Dự kiến chi hơn 3.500 tỷ đồng/năm cho lực lượng an ninh, trật tự cơ sở

Quỳnh Nguyễn Thứ sáu, ngày 20/10/2023 14:54 PM (GMT+7)
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đánh giá về chế độ, chính sách, kinh phí, nguồn nhân lực bảo đảm thực hiện theo quy định của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Bình luận 0

Dự kiến, tại kỳ họp thứ 6 khai mạc vào ngày 23/10 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật, trong đó có Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở.

Đây là Dự án Luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV và được nhiều sự quan tâm, cho ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng bị tác động.

Nhiều ý kiến khác nhau về nội dung dự thảo Luật

Theo Bộ Công an, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đã có 144 lượt ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội, trong đó có 125 lượt ý kiến tại Tổ, 19 lượt ý kiến tại Hội trường; bên cạnh đó, dự án Luật đã được lấy ý kiến tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các Đoàn đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến bằng văn bản.

Trong đó, các ý kiến tham gia cơ bản đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật và đã cho ý kiến vào các nội dung cụ thể của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, còn có ý kiến khác nhau về 5 nội dung lớn của dự thảo Luật.

Về tên gọi của Luật có một số ý kiến đề nghị chỉnh lý là "Luật Lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở", "Luật Lực lượng hỗ trợ bảo vệ ANTT ở cơ sở","Luật Bảo đảm ANTT ở cơ sở" hoặc "Luật về công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở dựa vào cộng đồng" hoặc "Luật Tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở"

Bộ Công an cho biết đã phối hợp với Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nghiên cứu và thấy rằng tên gọi "Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở" đã khái quát đầy đủ và tương đối thống nhất với nội dung dự thảo Luật, phù hợp với mục tiêu xây dựng Luật.

Tên gọi này thể hiện đúng bản chất là lực lượng "tham gia hỗ trợ" cho Công an cấp xã trong bảo vệ ANTT ở cơ sở và cũng đã được Chính phủ nghiên cứu, thảo luận kỹ, nhiều lần trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Dự kiến chi hơn 3.000 tỷ đồng mỗi năm cho lực lượng an ninh, trật tự cơ sở - Ảnh 2.

Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở quy định thống nhất các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách, các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng chung. Ảnh: Bộ Công an

Dự thảo Luật quy định kiện toàn thống nhất các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách, các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng chung với tên gọi là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật để bao quát hết các lực lượng có tính chất tự nguyện, tự quản tham gia hỗ trợ Công an cấp xã bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Về ý kiến nêu trên, Bộ Công an cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật đã được Chính phủ thảo luận, cân nhắc thận trọng và có đầy đủ căn cứ, cơ sở nên đề nghị Quốc hội không mở rộng phạm vi điều chỉnh để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, còn có các ý kiến đề nghị quy định quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và quy định độ tuổi tối đa khi tham gia lực lượng này; đề nghị quy định khung tối đa số lượng Tổ và khung tối đa số lượng các chức danh của Tổ bảo vệ ANTT; đề nghị quy định khung, quy định cụ thể mức tối thiểu hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế trong dự thảo Luật.

Đánh giá kỹ lưỡng tác động về biên chế, kinh phí

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đánh giá và đã có báo cáo về chế độ, chính sách, kinh phí, nguồn nhân lực bảo đảm thực hiện theo quy định của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Theo Bộ Công an, tính đến hết tháng 12/2022, tổng số thôn, tổ dân phố trong toàn quốc đã giảm xuống còn 84.721 thôn, tổ dân phố (hồ sơ dự án Luật vào thời điểm khảo sát là 103.568 thôn, tổ dân phố) và mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2023 đã điều chỉnh tăng lên là 1.800.000 đồng (hồ sơ dự án Luật đang tính theo mức lương cơ sở trước ngày 01/7/2023 là 1.490.000 đồng).

Trường hợp 84.721 thôn, tổ dân phố đều thành lập Tổ bảo vệ ANTT thì toàn quốc có 84.721 Tổ bảo vệ ANTT (trung bình mỗi Tổ có 3 người) và dự kiến tổng kinh phí cần bảo đảm để thực hiện theo quy định của dự thảo Luật là 3.505 tỷ đồng/năm. Trung bình mỗi tỉnh, thành phố cần bảo đảm khoảng 55.6 tỷ đồng/năm, tương ứng khoảng 4.6 tỷ đồng/1 tháng.

Tuy nhiên, do dự thảo Luật quy định mỗi Tổ bảo vệ ANTT có thể phụ trách một hoặc một số thôn, tổ dân phố thuộc cấp xã hoặc tại huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã nên khi triển khai thi hành Luật thì tổng số Tổ bảo vệ ANTT có thể giảm xuống, kéo theo tổng kinh phí bảo đảm cũng sẽ giảm theo.

"Như vậy, nếu thành lập Tổ bảo vệ ANTT với nguồn nhân lực trước hết là được kiện toàn từ lực lượng Bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng, Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng và với cách dự tính nêu trên thì sẽ không tăng về số lượng người tham gia hoạt động và không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn đang chi trả hiện nay. Về lâu dài, tổng số lượng thôn, tổ dân phố tiếp tục giảm do sáp nhập nên các địa phương sẽ có điều kiện tập trung bảo đảm chế độ, chính sách tốt hơn nữa cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở", theo nội dung báo cáo nêu.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem