Dự đoán bất ngờ về giá smartphone, người dùng sẽ khó mua?

Huỳnh Dũng Thứ bảy, ngày 10/04/2021 09:39 AM (GMT+7)
Gần đây, nhiều nhà sản xuất smartphone đã phải đau đầu với vấn đề thiếu chip. Tình trạng này bắt đầu từ ngành công nghiệp ô tô sau đó lan rộng qua ngành sản xuất PC, smartphone và các ngành công nghiệp khác. Nhiều công ty trong số đó thậm chí phải giảm sản lượng để đối phó với tình trạng thiếu hụt này.
Bình luận 0

Thực tế cho thấy, khi cung cầu hàng hóa mất cân đối thì giá cả sẽ biến động. Trong trường hợp thiếu chip, giá của card đồ họa đã gần như tăng gấp ba lần. Ngoài ra, sự tăng giá của bộ vi xử lý, bộ nhớ và ổ cứng thể rắn theo đó mà tăng giá mạnh và đây cũng là điều hiển nhiên.

Cách đây không lâu, theo một báo cáo từ tờ United News cho biết, nhà sản xuất chất bán dẫn theo hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC của Đài Loan có thể sẽ tăng giá của tấm wafer 12 inch của mình thêm 400 USD, tương đương khoảng 25% và nó sẽ được điều chỉnh hàng quý. Nếu điều này xảy ra thì giá bán dẫn sẽ tăng thêm 25%, đây sẽ là mức tăng giá cao kỷ lục từ trước đến nay. 

Ảnh: @Pixabay.

Ảnh: @Pixabay.

Một điểm đáng chú ý là hiện TSMC đã chuyển sang sản xuất các loại chipset với tiến trình 5nm, khiến chúng trở nên mạnh mẽ hơn và tiết kiệm năng lượng hơn. Do nhu cầu về nguồn chipset đang tăng mạnh trong khi nguồn cung thấp nên TSMC đã hủy các đợt giảm giá cho khách hàng của mình. Nhưng công ty đang phải đối mặt với những tình huống khác ngoài tầm kiểm soát của mình, và làm tăng thêm chi phí của công ty. Không riêng gì TSMC, các nhà sản xuất chip khác cũng đang tăng giá cho các sản phẩm của họ.

Tại sao điều này lại xảy ra?

Bởi thế giới đang trải qua tình trạng thiếu hụt nguồn cung chất bán dẫn, cùng với các vấn đề sản xuất chip đình trệ làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của nhiều công ty. Những dấu hiệu sớm nhất của sự cố do thiếu chip đã xuất hiện vào mùa xuân năm 2020. Vào thời điểm đó, thế giới đang trong giai đoạn của làn sóng lây nhiễm lần thứ nhất, Covid-19 đã loại bỏ nhu cầu của người tiêu dùng.

Sau đó khi nền kinh tế của các quốc gia dần phục hồi đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của Internet và công nghệ điện toán di động. Cùng với sự thay đổi trong cách làm việc và học tập của con người trong thời kỳ đại dịch, sự gia tăng công việc văn phòng tại nhà và các lớp học trực tuyến đã dẫn đến sự gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm tiêu dùng điện tử như máy tính xách tay và máy tính bảng.

Ảnh: @Pixabay.

Ảnh: @Pixabay.

Sự thay đổi lớn này được diễn ra trong vài tháng đã mở đường cho ngành công nghiệp bán dẫn, vốn là cốt lõi của mọi thứ từ máy tính, điện thoại thông minh đến ô tô và TV, tất cả rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhất. Mọi thứ còn trở nên tồi tệ hơn sau vụ cháy xưởng đúc chip Renesas vào tháng 3/2021, và hậu quả nó để lại đã và đang tác động đến nhiều ngành công nghiệp khác nhau.

Theo nhà phân tích Matt Bryson, cuộc khủng hoảng có thể diễn ra trong một thời gian dài do "nguồn cung ngày càng khan hiếm" và tình trạng thiếu "năng lực sản xuất" ngày càng mở rộng. Hai vấn đề này đang trở thành vấn đề lớn đối với nhiều nhà cung cấp điện thoại thông minh và thiết bị.

Giá smartphone dự kiến sẽ tăng mạnh

Khi nhìn vào giá của những chiếc điện thoại thông minh ra mắt trong quý đầu tiên của năm 2021, chúng ta có thể thấy rằng giá vẫn tương đối ổn định. Một số nhà sản xuất thậm chí còn tung ra các điện thoại thông minh tiết kiệm chi phí cực cao, chẳng hạn như Realme và OnePlus.

Ảnh: @Pixabay.

Ảnh: @Pixabay.

Nhưng phải nhìn nhận thực tế rằng, suy cho cùng, vấn đề thiếu chip vẫn chưa được giải quyết sớm. Vì vậy, không khó để đoán trước rằng, nhiều nhà sản xuất sẽ phải tăng giá cho smartphone trong những tháng còn lại của năm 2021. Gần đây nhất, Chủ tịch Xiaomi Wang Xiang cảnh báo cuộc khủng hoảng chip toàn cầu có thể khiến công ty tăng giá các sản phẩm của mình, vì sự thiếu hụt đang gây áp lực lên chi phí.

Wang Xiang còn cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tối ưu hóa chi phí cho các thiết bị phần cứng của mình, đó là điều chắc chắn. Thành thật mà nói, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đưa ra mức giá tốt nhất có thể cho người tiêu dùng. Nhưng đôi khi, chúng tôi có thể phải chuyển một phần chi phí tăng thêm cho người tiêu dùng trong những trường hợp khác nhau".

Trước đó, Lei Jun cũng cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, không chỉ chip điện thoại thông minh hiện đang hết hàng. Ngoài ra, ông nói thêm rằng sự thiếu hụt này có thể kéo dài trong hai năm. Người tiêu dùng có thể cảm thấy rằng, các sản phẩm điện tử tiêu dùng ngày càng khó mua và đắt hơn.

Giá smartphone trong nửa cuối năm sẽ tăng cao, người dùng sẽ chật vật khó mua? - Ảnh 4.

Ảnh: @Pixabay.

Xu Qi, chủ tịch Realme Trung Quốc cũng cho biết, do tình trạng khan hiếm nguyên liệu thô như chip, pin nên giá smartphone có thể biến động trong nửa cuối năm nay.

Đại diện hai công ty trên đồng quan điểm cho rằng, các nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn sẽ tiến hành điều chỉnh giá vào tháng 6 năm nay. Vì vậy, hầu hết các điện thoại thông minh ra mắt trong nửa cuối năm nay sẽ có giá cao hơn so với các sản phẩm tương tự ra mắt một năm trước.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem