Dự đoán điểm chuẩn Trường Đại học Hà Nội năm 2024 khối D: Nhà trường chỉ ra ngành học "hot"
Dự đoán điểm chuẩn Trường Đại học Hà Nội năm 2024 khối D: Nhà trường chỉ ra ngành học "hot"
Tào Nga
Thứ năm, ngày 11/07/2024 06:39 AM (GMT+7)
Dự đoán điểm chuẩn Trường Đại học Hà Nội năm 2024 khối D cao do nhu cầu nhân lực các ngành này lớn; chế độ lương và thu nhập hấp dẫn do sinh viên sau khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Những ngành học hot và dự đoán điểm chuẩn Trường Đại học Hà Nội năm 2024
Trao đổi với PV báo Dân Việt, TS. Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội tiết lộ thông tin về tuyển sinh năm và dự đoán điểm chuẩn khối D đại học năm 2024.
Theo TS Cúc Phương, trong nhiều năm trở lại đây, các ngành được gọi là "hot" của Trường Đại học Hà Nội gồm các ngành ngôn ngữ như Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật và các ngành đào tạo bằng tiếng Anh như Công nghệ thông tin, Marketing, Truyền thông đa phương tiện, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành...
Các ngành này được xem là ngành "hot" vì nhu cầu của thị trường lao động đối với nguồn nhân lực các ngành này không ngừng tăng lên; chế độ lương và thu nhập đối với sinh viên tốt nghiệp các ngành này cũng luôn duy trì ở mức cao do sinh viên sau khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài. Điểm chuẩn đầu vào của các ngành này đối với các phương thức xét tuyển của Trường luôn ở mức cao so với các ngành đào tạo khác ở Trường Đại học Hà Nội.
Dự đoán điểm chuẩn khối D Trường Đại học Hà Nội năm 2024 ra sao?
TS Cúc Phương chia sẻ: "Bảng dưới đây trình bày điểm chuẩn đầu vào theo phương thức xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT của 1 số ngành trong 3 năm qua. Thí sinh tham khảo để dự đoán điểm chuẩn khối D Trường Đại học Hà Nội năm 2024:
Ngành
Năm 2021
Năm 2022
Năm 2023
Thang điểm
Ngôn ngữ Hàn Quốc
37.55
36.42
36.15
40
Ngôn ngữ Trung Quốc
37.07
35.92
35.75
40
Ngôn ngữ Anh
36.75
35.55
35.38
40
Ngôn ngữ Nhật
36.43
35.08
34.59
40
Marketing
36.63
34.63
35.05
40
Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành
35.60
32.70
33.90
40
Truyền thông đa phương tiện
26.75
26.00
25.94
30
Công nghệ thông tin
26.05
25.45
24.7
30
"Về cơ hội nghề nghiệp của các ngành "hot" này, theo kết quả thống kê tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm 2022 của Trường Đại học Hà Nội, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm/tổng số sinh viên phản hồi dao động từ 85%-95%. Sinh viên sau khi tốt nghiệp chủ yếu làm việc tại khu vực tư nhân, trong các tập đoàn, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài. Trong nhóm sinh viên chưa có việc làm, đa số đang dành thời gian để tiếp tục học tập, nghiên cứu ở các bậc học cao hơn trong nước và nước ngoài", TS Phương chia sẻ.
Dành 50% chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Theo TS Phương, năm 2024, Trường Đại học Hà Nội tuyển sinh 26 chương trình đào tạo chính quy với tổng số 3.025 chỉ tiêu, chia thành 3 phương thức xét tuyển với chỉ tiêu cụ thể cho từng phương thức như sau:
1. Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GDĐT: 5% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.
2. Xét tuyển kết hợp theo quy định của Trường Đại học Hà Nội: 45% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.
3. Xét tuyển dựa trên kết quả của kì thi tốt nghiệp THPT năm 2024: 50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.
Hiện tại, Nhà trường đã hoàn thành việc xét tuyển đối với phương thức xét tuyển số 1 và 2 và đã công bố kết quả trúng tuyển có điều kiện. Theo đó, thí sinh phải tốt nghiệp THPT và phải đạt điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu là 16 điểm đối với 3 môn xét tuyển vào ngành mà thí sinh lựa chọn.
Thực tế, thí sinh đã trúng tuyển sớm sẽ cùng lúc đăng ký xét tuyển vào nhiều cơ sở giáo dục đại học khác nhau nhưng khi xác nhận nhập học thì chỉ được chọn 1 nguyện vọng. Nhiều năm nay Nhà trường luôn đảm bảo tỷ lệ chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển số 3 là tối thiểu 50%. Vì vậy, thí sinh xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có thể hoàn toàn yên tâm về chỉ tiêu và cơ hội để xét tuyển vào Trường Đại học Hà Nội.
Những lưu ý cho các thí sinh khi đăng ký xét tuyển đại học
Cũng theo lãnh đạo Trường Đại học Hà Nội: "Khi đăng ký nguyện vọng trên Hệ thống đăng ký xét tuyển đại học của Bộ GDĐT, thí sinh cần phải xác định ngành mình yêu thích nhất để đặt làm nguyện vọng 1, các ngành khác sẽ đặt theo thứ tự ưu tiên giảm dần. Nguyên tắc xét tuyển là đỗ ở nguyện vọng nào thì sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó mà không xét xuống các nguyện vọng dưới.
Có một số thí sinh có tâm lý e ngại ngành mình yêu thích có điểm chuẩn đầu vào cao nên có thể đặt nguyện vọng 1 là ngành mà mình không thực sự yêu thích. Sau khi có kết quả trúng tuyển, mặc dù điểm của thí sinh có thể cho phép đỗ vào ngành yêu thích nhưng vì hệ thống đã xét thí sinh đỗ ở nguyện vọng 1 rồi nên không có cơ hội đỗ vào ngành đó nữa.
Thứ hai là thí sinh cần nghiên cứu kỹ điểm chuẩn đầu vào các năm trước đây của các ngành học dự định đăng ký xét tuyển để so sánh với điểm thi tốt nghiệp THPT của mình, bên cạnh các thông tin về cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp và năng lực của bản thân khi theo học các ngành này… Từ đó, các em có sự lựa chọn, cân nhắc để chọn được ngành học phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng.
Thứ ba là thí sinh không nên bỏ qua bất kỳ cơ hội nào dù là nhỏ. Vì vậy, thay vì chỉ đăng ký 1 đến 2 nguyện vọng, các em nên đăng ký nhiều nguyện vọng hơn để tăng cơ hội trúng tuyển. Việc chọn ngành học là quan trọng nên các em có thể chọn cùng 1 ngành ở các trường khác nhau để có thêm cơ hội trúng tuyển vào ngành mà mình yêu thích".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.