Ngành du lịch VN đưa ra nhiều biện pháp quảng bá, tuyên truyền để thu hút du khách trong và ngoài nước. Các hãng du lịch đổi mới phương thức phục vụ, tổ chức tour mới cũng như sáng tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo để hấp dẫn du khách. Nhưng tất cả những cố gắng đó đã không thực sự phát huy hiệu quả do có những kẻ phá hoại gây ra.
VN có nhiều địa chỉ du lịch rất độc đáo, nhiều thắng cảnh mê hoặc du khách. Những nơi này không chỉ nuôi sống ngành du lịch mà còn làm giàu cho địa phương. Thắng cảnh du lịch nổi tiếng thường ở các tỉnh nông nghiệp, các vùng nông thôn miền núi, vùng sâu vùng xa. Cho nên, một bộ phận người dân ở các vùng này có điều kiện kiếm sống và làm giàu bằng kinh doanh dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và các đặc sản địa phương.
Điển hình như miền Bắc có Sapa, Mẫu Sơn, vịnh Hạ Long, Tam Đảo... Miền Trung có động Phong Nha, thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, Kinh thành Huế, núi Bạch Mã. Miền Tây Nam Bộ có chợ nổi, vườn trái cây và du lịch sông nước… Những thắng cảnh này nuôi sống biết bao nhiêu con người. Chưa kể một bờ biển chạy dài suốt chiều dài đất nước, từ biển Đông sang biển Tây.
Nhưng thật đáng tiếc, vẻ đẹp tự nhiên hoang dã của thắng cảnh ban đầu dần dần không còn, mà thay vào đó những công trình khai thác du lịch thô thiển. Nhiều công trình thiếu thẩm mỹ đã phá hỏng kiến trúc chung của vùng di sản hay thắng cảnh. Ngoài ra, vì thực hiện các dự án kinh tế có lợi ích ngắn hạn, con người đã can thiệp thô bạo vào thiên nhiên, phá hoại những món quà mà tạo hóa ban tặng. Hồ Ba Bể là một ví dụ cụ thể.
Bên cạnh sự xuống cấp của cảnh quan, ngành du lịch VN còn bị phá hoại nghiêm trọng bởi tệ nạn ăn xin, hàng rong và những kẻ trấn lột trá hình. Nhiều người dân ở các địa phương có địa danh, di tích du lịch không còn hồn nhiên, đáng yêu mà ngày càng ma mãnh, có ý đồ chặt chém, lừa đảo du khách mọi cách. Khách du lịch bị hàng rong chèo kéo, bị quán ăn cắt cổ, bị các loại dịch vụ trấn lột.
Mới đây tại TP.HCM, một du khách người Malaysia đi từ chợ Bến Thành đến sân bay Tân Sơn Nhất bị tài xế taxi “chém” 6 triệu đồng, đây không phải là lấy giá cao mà là ăn cướp. Du khách từ sợ hãi đến coi thường và tất nhiên không còn muốn quay lại lần thứ hai.
Lối kinh doanh chụp giật, quản lý yếu kém là cách nhanh nhất để giết chết ngành du lịch. Người dân vì tham cái trước mắt, tự mình đứng ra hắt đổ mâm cơm của mình. Còn đối với chính quyền, vì tầm nhìn quá ngắn, vì thiếu tiền... nên không chú trọng đầu tư các công cụ và lực lượng quản lý để nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như nét đẹp văn hóa, văn minh của các thắng cảnh và con người địa phương.
Dẹp các kẻ phá hoại như ăn xin, hàng rong, lừa đảo không xong thì làm sao phát triển được du lịch?
Chân Tâm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.