Du lịch thời virus Corona: Khách hàng mất tiền, doanh nghiệp “rèn quân”

Song Minh Thứ tư, ngày 05/02/2020 18:18 PM (GMT+7)
Coi như năm Canh Tý không có những chuyến du xuân, nhiều khách hàng thở dài nhưng buộc phải hủy vé, hủy tour đặt trước. Còn các công ty lữ hành lao đao, nhiều khách sạn tại TP.HCM lại dư phòng.
Bình luận 0

Tính đến sáng nay 5/2, ngành du lịch TP.HCM chưa có bất kỳ số liệu nào công bố về chuyện hủy tour, bỏ vé… của cộng đồng kinh doanh dịch vụ lữ hành. Nhưng theo giới kinh doanh dịch vụ, hoạt động du lịch tại thành phố này tiếp tục… nghỉ tết!

Ông Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc Công ty du lịch VietMark (P. Thạnh Mỹ Lợi, Q.2, TP.HCM) nói với PV Dân Việt: “Đây là thời điểm khó khăn chung của ngành du lịch Việt Nam. Công ty lớn sẽ có khó riêng. Nhưng khó nhiều hơn cả vẫn là các doanh nghiệp nhỏ vì họ chưa có kinh nghiệm xử lý như hồi dịch SARS năm 2002”.

img

Đường phố Sài Gòn yên lặng. Trong ảnh: Chỉ dăm ba du khách Tây ghé thăm Dinh Thống Nhất (Q.1, TP.HCM). Ảnh: M.P

Mất tiền để được yên thân!

Theo lời của bà K. (Bình Thạnh, TP.HCM), đầu tháng 12/2019, bà đã đặt vé giá rẻ tính chuyện du xuân trong nước với lộ trình: TP.HCM – Đà Nẵng – Đà Lạt – TP.HCM cùng với một người bạn từ Mỹ về, tất thảy hết 7,9 triệu đồng. “Khi nghe tin về virus Corona tôi buộc phải hủy vé. Không thể vì tiếc mấy đồng bạc mà đối mặt với những nguy hiểm”, bà K., chia sẻ.

Cũng theo lời bà K, người bạn bên Mỹ cũng phải hủy vé đặt trước về Việt Nam vì đã lường trước những khó khăn nếu quay trở lại như bị soi xét kỹ, thậm chí có thể bị cách ly… 14 ngày, ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc!

Trao đổi với Dân Việt, ông T.Q, Giám đốc một công ty lữ hành nhỏ tại Q.5 (TP.HCM) xác nhận, trong ngày Nguyên tiêu, công ty của ông có 5 tour cho khách lớn tuổi nhưng đến nay đã bị hủy 3 tour.

“Hai tour còn lại, công ty sẵn sàng trả lại tiền đặt cọc cho khách nhưng chính tôi thuyết phục khách đừng hủy vì nhiều vùng quê Việt Nam vẫn còn an toàn với nCoV. Hiện tại, khách đồng ý không hủy tour nhưng đến lúc đó, nếu thấy căng quá sẽ hủy”, ông T.Q nói.

Theo lời vị giám đốc này, để lo cho khách chu đáo, công ty đang tìm mọi cách để mua những mặt hàng “hiếm” như: khẩu trang, nước rửa tay khô...

Cũng theo ông T.Q, trong dịp đầu năm, nhiều tour du lịch nước ngoài bị hủy. Trong trường hợp này, nếu các hãng hàng không đơn phương hủy chuyến, các công ty sẽ được trả lại tiền mua vé máy bay trước đó.

“Nhưng trên thực tế, hầu hết khách và công ty lữ hành tự hủy vì quá nhiều thủ tục rắc rối khi làm thủ tục nhập cảnh vào các quốc gia khác trong những ngày này”, ông Q. nói.

Một đại lý vé máy bay tại Q.2 (TP.HCM) chia sẻ: “Trước tết, nhiều khách đặt vé giá rẻ để bay du xuân trong nước như Đà Nẵng, Hà Nội, Đà Lạt… giờ đã hủy vé. Vì họ mua vé giá rẻ nên không được trả lại tiền”.

Bà Minh Cúc (Q.5, TP.HCM), một hướng dẫn viên tự do, chuyên tổ chức tour “Chợ Lớn” cho những người quen vào dịp tết Nguyên tiêu than thở: “Những năm trước, vào dịp này sẽ không thấy mặt tôi ở nhà, còn năm nay, nằm dài đợi ngày qua… Không có ai gọi vì tất cả những sự kiện văn hóa lớn của khu Chợ Lớn đều đã được thông báo ngưng”.

img

Những ngôi chùa nổi tiếng ở Q.5 lâu lâu mới có khách đến viếng. Trong ảnh: Nhóm khách Tây ghé thăm Hội quán Tuệ Thành trên đường Nguyễn Trãi (Q.5, TP.HCM). Ảnh: M.P

“Tái cấu trúc doanh nghiệp”!

Ông M.X.V, Giám đốc một công ty lữ hành tại Q.10 nói: “Chúng tôi đang nín thở. Hồi trước tết có được vài tour kiếm chút lời trả lương cho nhân viên đầu năm nhưng bây giờ khách hàng đã hủy hết. May mà công ty không dồn sức làm tour đầu năm như nhiều anh em khác…”.

Theo lời ông Tuấn Anh, hiện VietMark đã hoạt động trở lại nhưng vì không có khách nên công ty chuyển qua công việc huấn luyện nhân viên: kiến thức tổng quát, kiến thức tour mới, tìm kiếm khách hàng mới, cho nhân viên nghỉ phép năm nếu có nhu cầu…

Còn theo ông M.X.V, dù không có doanh thu nhưng công ty vẫn tập trung nhân viên để tổ chức các hoạt động như một lần “tái cấu trúc” doanh nghiệp: rà soát dịch vụ, khai thác các tour mới, tìm kiếm khách hàng, gởi nhân viên học thêm các lớp huấn luyện ngắn ngày tại các trung tâm đào tạo hướng dẫn viên mà ông V. đang đứng lớp…

Như lời ông Tuấn Anh, còn quá sớm để nói về hoạt động du lịch tại thành phố này.

“Nếu cuối tháng 2 mà công bố hết dịch sẽ không có gì xảy ra. Nhưng lúc đó mà như những ngày hôm nay, phải tính tới câu chuyện tiết kiệm chi phí”, ông Tuấn Anh nói.

Theo ông, câu chuyện tiết kiệm chi phí không chỉ là chuyện điện nước…, mà còn phải tính tới chuyện cho nhân viên được nghỉ không lương, nghỉ phép dài hạn… “Như cách chúng tôi đã làm hồi đại dịch SARS 2002. Năm đó cũng khốn đốn, lao đao…”, vị giám đốc có hơn 20 năm làm nghề du lịch ngậm ngùi…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem