Đất phải tơi xốp, dễ thoát nước. Nếu có lên mương líp, nên giữ mực nước trong mương với độ sâu 50 - 60cm cách mặt líp.
Hiện có 2 giống đu đủ phổ biến là giống Hongkong đa bông và Đài Loan tím. Chọn hạt làm giống từ những cây mẹ khỏe mạnh, sạch bệnh. Hạt sau khi xử lý, được ươm trên líp. Mặt líp có trộn tro trấu. Khoảng 5 - 10 ngày, hạt sẽ nẩy mầm.
|
Đu đủ là loại cây cần nhiều nước nhưng rất sợ úng. |
Khi cây cao khoảng 4 - 6cm thì cấy vào bầu. Kích thước bầu 6 - 10cm. Nên chọn cây khỏe mạnh, kích thước trung bình, rễ chùm nhiều. Đất làm bầu: 1/3 lớp đất mặt xốp, 1/3 tro trấu và 1/3 phân chuồng. Cây con trong bầu được 2 - 4 tuần có thể đem trồng ra đất.
Hố trồng có kích thước chiều dài, chiều rộng và chiều sâu là 60 x 60 x 30cm. khoảng cách trồng: Hàng cách hàng từ 2 - 2,5m, cây cách cây là 2m (khoảng 2.000 - 2.100 cây/ha). Sau khi đào hố, tiến hành bón lót. Mỗi hố bón 10 - 15kg phân chuồng, 0,5kg lân, 0,2kg kali, 0,5kg vôi bột. Trộn đều tất cả phân với đất mặt rồi lấp đầy hố trồng.
Đu đủ có quả quanh năm, vì vậy cần phải bón phân để cung cấp dinh dưỡng cho cây nuôi hoa, quả. Lượng phân bón cho 1 cây đu đủ trong 1 năm: Phân chuồng 3 - 5kg, phân urea 200 - 300g, super lân 500 - 600g, KCl 200 - 300g. Có thể sử dụng dạng phân đơn hoặc phân hỗn hợp khác nhưng cần phải cân đối hàm lượng đạm, lân, kali.
Khi cây được 1 tháng tuổi sau khi trồng bón 20g phân urea và 30g super lân. Pha trong 10 lít nước tưới cho cây 1 lần/tuần.
Khi cây được 1 - 3 tháng tuổi bón 30g urê, 50g super lân và 20 - 30g KCl cho 1 cây. Bón 15 - 20 ngày 1 lần.
Khi cây từ 3 -7 tháng tuổi sau trồng bón cho 1 cây: 40g urê, 50g super lân và 40g KCl. Bón1 tháng 1 lần. Đến tháng thứ 6, có thể bón thêm 2kg phân chuồng và 100g vôi cho một cây, kết hợp vun gốc.
Có thể phun thêm phân bón lá. Phun định kỳ 3-4 tuần/lần theo nồng độ hướng dẫn. Chú ý không dùng phân hóa học và dùng ít nhất có thể phân đạm để bón cho đu đủ do dư lượng nitrat (NO3) trong quả có thể gây ngộ độc cho người dùng.
ThS Khánh Thị Bích Thủy
Vui lòng nhập nội dung bình luận.