Dự báo những ngành rất "hot" trong 5 năm tới khiến việc dạy và học phải thay đổi
Tào Nga
Thứ hai, ngày 10/04/2023 12:55 PM (GMT+7)
Dự kiến trong 5 năm tới có khoảng 45% công việc bị thay thế, tuy nhiên cũng có rất nhiều công việc mới ra đời. Vậy, ngành học nào sẽ hot trong tương lai gần?
Chia sẻ tại hội thảo "Đổi mới dạy - học với ChatGPT và trí tuệ nhân tạo", GS.TS Hoàng Văn Kiếm, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn nhấn mạnh, thế giới đang bước vào kỷ nguyên mới về trí tuệ nhân tạo nên mỗi người không thể "giẫm chân một chỗ" mà phải thay đổi việc học và việc làm.
GS.TS Hoàng Văn Kiếm dẫn số liệu từ Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), trong 5 năm tới có khoảng 45% công việc không cần kỹ năng cao sẽ bị thay thế bởi Al. Nhiều nghề nghiệp mất đi nhưng cũng có rất nhiều công việc mới ra đời.
Ông Kiếm chia sẻ, thống kê từ Đức cho thấy khả năng đến năm 2025, cách mạng công nghiệp 4.0 dự kiến sẽ tạo ra khoảng 350.000 việc làm mới, tương đương tăng 5% so với hiện tại trong 23 ngành sản xuất đã tham gia nghiên cứu. Đặc biệt là những công việc liên quan đến tâm lý, cảm xúc, sáng tạo… đòi hỏi kỹ năng câo, giao tiếp xã hội, phục vụ cho vô vàn nhu cầu của con người.
Tương lai công nghệ làm giảm khoảng 610.000 công việc lắp ráp và sản xuất nhưng dự báo sẽ tạo ra 960.000 việc làm chất lượng cao hơn. Đặc biệt, các lĩnh vực công nghệ thông tin, phân tích, nghiên cứu và phát triển sẽ cần thêm 210.000 nhân sự chất lượng cao.
GS. Hoàng Văn Kiếm đã đưa ra dự báo về 10 nhóm ngành nghề "siêu hot" sắp tới là: phần mềm, tâm lý, y tá – điều dưỡng, phân tích dữ liệu, nha khoa, an ninh mạng, năng lượng xanh, thú y, trí tuệ nhân tạo và tuyển dụng nhân sự.
Tham khảo các ngành có chỉ lệ nhập học cao
Theo thống kê của GDĐT, năm 2022, cả nước có 521.263 thí sinh nhập học vào các trường đại học, đạt 83,39% so với chỉ tiêu, cao hơn số nhập học của các năm 2021, 2020.
Khối ngành Kinh doanh và Quản lý có tỉ lệ thí sinh trúng tuyển, xác nhận nhập học cao nhất (24,54%). Tiếp theo là nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin (11,79%), Công nghệ kỹ thuật (9,18%) và Nhân văn 8,68%. Xếp ở vị trí thứ 5 là nhóm ngành Sức khoẻ với tỉ lệ tuyển sinh 6,35%.
Ngược lại, nhiều lĩnh vực đào tạo có tỉ lệ tuyển sinh thấp, dưới 1%. Chẳng hạn như lĩnh vực Dịch vụ xã hội (0,36%), lĩnh vực Toán và thống kê (0,4%), lĩnh vực Khoa học tự nhiên (0,44%), lĩnh vực Thú y (0,51%),...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.