'Dự cảm' về kinh tế 2022 của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Huyền Anh Thứ ba, ngày 01/02/2022 14:01 PM (GMT+7)
Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có những chia sẻ về bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm mới 2022.
Bình luận 0

Khó để có thể nói hài lòng nhất về chính sách cụ thể nào

Thưa Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhìn lại năm 2021 đầy khó khăn, điều gì làm cho Bộ trưởng cảm thấy hài lòng nhất về công tác xây dựng hoạch định chính sách, gỡ khó cho doanh nghiệp, khơi thông nội lực của nền kinh tế?

- Làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 khiến kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng nặng nề khi nhiều tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài trên diện rộng. Nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn, phá sản khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn đạt và vượt một số chỉ tiêu kinh tế với GDP tăng 2,58%; xuất nhập khẩu cả năm về đích với con số kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; xuất siêu khoảng 4 tỷ USD; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD, tăng hơn 9,2 tỷ USD so với năm 2020...

'Dự cảm' về kinh tế 2022 của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: BCQH)

Có được kết quả trên tôi cho rằng khó để có thể nói hài lòng nhất về chính sách cụ thể nào nhưng điều làm tôi tâm đắc muốn chia sẻ đó là trên tất cả chúng ta thấy được sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm, trên dưới đồng thuận của cả hệ thống chính trị từ Quốc hội, đến Chính phủ, các Bộ ngành trung ương, địa phương, tất cả các thành phần kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng lòng của hơn 90 triệu người dân Việt Nam để cùng với Chính phủ triển khai những quyết sách quan trọng thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế."

Có thể nói chưa bao giờ công tác xây dựng, ban hành, hoàn thiện thể chế, chính sách được quan tâm, triển khai một cách nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ đáp ứng được yêu cầu của người dân và doanh nghiệp như năm nay; hàng trăm nghị quyết, nghị định, quyết định, thông tư đã được ban hành để kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp, khơi thông nội lực của nền kinh tế.

Trong đó, tôi cho rằng chính sách quan trọng nhất, phân cấp mạnh mẽ, mở đường cho Chính phủ để kịp thời ban hành và triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp đó là Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7 của Quốc hội ban hành tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV trong đó giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện một số biện pháp chưa được quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp như: Nghị quyết 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19; Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; và gần đây là Nghị quyết 128/NQ-CP ban hành quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid 19"…

Đây được coi là các giải pháp, chính sách mở đường, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động các biện pháp chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Các chính sách, giải pháp ban hành được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao, góp phần quan trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để khôi phục chuỗi cung ứng bị đứt gãy; tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, chi phí, lao động, chuyên gia... Những quyết sách nêu trên đã được cộng động doanh nghiệp và xã hội đánh giá là hết sức đúng đắn, sáng tạo và kịp thời của Chính phủ.

'Dự cảm' về kinh tế 2022 của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - Ảnh 2.

Nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch. (Ảnh: LT)

Nếu còn điều gì trăn trở, xin Bộ trưởng có thể chia sẻ suy nghĩ của mình?

- Mặc dù Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã hết sức nỗ lực tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp như nêu ở trên, điều mà khiến bản thân tôi còn nhiều trăn trở đó là sức lực của nhiều doanh nghiệp đang bị bào mòn trong khi tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khôi phục hoàn toàn trong thời gian tới, sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp.

Việc triển khai các chính sách còn hạn chế, qua theo dõi và tổng hợp các kiến nghị phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Việc triển khai của một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ.

Trong các kiến nghị các doanh nghiệp đều nhấn mạnh đến vấn đề đơn giản hóa các thủ tục, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong thực thi triển khai các quy định, chính sách trên toàn quốc; tính công bằng, minh bạch và thái độ phục vụ sát cánh cùng doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ cấp thực thi. Đây là điều doanh nghiệp mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền.

Trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt quan điểm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển; coi việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị.

Ngoài ra, cần có sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm và nhiệt tâm hơn nữa của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương đặc biệt ở cấp thực thi chính sách.

Dự cảm của Bộ trưởng về triển vọng kinh tế Việt Nam 2022

Nói đến bức tranh kinh tế 2022, có rất nhiều ý kiến đồng thuận cho rằng, quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022 sẽ gặp không ít thách thức khi nhiều điểm nghẽn, nút thắt cần được giải quyết. Theo Bộ trưởng, các điểm nghẽn, nút thắt đó là gì?

- Thực hiện phương châm "tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết", tuy nhiên các đợt giãn cách xã hội kéo dài đã gây đứt gãy chuỗi lưu thông hàng hóa và lao động.

Trong 12 tháng năm 2021, có 119,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; trong đó, có gần 55 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi nền kinh tế.

Hiện, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Điều này sẽ khiến cho giá cả hàng hóa tăng cao, tạo áp lực lên lạm phát nền kinh tế.

Thực tế, áp lực lạm phát của năm 2022 đối với kinh tế nước ta cũng đang hiện hữu. Theo đó, giá nguyên vật liệu, hàng hóa và dịch vụ trên thế giới có xu hướng tăng cao.

Giá dầu thô dự báo tiếp tục tăng trong những năm tới khi nhu cầu tăng mạnh trong bối cảnh thị trường dầu thô đang trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ qua. Việc thiếu hụt đầu tư thượng nguồn trong khai thác dầu khi nhu cầu về dầu gia tăng là chỉ báo về giá dầu cao kéo dài trong ít nhất trong năm tới.

Về phía Việt Nam, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu khi tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu hiện chiếm khoảng 37% tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế. Còn chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế.

Việc giá xăng dầu thế giới gia tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và cả nguyên nhiên vật liệu trong nước.

Trên thị trường lao động, thiếu việc làm dẫn đến cắt giảm chi tiêu và tổng cầu của nền kinh tế giảm sâu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 11 tháng giảm 10,4%, ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.

Về giải ngân vốn đầu tư công, năm 2021 đạt 77,8% kế hoạch năm, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài nguyên nhân như: giá sắt thép, vật liệu xây lắp... tăng cao, còn đó một số quy định không phù hợp và thiếu tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cá nhân và tổ chức liên quan.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt gần 88,71 tỷ USD, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và chỉ tăng 13,4% so với mức tăng 21,1% của khu vực FDI. Kinh tế phụ trợ và liên kết giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực FDI còn yếu và lỏng lẻo.

Nông nghiệp luôn là bệ đỡ trong những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế cũng gặp không ít thách thức như giá vật tư nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tăng cao; dịch bệnh đối với chăn nuôi lợn và gia cầm diễn biến phức tạp; nhu cầu thị trường chưa phục hồi, giá sản phẩm đầu ra của nông nghiệp và thủy sản ở mức thấp khiến người chăn nuôi thua lỗ.

'Dự cảm' về kinh tế 2022 của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - Ảnh 4.

Mô hình nuôi gà tại Hưng Yên. (Ảnh: LT)

Vậy đâu là "lực đỡ" để Việt Nam phục hồi kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%, thưa Bộ trưởng?

- Thứ nhất, Việt Nam có nhiều cải thiện cả về động lực và kết quả phục hồi, phát triển kinh tế so với năm 2021.

Tiêu dùng nội địa, vốn đóng góp khoảng 68-70% trong GDP, có khả năng phục hồi nhờ yếu tố tâm lý thị trường và thu nhập được cải thiện.

Khu vực tư nhân và FDI có cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh nhờ sự hồi phục cả phía cung, phía cầu, sự thích ứng của khu vực doanh nghiệp và các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ.

Việc hoàn thành bao phủ vaccine vào cuối năm 2021, hoặc chậm nhất vào đầu năm 2022 là một trong những điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế.

Thứ hai, tác động trực tiếp của các gói hỗ trợ kinh tế được tăng cường. Việt Nam tăng cường khả năng phục hồi thông qua hệ thống trợ giúp xã hội mạnh mẽ và linh hoạt trên cơ sở phân bổ thêm vốn cho các chương trình trợ giúp xã hội; áp dụng kỹ thuật số, để nhanh chóng xác định những người dễ bị tổn thương; mở rộng quy mô thanh toán điện tử, để tiếp cận một cách hiệu quả những người thụ hưởng đã được xác định.

Thứ ba, nhiều giải pháp được thực hiện đồng bộ. Trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đặt ra là tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm sức khỏe, tính mạng nhân dân và an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, cần kiểm soát lạm phát, hạn chế nợ xấu phát sinh, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Các chính sách hỗ trợ phát triển tạo động lực kích thích cho cả tổng cung và tổng cầu; củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn, tạo thêm "sức bật" cho doanh nghiệp.

Là tư lệnh ngành, xin ông cho biết những giải pháp nào sẽ được triển khai nhằm phục hồi kinh tế 2022?

- Đầu tiên, Việt Nam cần triển khai, thực hiện tốt, an toàn chiến dịch bao phủ diện rộng cho toàn dân tiêm vaccine.

Hai là, kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, chú trọng đến chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể vượt qua khó khăn. Đồng thời, sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.

Ba là, nâng cao năng lực giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư: Thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án kết nối liên vùng. Đặc biệt, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công để tạo sự lan tỏa đến đầu tư tư nhân và khu vực FDI; khai thác thế mạnh các Hiệp định thương mại đã ký kết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu; tăng cường cơ hội thu hút và tận dụng dòng vốn FDI.

Bốn là, thực hiện nhanh và hiệu quả việc cơ cấu lại nền kinh tế. Cơ cấu lại nội bộ từng ngành theo hướng phát huy lợi thế so sánh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tập trung nội lực, thúc đẩy động lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.

'Dự cảm' về kinh tế 2022 của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - Ảnh 5.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam. (Ảnh: LT)

Năm là, chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn cần có chính sách và giải pháp cắt giảm chi phí sản xuất, nhập khẩu kịp thời nguyên vật liệu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý khi phát hiện có hành vi đầu cơ, tích trữ, thao túng giá; thực hiện các giải pháp kết nối, bảo đảm nguồn cung lao động phù hợp cho người dân; chủ động cung cấp thông tin thị trường lao động, xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp giữa các địa phương trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động để tạo sự kết nối, liên thông trong chuỗi cung ứng lao động giữa các địa phương...

Sáu là, tăng cường triển khai và thực hiện chuyển đổi số trong cải cách thể chế và thủ tục hành chính rất quan trọng. Chuyển đổi số trong cải cách thể chế và thủ tục hành chính rất quan trọng.

Bảy là, tạo dựng chính sách liên thông, kết nối các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ đi kèm với sự đồng thuận tại các chính quyền địa phương, giải quyết tình trạng tình trạng "cát cứ" không thống nhất gây cản trở. Để phục hồi lại các chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất, xuất khẩu, cần bảo đảm tối đa lưu thông hàng hóa, lao động trở lại phục vụ việc phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, tránh tình trạng "cát cứ" không thống nhất gây cản trở. Đồng thời, bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên, vật liệu, năng lượng.

Về xuất nhập khẩu, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia để tham mưu Chính phủ các giải pháp điều hành ứng phó với các yếu tố bất lợi. Chú trọng công tác triển khai thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do nói chung, nhất là các FTA thế hệ mới. Tổ chức xúc tiến thương mại trực tuyến, chú trọng logistics…

Cuối cùng, đẩy mạnh lưu thông phân phối hàng hóa giữa các địa phương nhằm bảo đảm cung ứng nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem