 2 khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn và Bình Sơn để phục vụ di dời dân…

img

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nếu không có cơ chế đặc thù thì dự án sân bay Long Thành sẽ chậm từ 3 – 5 năm gây thiệt hại lớn về kinh tế.    ảnh: T.Đ

  Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành có diện tích đất thu hồi 5.000ha. Sau khi hoàn thành, sân bay Long Thành cách trung tâm TP.HCM 40km, cách Biên Hoà 30km. Việc triển khai thực hiện dự án làm ảnh hưởng đến cuộc sống và thu nhập của khoảng 4.730 hộ gia đình, cá nhân với gần 15.000 nhân khẩu cùng các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở tôn giáo.

Để sớm xây khu tái định cư, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Chính phủ ứng vốn giải phóng mặt bằng và tái định cư, trong đó được sử dụng nguồn kinh phí thặng dư của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) khoảng 1.000 tỷ đồng. Cùng với đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ dưới hình thức công trái xây dựng Tổ quốc có kỳ hạn từ một năm trở lên, đồng tiền phát hành là đồng Việt Nam. Lãi suất của trái phiếu được tính vào tổng mức đầu tư của dự án...

Tỉnh Đồng Nai cho rằng, trong trường hợp chưa bố trí được vốn hoặc bố trí chưa đủ thì cho phép tỉnh vay vốn ngân hàng thương mại để thực hiện, vốn vay và lãi vay được đưa vào tổng mức đầu tư của dự án. Ông Trần Văn Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, tỉnh đã xây dựng xong các cơ chế, chính sách đặc thù để bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân mà pháp luật hiện hành chưa quy định. /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem