Đủ chiêu trò quái lạ của hải tặc ở Biển Đông

Anh Tú (Dòng đời) Thứ bảy, ngày 18/10/2014 11:00 AM (GMT+7)
Khi nhắc đến cướp biển chúng ta thường nghĩ rằng chúng chỉ có ở vùng biển Somalia, Caribean và nếu ở Biển Đông thì chỉ là bọn cướp vặt. Ít ai nghĩ rằng Biển Đông, nơi giao thương hàng hải tấp nập lại là nơi mà cướp biển rất thích hoành hành.
Bình luận 0

Hiện nay, cướp biển ở Biển Đông nhiều hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới, đặc biệt là khu vực phía nam biển Đông.

Vùng biển nguy hiểm nhất thế giới

Cướp biển ở Biển Đông là những kẻ ăn cướp không gây ồn ào nhưng “làm việc” rất tích cực trong sự lặng lẽ, trang Hàng hải thế giới (CIMSEC) nhận định.

img Tàu Sunrise 689

Tại sao khu vực này nhiều cướp biển? Trang CNBC cho biết đây là vùng biển mà bọn cướp biển nhận thấy có nhiều “con mồi” ngon nhất. Hiện nay, khối lượng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển chiếm tới 80%. Đặc biệt, khu vực Biển Đông là nơi lưu thông 30% khối lượng hàng hóa và có những chuyến tàu chở dầu từ vùng Vịnh sang Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc được coi là con mồi béo bở cho cướp biển. Hiện trung bình khoảng 4 phút là có một tàu hàng qua khu vực biển này.

Trong thời gian gần đây, nhu cầu năng lượng của khu vực Đông Bắc Á tăng cao, tàu bè qua lại nhiều hơn thì cướp biển ở Biển Đông lại nhiều hơn. CNBC lấy ví dụ năm 2010 có 197 vụ cướp biển tại khu vực vùng biển Somalia còn quanh biển Đông chỉ có 42 vụ. Nhưng đến năm ngoái, 2013 thì tại Somalia do bị trấn áp quá mạnh nên chỉ xảy ra 13 vụ cướp biển còn khu vực Biển Đông tăng lên 125 vụ. 

Trang CIMSEC thì nêu đến 3 nguyên nhân lý giải cướp ở phía nam Biển Đông xuất hiện nhiều. Ngoài lý do thiên thời thì còn lý do địa lợi và nhân hòa. Địa lợi là khu vực này khá nhiều đảo nhỏ và các bãi đá giúp chúng mai phục cất giấu tàu và chiến lợi phẩm thu được. Còn nhân hòa là ở đây thuộc ngã ba biển giáp ranh của nước Singapore, Malaysia và Indonesia. Do vậy, để truy quét chúng thì cần phải có sự tiến hành đồng bộ của nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, vào thời điểm này, các bên vẫn còn bất đồng tranh chấp lãnh hải nên chưa thể tiến hành tuần tra thường xuyên. Thậm chí với những vùng tranh chấp thì họ còn ngầm quy định không đưa tàu an ninh vào để tránh khiêu khích. 

Cướp theo đơn đặt hàng

Theo CIMSEC, cướp biển ngày xưa tại biển Đông thường chỉ hoạt động ở ven bờ và thành phần chính là những ngư dân vì nghèo túng nên đi cướp của những ngư dân khác. Vũ khí hồi xưa chỉ có dao rựa hay vài khẩu súng săn. Còn cướp ngày nay thì rất hiện đại, được trang bị AK 47 và liên lạc với nhau bằng hệ thống điện thoại vệ tinh. CNBC cho biết chúng cướp rất bài bản chứ không hề tự phát. Đầu tiên là các tàu đóng giả tàu ngư dân đi do thám, khi nhận ra con mồi là tàu chở hàng, không có lực lượng phòng vệ thì chúng sẽ liên lạc để tiến thành bao vây truy kích và khống chế con mồi.

Sau khi tiếp cận được tàu, chúng phá hủy tất cả thiết bị liên lạc của tàu và bắt đầu tiến hành cướp bóc. Chúng sẽ lấy hết những tư trang quý giá của thủy thủ đoàn trước khi lấy nguồn hàng quan trọng là dầu. Bằng liên lạc vệ tinh, chúng điều một tàu chở dầu riêng của chúng ở đảo nào đó ra lấy dầu về.

CNBC cho biết các tàu hàng chở xe hay chở cá thì chúng sẽ không lấy mà chỉ kết nhất là tàu chở dầu. Lý do là dù lấy được cả tàu chở xe hơi hay đồ gia dụng thì chúng cực kỳ khó tiêu thụ. Tuy nhiên, với xăng dầu thì khác vì mặt hàng này có nguồn ra ổn định. Đến ngay cả lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo còn tìm cách bán dầu ra thế giới qua chợ đen và buôn lậu thì bọn cướp biển không khó gì trong việc tiêu thụ loại nhiên liệu mà ai cũng cần và không thể phân biệt được đâu là dầu “lương thiện”, đâu là dầu đi ăn cướp.

Thậm chí, chúng còn ăn cướp dầu theo đơn đặt hàng. CNBC nói rằng khi giá xăng tại Indonesia tăng cao, nhu cầu xăng ở chợ đen tăng vọt thì một trùm kinh doanh dầu chợ đen có thể nhờ gom dầu từ các cảng. Bọn cướp biển khi được đảm bảo đầu ra thì sẽ hăng say ra biển “đánh cá” hơn để đổi tiền mặt.

Chọn mồi để cướp

CNBC cho biết lũ cướp biển có chiến lược cụ thể trong việc chọn con mồi. Chúng không bao giờ tham đánh những con tàu lớn bởi vì tàu lớn thường được bảo vệ nghiêm ngặt hơn và trang bị hiện đại hơn. Khống chế một con tàu lớn đòi hỏi nhiều thời gian và điều đó tỷ lệ thuận với những rủi ro. Hơn nữa, dù là tàu lớn hay nhỏ thì chúng cũng chỉ cướp được một lượng dầu nhất định do sức chứa có hạn.

Vì vậy, chúng thường chọn những con mồi vừa tầm để khống chế nhanh lẹ, lấy đủ dầu và rút êm. Cướp biển ở vùng Nam Biển Đông hầu như không bao giờ gây án mạng hay giam tàu, giam người để làm to chuyện. Đây là điểm khác cơ bản giữa cướp biển ở Biển Đông và Somalia.

Tại Somalia là tình trạng vô chính phủ nên cướp biển có thể giam tàu đòi tiền chuộc. Còn tại Indonesia hay Malaysia, nếu lũ cướp biển dám làm chuyện này thì sẽ bị lần tung tích và truy quét ngay lập tức. Quan trọng nhất, cướp các tàu nhỏ (thường của các tập đoàn nhỏ), không gây án mạng, không giam con tin thì chúng làm dư luận thế giới ít chú ý đến việc “làm ăn” của chúng.

Sẽ nhiều người thắc mắc tại sao không có tàu an ninh đi cùng để hộ tống các tàu chở dầu. Việc thuê tàu an ninh đi cùng là cực kỳ tốn kém nên thà người ta chọn giải pháp mua báo hiểm còn hơn. Các công ty bảo hiểm sẵn sàng nhận “kèo” này vì dù sao vài trăm vụ cướp biển hàng năm ở Biển Đông chỉ là tỷ lệ rất nhỏ so với số tàu bè qua lại ở đây. Dù trả tiền bồi thường dầu bị rơi vào tay cướp biển cho các tàu đen đủi thì các công ty bảo hiểm vẫn còn lời chán.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem