Du lịch Việt Nam đang trở thành điểm đến với dòng khách cao cấp, tỷ phú
Việt Nam đang trở thành điểm đến với dòng khách cao cấp, tỷ phú
Huy Hoàng
Thứ bảy, ngày 09/03/2024 06:00 AM (GMT+7)
"Việt Nam đang trở thành điểm đến của những du khách quốc tế ở phân khúc cao cấp như chính trị gia, nghệ sĩ nổi tiếng, tỷ phú... đó là tín hiệu khởi sắc cho ngành du lịch Việt", ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chia sẻ với Dân Việt.
Mấy ngày gần đây, thông tin tỷ phú Bill Gates đang có chuyến nghỉ dưỡng, tham quan, trải nghiệm tại Đà Nẵng khiến nhiều người quan tâm, người làm du lịch cảm thấy vui vì du lịch Việt đang thực sự khởi sắc. Điều này được thể hiện bằng kết quả số lượt khách hai tháng đầu năm 2024.
Việt Nam đang trở thành điểm đến với dòng khách cao cấp, chính trị gia, tỷ phú, nghệ sĩ
Theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 2 tháng đầu năm đạt hơn 3 triệu lượt, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch trong 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 136,1 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng mạnh như: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật, Malaysia, Úc, Ấn Độ, Anh, Pháp, Đức… đây là những nước miễn thị thực đơn phương.
Sự tăng trưởng này cho thấy hiệu quả tác động rõ ràng từ chính sách nâng thời hạn lưu trú từ 15 ngày lên 45 ngày cho 13 nước được miễn thị thực đơn phương theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 15/8/2023.
Lý giải về điều này, ông Hà Văn Siêu – Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho hay: "Ngành du lịch rất vui khi hai tháng đầu năm 2024 số lượt khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao, hơn 3 triệu lượt, bằng con số 2 tháng đầu năm 2019, trước dịch Covid-19, điều này cho thấy nỗ lực của ngành du lịch, các địa phương, các doanh nghiệp đã đạt được kết quả này.
Nhìn ở góc độ nội sinh, hiệu ứng của chính sách thị thực mới góp phần gia tăng lượng khách du lịch quốc tế. Hoạt động xúc tiến, quảng bá, nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế, hình ảnh của Du lịch Việt Nam trên trường quốc tế được chú trọng thực hiện cả trên thực tế và trên không gian mạng.
Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về "nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững" đã trở thành quyết tâm chung, quy tụ được sức mạnh và trí tuệ tập thể để tháo gỡ một số điểm nghẽn, tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Còn nhìn ở góc độ ngoại sinh, hình ảnh, vị thế đất nước Việt Nam đang ngày càng được khẳng định, được biết và yêu mến. Bằng chứng là những giải thưởng mà Việt Nam đạt được năm 2023 ví dụ: Việt Nam tiếp tục được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu Thế giới năm 2023 tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) ở thành phố Dubai (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE) hay Làng du lịch Tân Hóa (Quảng Bình) vinh dự nhận giải thưởng "Làng du lịch tốt nhất" do Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) trao tặng…
Bên cạnh đó là những trang báo quốc tế hết lời khen ngợi về ẩm thực như phở, bánh mì, bún chả…
Và cụ thể hơn nữa Việt Nam đang trở thành địa điểm du lịch cho những du khách quốc tế ở phân khúc cao cấp như chính trị gia, tỷ phú, nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó tỷ phú Bill Gates đã có kỳ nghỉ tại Đà Nẵng (Việt Nam) từ ngày 4-7/3.
Tỷ phú người Mỹ đã chọn Đà Nẵng làm điểm đến, chọn bán đảo Sơn Trà làm nơi nghỉ dưỡng, đó quả là niềm vui cho những người làm du lịch. Hay Việt Nam trở thành điểm đến của những đám cưới giàu có của các tỷ phú người Ấn Độ được diễn ra tại Phú Quốc, Hạ Long, Đà Nẵng…
Có thể nói, từ tình cảm yêu mến Việt Nam những vị khách ở phân khúc cao cấp này đã thấy Việt Nam hội tụ giá trị về văn hóa, sinh thái, con người, nhất là khi tổ chức sự kiện, họ cảm giác như ở nhà, bởi sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự nhiệt tình của người làm dịch vụ.
Và tất cả những điều này chúng ta ghi nhận đó là cả một quá trình và cũng là thành tựu trên 30 năm đổi mới và hội nhập. Một minh chứng cụ thể là sau dịch, du lịch thế giới dường như khởi động lại và du lịch Việt Nam đã kịp bắt nhịp và ở vị trí trong những đầu châu Á, đó là tín hiệu tích cực".
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ, sự khởi sắc ngành du lịch trong những tháng đầu năm 2024 là kết quả của những nỗ lực, cố gắng của toàn ngành du lịch đã làm năm 2023. Đặc biệt, năm 2023, việc Chính phủ áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ; các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử với thời hạn tạm trú lên đến 90 ngày.
Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ về việc sửa đổi Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/03/2022 của Chính phủ về việc nâng thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày đối với nước được miễn thị thực gồm Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đan Mạch…
Bên cạnh đó là dấu ấn về ngoại giao như chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden với ký kết đối tác chiến lược toàn diện và Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình đã tạo thuận lợi để năm 2024 ngành du lịch bứt phá.
Trước những yếu tố thuận lợi như vậy, ngay từ đầu năm 2024, các hoạt động du lịch đã thực sự sôi động ở khắp các tỉnh, thành phố, trong đó dấu ấn nổi bật là sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của cơ quan quản lý du lịch quốc gia đối với các địa phương về việc chuẩn bị tốt cho các hoạt động thu hút và đón khách du lịch dịp Tết Nguyên đán và đầu xuân Giáp Thìn.
Việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam đến bạn bè quốc tế, sự chủ động, sáng tạo của các địa phương, doanh nghiệp trong việc xây dựng sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch, nhất là các sản phẩm trải nghiệm văn hóa đặc sắc của Việt Nam, khai thác hiệu quả các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, khám phá thiên nhiên, sinh thái, du lịch lễ hội, cộng đồng ở tất cả các vùng miền.
Hệ thống sản phẩm du lịch liên tục được làm mới, đa dạng, tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cho du lịch Việt Nam. Tiêu biểu, Hà Nội phát triển chuỗi 15 sản phẩm du lịch đêm gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá của Thủ đô mang đến cho du khách, người dẫn những trải nghiệm độc đáo, mới mẻ thông qua sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại với không gian văn hoá, lịch sử của Hà Nội trong đêm…
Theo ông Vũ Thế Bình, trước tín hiệu khởi sắc trong 2 tháng đầu năm 2024, việc kỳ vọng đón 17-18 triệu lượt khách du lịch quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa (trong đó có khoảng 72,5 triệu lượt khách có lưu trú) là có thể đạt được, tuy nhiên ngành du lịch sẽ vẫn gặp phải những vấn đề khó khăn và thách thức như nhu cầu của khách du lịch quốc tế liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo.
Số lượng khách du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng sẽ có tốc độ chậm lại bởi vé máy bay tăng và sự khó khăn kinh tế. Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy hình thành các cách thức du lịch mới mà ở đó đòi hỏi người làm du lịch, các điểm đến địa phương cần nắm bắt kịp thời và có tính liên kết vùng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.