Báo chí truyền thông cần đi bằng "hai chân", không nên "thổi bùng ngọn lửa" chê bai

Huy Hoàng Thứ ba, ngày 07/11/2023 19:31 PM (GMT+7)
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, truyền thông cần đi "hai chân", phê phán tiêu cực nhưng cũng nên nêu nổi bật những tích cực, đừng vì một vài những sơ suất nhỏ lại thổi bùng lên thành ngọn lửa chê bai khiến những người làm du lịch nản.
Bình luận 0

Trong buổi tọa đàm "Đẩy mạnh công tác truyền thông du lịch" do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức ngày 7/11, Chủ tịch Hiệp hội Vũ Thế Bình cho biết, sau dịch Covid-19, du lịch Việt Nam đã có sự khởi sắc trở lại. Đến nay, lượng khách đã dần phục hồi, khách quốc tế đã đạt hơn 10 triệu lượt; khách nội địa cao hơn so với trước dịch. Sự phục hồi, khởi sắc của du lịch Việt Nam thời điểm trong và sau dịch Covid-19 có sự vào cuộc của các cơ quan báo chí tuyên truyền, quảng bá hiệu quả.

Báo chí truyền thông cần đi bằng "hai chân" không nên "thổi bùng ngọn lửa" chê bai - Ảnh 1.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Vũ Thế Bình, chia sẻ tại buổi tọa đàm "Đẩy mạnh công tác truyền thông du lịch". Ảnh: BTC

Du lịch Việt Nam: Truyền thông cần đi bằng "hai chân" không nên "thổi bùng ngọn lửa" chê bai

"Du lịch đang có nhiều thay đổi. Thay đổi từ những chính sách của Chính phủ, những việc cụ thể từ các doanh nghiệp, từ việc khai mở những điểm du lịch mới với nhiều vấn đề, trong đó, vấn đề về truyền thông mang lại cho xã hội là những nhận thức mới gì về du lịch. Đấy là công tác truyền thông của chúng ta phải đảm nhiệm.

Chúng tôi muốn tổ chức buổi tọa đàm để bàn xem truyền thông làm những gì, đứng ở đâu trong phát triển du lịch. Xưa nay chúng ta làm truyền thông riêng lẻ, không có vị nhạc trưởng để điều hành công tác truyền thông trong du lịch, khiến chúng ta làm truyền thông theo cách nói và nghĩ của mỗi người và nó làm giảm tác động chính sách chung tới những người làm du lịch, xã hội, cộng đồng.

Bản thân ngành du lịch là ngành liên kết các ngành lại với nhau, tuy nhiên hiện nay sự liên kết này chưa được thực hiện thông suốt. Không có sự chỉ đạo thống nhất trong hoạt động truyền thông, đây chính là điểm yếu của ngành truyền thông du lịch.

Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có sự gắn kết, trong khi ở các nước người ta có các tour du lịch tuyệt vời, rẻ hơn ở Việt Nam, bởi ở trong đó có sự chia sẻ lợi ích của các nhóm doanh nghiệp, dịch vụ với nhau.

Tôi hy vọng, từ công tác truyền thông có thể tạo được sự liên kết, gắn kết, chia sẻ lợi ích để thúc đẩy du lịch phát triển", ông Vũ Thế Bình cho hay.

Theo ông Vũ Thế Bình, thời gian qua, ngành du lịch có sự đồng hành của báo chí, truyền thông, tuy nhiên hoạt động tuyên truyền cũng có nhiều hạn chế. Còn nặng về phê phán, tiêu cực nhiều hơn là điều tích cực. Nếu như báo chí truyền thông bằng cả "hai chân", ngoài phê phán, phản biện những điều tiêu cực thì có những bài tuyên truyền về điều tích cực. Nhìn bên cạnh những thiếu sót, thấy những điều tích cực ở phía sau và làm sao để những người làm du lịch cảm thấy tự tin hơn, tự hào hơn về hoạt động du lịch để họ cố gắng làm tốt hơn nữa.

"Nhiều khi, các sự kiện chúng ta làm rất tích cực, đăng nhiều thông tin truyền thông thế nhưng có một vài những sơ suất nhỏ nhưng lại bị thổi bùng lên thành ngọn lửa chê bai khiến những người làm du lịch bị nản, giảm đi nhiệt tình làm du lịch.

Chúng ta phải hiểu rằng, ngành du lịch là một ngành kinh tế nhưng yếu tố văn hóa rất cao, vì vậy chúng ta xúc phạm, thúc đẩy người làm du lịch nản chí thì đó là điều đáng tiếc", ông Vũ Thế Bình chia sẻ.

Báo chí truyền thông cần đi bằng "hai chân" không nên "thổi bùng ngọn lửa" chê bai - Ảnh 2.

Du khách nội địa, nước ngoài xếp hàng mua bánh cốm, phu thê tại một quầy bánh của làng nghề Hà Nội. Ảnh: Huy Hoàng

Còn theo Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Quốc Trí, để hoạt động du lịch hiệu quả, các cơ quan báo chí cần có tinh thần truyền thông có trách nhiệm. Hoạt động truyền thông cần được thực hiện đa dạng trên các kênh truyền hình, báo chí, mạng xã hội.

Tại tọa đàm, đại diện các cơ quan báo chí cho rằng, để truyền thông du lịch hiệu quả cần thêm sự gắn kết, thông tin đa chiều từ cả phía cơ quan quản lý, Hiệp hội Du lịch và các địa phương. Nhiều thông tin phản biện xã hội liên quan đến hoạt động du lịch cần có sự thông tin kịp thời từ phía cơ quan quản lý, các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia để cơ quan truyền thông đưa tin phản ánh kịp thời, đúng định hướng và hiệu quả. Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch cần thường xuyên tổ chức các hoạt động nghiệp vụ, chuyến đi thực tế mang tính chuyên đề.

Được biết Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã thành lập Câu lạc bộ Nhà báo du lịch với hơn 80 thành viên. Câu lạc bộ thường xuyên trao đổi và hỗ trợ thông tin về các sự kiện, hoạt động du lịch nhằm truyền thông, quảng bá, phục hồi và phát triển du lịch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem