Dự báo về điện thoại màn hình gập ở thị trường Việt Nam

Thứ hai, ngày 03/04/2023 18:05 PM (GMT+7)
Báo cáo thị trường cho thấy điện thoại màn hình gập là thiết bị có mức độ tăng trưởng tốt từ khi ra mắt. Tại Việt Nam, số smartphone gập còn ít, nhưng sẽ sớm phổ biến hơn.
Bình luận 0
Dự báo về điện thoại màn hình gập ở thị trường Việt Nam - Ảnh 1.

Điện thoại gập có thể là chìa khóa cho ngành di động trong mùa thấp điểm. Ảnh: Xuân Sang.

Xuất hiện vào 2018, di động với màn hình gập là giải pháp có tính đột phá, thay đổi trải nghiệm sử dụng smartphone. Kể từ thời điểm đó, doanh số và thị phần của mảng kinh doanh này liên tục tăng ở mức 2-3 con số mỗi năm.

Tại Việt Nam, dòng sản phẩm này cũng có đóng góp về doanh thu tốt do giá trung bình khá cao, nhưng ít lựa chọn. Samsung là thương hiệu chiếm 100% thị phần trong nước. Các hãng khác khó cạnh tranh ở phân khúc cao cấp, do vậy cũng lựa chọn không đem về thị trường các dòng máy gập.

Ở giai đoạn toàn ngành biến động, sức mua giảm, đây là dòng máy được kỳ vọng tạo ra cú hích về doanh thu. Các hãng smartphone Android đang rục rịch giới thiệu thêm những mẫu điện thoại gập ở thị trường Việt Nam.

Smartphone màn hình gập chưa phổ biến

Theo báo cáo của Counterpoint Research, tổng số điện thoại thông minh sở hữu màn hình có thể gập được bán ra vào năm 2022 vào khoảng 13 triệu chiếc, tăng 43,2% so với năm trước. Con số này thấp hơn mức dự báo khoảng 15-16 triệu máy, được công bố hồi giữa năm 2022.

Dự báo về điện thoại màn hình gập ở thị trường Việt Nam - Ảnh 2.

Samsung vẫn là ông lớn dẫn đầu ngành điện thoại gập, với thị phần khoảng 70%. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trong 4 năm, các sản phẩm màn hình có thể gập, chủ yếu đến từ Samsung, có sự tăng trưởng mạnh. 2020, người dùng toàn cầu tiêu thụ khoảng 2 triệu chiếc điện thoại màn hình gập. Con số này tăng lên 9 triệu chiếc vào 2021, tương đương mức 400%.

Đồng thời, mức tăng trưởng cao của điện thoại gập diễn ra trong giai đoạn đi xuống của thị trường di động. Trong suốt giai đoạn này, toàn ngành rơi vào xu thế giảm sút bởi đạt đến ngưỡng bão hòa. Do đó, dòng máy được đánh giá cao, được kỳ vọng tạo ra cú hích doanh số cho các thương hiệu Android.

Tuy nhiên, con số này của smartphone gập vẫn tương đối thấp trên phạm vi toàn ngành. Với khoảng 13 triệu máy bán ra, dòng máy nói trên hiện chiếm khoảng 1% trong tổng lượng điện thoại thông minh đến tay người dùng vào năm 2022.

Tại Việt Nam, doanh số dòng sản phẩm vẫn tương đối hạn chế. Trả lời Zing, ông Võ Tâm Thanh, chuyên gia của công ty phân tích thị trường IDC, cho biết sản phẩm hiện chiếm dưới 1% thị phần smartphone trong nước. Doanh thu thiết bị tốt hơn nhờ mặt bằng giá cao.

“Tỉ trọng thiết bị gập hiện tại chiếm chưa nhiều. Theo chúng tôi ghi nhận, trung bình mỗi tháng có khoảng 500 máy đến tay người dùng trong nước”, ông Nguyễn Kim Đức, Giám đốc khối bán lẻ của hệ thống Hoàng Hà Mobile chia sẻ.

Cần nhiều máy gập hơn

Tính đến 2022, smartphone màn hình gập vẫn là thiết bị mang tính độc quyền của Samsung tại Việt Nam. Nhà sản xuất Hàn Quốc ra mắt đến thế hệ thứ 4 và biến series Galaxy Z trở thành dòng flagship thứ 2 của hãng, ra mắt vào nửa cuối năm.

Dự báo về điện thoại màn hình gập ở thị trường Việt Nam - Ảnh 3.

Find N2 Flip là thiết bị gập mới được phát hành tại Việt Nam. Ảnh: Xuân Sang.

Đây là quân bài có tính chiến lược, giúp thương hiệu này lấy lại thị phần từ đối thủ. Đại diện công ty cho biết Galaxy Z Flip đạt tỉ lệ chuyển đổi cao từ người dùng hãng khác, chủ yếu là iPhone.

Sở hữu nhiều ưu thế, nhưng dòng máy này đang có khá ít lựa chọn tại Việt Nam. Trên toàn cầu, máy gập của Huawei, Xiaomi, vivo, Tecno, Motorolla đã được giới thiệu. Tuy nhiên, người dùng trong nước khó tiếp cận các thiết bị này. Sản phẩm có tính mới, nhiều nguy cơ hư hỏng màn hình nên không thể chọn mua loại hàng xách tay như smartphone thông thường.

Gần đây, Oppo giới thiệu thêm mẫu Find N2 Flip, là dòng máy gập đầu tiên của công ty tại Việt Nam. Theo các đại lý trong nước, sản phẩm này có ưu thế về tính năng mới, giúp hâm nóng thị trường giai đoạn thấp điểm.

“Sản phẩm có hoàn thiện tốt, giá bán dễ tiếp cận nên doanh số có dấu hiệu tích cực, đáp ứng được kỳ vọng của chúng tôi”, Ông Phạm Quốc Bảo Duy , Giám đốc ngành hàng điện thoại Hệ thống FPT Shop trả lời Zing.

Thành tích tốt của các dòng máy gập trong thời kỳ bất ổn là dấu hiệu cho thấy sản phẩm nhận được sự quan tâm lớn từ người dùng. Đồng thời, thị trường đòi hỏi có nhiều lựa chọn hơn trong thời gian tới.

“Tôi nghĩ cần có thêm nhiều sản phẩm tương tự để gia tăng sự cạnh tranh, mới lạ cho người dùng. Nếu thị trường điện thoại gập phát triển tốt, Oppo dự tính đưa thêm sản phẩm Fold về Việt Nam vào quý IV”, ông Kim Đức tiết lộ.

Đồng quan điểm, ông Võ Tâm Thanh cho rằng việc tăng thêm các thiết bị gập có thể tăng thêm sự cạnh tranh, giúp khách hàng có nhiều lựa chọn trong giai đoạn sức mua xuống thấp.

Theo các chuyên gia, người dùng hiện có góc nhìn cởi mở hơn cho dòng sản phẩm mới. Tuy nhiên, các hãng cần làm tốt ở chính sách bảo hành, sau bán hàng để giữ được sự tin tưởng từ khách hàng. Bởi độ bền của smartphone gập thường thấp hơn điện thoại dạng thanh truyền thống.

Xuân Sang (Theo Zingnews)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem