Hai món đặc sản Cần Thơ được vinh danh là Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam

Hoàng Quyên (tổng hợp) Thứ hai, ngày 06/11/2023 18:57 PM (GMT+7)
Cần Thơ nổi tiếng với những món ăn đặc sản từ cá, tôm… cùng các loại hoa, rau có được từ sông nước, trong số đó hai món ăn là lẩu cá trái bần và cá he kho rục đã lọt vào Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam.
Bình luận 0

Cần Thơ được biết đến là tỉnh miền Tây với gạo trắng, nước trong, con gái xinh đẹp, cũng là một địa điểm du lịch hấp dẫn du khách bởi các sản vật sông nước. Những món ăn ẩm thực từ cá, tôm… các loại hoa, rau có được từ sông nước đã trở thành món ăn đặc sản của nơi đây. Trong số các món ăn đặc sản có hai món ăn được Hội đồng chấm giải của Đề án "Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu Quốc gia" chọn và vinh danh Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam giai đoạn I-2022, đó là lẩu cá trái bần và cá he kho rục.

Ẩm thực Cần Thơ: Lẩu cá trái bần

Hai món đặc sản Cần Thơ được vinh danh là Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam - Ảnh 1.

Trái bần, một loại trái dân dã của người dân Cần Thơ và được chế biến trong nhiều món ăn khác nhau. Ảnh: Báo Cần Thơ

Rất nhiều du khách khi đến Cần Thơ khi nghe tên lẩu cá trái bần đã bất ngờ và thích thú bởi cái tên nghe là lạ và khi thưởng thức thì thấy ngon.

Trái bần cũng là một loại cây dân dã quen thuộc với người dân miền Tây khi chúng mọc rất nhiều quanh các bãi bồi phù sa. Trái bần có hình tròn, dẹt, hương vị thì chua và chát. Cũng bởi nét đặc trưng đó mà nó đã dần trở thành một thứ gia vị độc đáo để làm nên món ngon đặc sản miệt vườn.

Nếu đã từng cắn trái bần thì du khách sẽ khó mà quên được cái hương vị chan chát đặc biệt ấy. Người dân vẫn có thói quen chế biến bông bần, trái bần thành nhiều món ngon đãi khách như lẩu cá trái bần.

Theo người dân nơi đây, cây bần có câu chuyện của nó, nó từng gắn liền với cái tên thủy liễu đầy thơ mộng bởi một giai thoại liên quan đến vua Gia Long trong những ngày gian khó. Chuyện là do giai đoạn Nguyễn Ánh tức vua Gia Long gặp nạn phải lưu lạc vùng đất miền Tây Nam Bộ, sống nương nhờ vào sự giúp đỡ che chở của người dân địa phương.

Sau khi bị quân Tây Sơn đánh bại tại Sông Tiền đoạn Rạch Gầm – Xoài Mút (nay còn bia tưởng niệm), nghĩa quân 1 phần chết, 1 phần tan rã, Nguyễn Ánh đã phải chạy trốn vào nhà dân, có lần còn trốn trong chuông đồng ở chùa Linh Thú (Châu Thành), sau khi quân Tây Sơn rút lui thì ông được người dân cưu mang. Trong lúc đói người dân đã làm món canh chua trái bần để cho Nguyễn Ánh dùng, tuy là món ăn lạ nhưng trong lúc đói bụng lại thấy rất ngon. Chính là nhờ vào món canh chua trái bần mà đã cứu sống được ông. Thời gian sau khi Nguyễn Huệ lâm bệnh nặng mà qua đời, lúc này Nguyễn Ánh đã khởi nghĩa và giành lại được quyền cai trị.

Trong cung không thiếu món ngon vật lạ, nhưng ông vẫn luôn nhớ món canh chua trái bần, khi Nguyễn Ánh hỏi lại tên gọi của trái bần thì người dân không dám trả lời vì cho rằng từ "bần" không được dùng đối với vua, chúa chỉ để cho tầng lớp dân thường gọi mà thôi. Vua thấy thế nên bèn đặt tên lại cho loài cây ấy là cây thủy liễu, vì cây mọc dưới nước, lá nhỏ, mềm mại rủ xuống như lá liễu. Tuy là đã được vua đặt cho tên gọi khác, nhưng người dân nơi này vẫn quen gọi là cây bần vì vốn dĩ đa gần gũi và gắn bó với người dân nơi đây.

Hai món đặc sản Cần Thơ được vinh danh là Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam - Ảnh 2.

Lấu cá trái bần, một trong những món ăn đặc trưng, đặc sản nổi tiếng ở Cần Thơ. Ảnh: Báo Cần Thơ

Để nấu nối lẩu cá trái bần được ngon, trái bần phải được thả vào nồi nước dùng từ sớm cho chín, chứ không để sống hay tái, bởi nếu để sống sẽ gây ra vị chát cho nước lẩu.

Ngoài trái bần nước lẩu còn được ninh từ cá tươi để có vị ngọt thơm đặc trưng, có thêm xương heo được nêm nếm vừa ăn với một chút nước cốt me chua, sau đó cho thêm ít rau thơm cắt nhuyễn và ớt lát để thêm vị cay cho lẩu.

Và nguyên chính nhất của nồi lẩu đó chính là cá. Người dân nơi đây cho biết, tùy theo mùa mà các loại nguyên liệu ăn lẩu thay đổi rất đa dạng, gồm các loại cá da trơn như cá tra, cá ba sa, cá ngát hoặc cá điêu hồng...

Một điểm thú vị và cũng tạo sự hấp dẫn cho du khách khi thưởng thức lẩu cá trái bần là rất nhiều các loại rau ăn kèm. Ở nhiều nơi, ăn lẩu, rau ăn kèm chỉ hai đến ba loại, nhưng ở Cần Thơ, đặc biệt với lẩu cá trái bần thì rau ăn kèm cực kỳ phong phú và đa dạng có tới 5, đến 6 loại rau chưa kể có thêm các loại hoa đặc trưng của miền Tây là bắp chuối hột, bông súng, bông điên điển, bông so đũa…

Du khách khi thưởng thức nồi lẩu cá trái bần sẽ cảm nhận vị béo ngậy của cá, vị ngọt của các loại rau, vị chua rất thanh và dịu của nước dùng. Tinh tế một chút khi thưởng thức, thực khách còn cảm nhận ra mùi thơm dịu nhẹ của hương bần.

Ẩm thực Cần Thơ: Cá he kho rục

Hai món đặc sản Cần Thơ được vinh danh là Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam - Ảnh 3.

Cá he kho rục, món ăn đặc sản được vinh danh trong Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam. Ảnh: Báo Cần Thơ

Về miền Tây có đủ loại thức ngon, nhưng đã là sông nước thì không thể nào bỏ qua các món ăn đặc sản từ cá, tôm,... trên sông Cửu Long. Khi nhắc đến các món cá đồng cá sông, cá he sẽ là loài cá được kể tên khá nhiều vì đặc điểm thịt mềm, ngọt và béo nhất là với các món kho trong bữa ăn của người dân miền Tây.

Cá he lại có vẩy bóng hơn và phần vây hay đuôi có màu đỏ hoặc vàng nghệ sẫm. Cá he là loại cá nước ngọt, thường được đánh bắt nhiều vào mùa nước nổi. Cá sống trong môi trường tự nhiên bằng cây cỏ ngập nước, côn trùng, tảo sợi, có khi ăn sâu, cá nhỏ hoặc các loài giáp xác. Cá he dù có hơi nhiều xương nhưng người miền Tây vẫn rất thích ăn bởi vị ngọt mềm béo ngậy của loài cá này rất đặc trưng.

Mùa nước nổi miệt sông nước, ngoài cá linh, bông điên điển còn có món cá he được chọn lựa nhiều và chế biến nhiều món ăn khác nhau. Trong đó có món cá he kho rục.

Để làm món cá he kho rục được ngon, người dân nơi đây khi bắt cá he về sẽ làm sạch nhớt, sạch mang vây và ruột cá rồi ướp với các loại gia vị thông thường cho thấm. Cá he có thể đánh vẩy hoặc không, tiếp đó phi thơm vàng hành tỏi với mỡ cá he vừa làm hay mỡ heo đều được bởi kho mỡ sẽ dậy vị dầu ăn. Sau đó thắng nước màu và cho nước vào nấu tới khi sôi mới thả cá để bớt đi mùi tanh của cá, nước kho là nước dừa sẽ thơm và ngọt hơn nước lọc. Nếu muốn ăn trái me non thì cho me, muốn ăn trái bần rửa sạch bần cắt phần đầu rồi cho bần vào nồi cá kho tới rục sẽ có được bữa ăn đúng điệu miền sông nước.

Khi cắn miếng cá he kho rục du khách sẽ cảm nhận được vị thơm, ngọt, xương cá tan trong miệng. Bên cạnh đó là vị nước dừa thơm quyện khiến cá he không có mùi tanh.

Theo người dân nơi đây, cá he ngoài chế biến kho rục thì còn có thể chế biến làm món cá he tươi chiên giòn với mỡ hành mỡ tỏi, cá he kho lạt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem