Dữ liệu dân cư: Làm gì có giá mà thu!

Luật sư Trần Tuấn Anh Thứ ba, ngày 03/07/2018 17:51 PM (GMT+7)
Đề xuất thu phí khai thác dữ liệu dân cư, hay nói cách khác là “bán” dữ liệu dân cư nếu được triển khai trên thực tế, theo tôi sẽ là một sai lầm không thể khắc phục được.
Bình luận 0

Mỗi con người từ khi sinh ra đến lúc chết đi, có 2 thứ quyền gắn bó suốt cuộc đời, đó là “quyền nhân thân” và “quyền tài sản”.

Trong đó, quyền nhân thân tức là những gì gắn bó với chính con người họ, chỉ duy nhất họ mới có quyền thực hiện hoặc thay đổi thông qua bộ máy quản lý hành chính nhà nước, ví như quyền đối với họ tên, giới tính, quyền kết hôn, ly hôn, nuôi con…

Quyền này nằm trong giới hạn “quyền con người” mà pháp luật đã trao cho mỗi cá nhân và là bất khả xâm phạm. Mọi hành vi sử dụng, khai thác không được sự đồng ý của cá nhân, công dân đều là hành vi xâm phạm quyền nhân thân và bị pháp luật nghiêm cấm.

img

Điều 21 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã khẳng định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình” và “Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.

Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015 cũng đã dành riêng một mục 2, với 15 Điều luật riêng biệt để quy định về quyền này của công dân.

Ở đó khẳng định: “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác” (khoản 1, Điều 25) và “1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ; 2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác” (khoản 1, 2 Điều 38).

Như vậy, có thể khẳng định, trong trường hợp cá nhân không đồng ý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác sử dụng, công khai thông tin liên quan đến “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân” thì cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được quyền thực hiện. Hành vi sử dụng, công khai thông tin cá nhân của người khác trong trường hợp này là hành vi vi phạm pháp luật.

img

Cơ quan quản lý CSDL chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình (ảnh minh họa)

Cũng cần nói thêm rằng, các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan tư pháp (Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án) hay một số các cơ quan nhà nước khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ có thể “khai thác” thông tin cá nhân của công dân để phục vụ mục đích quản lý hoặc xử lý vi phạm pháp luật của công dân theo đúng phạm vi quy định tại Điều 8 Nghị định 137/2015/NĐ-CP, cũng như Luật Căn cước Công dân năm 2014.

Việc được “khai thác” trong phạm vi thẩm quyền không đồng nghĩa với đề xuất của  UBND TP. Hà Nội được đem các thông tin này đi “bán” (dưới cái tên là “thu giá dịch vụ”) cho các tổ chức kinh tế như đề xuất của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

Thông tin cá nhân, bí mật đời tư cá nhân thuộc về từng người. Quyền cho hay không do từng cá nhân quyết định, làm gì có giá nào đưa ra để "thu giá" hay "thu phí", lại càng không phải là hàng hóa để có thể đem “bán”!

Qua đề xuất trên, có cảm giác rằng ở Việt Nam chúng ta chưa coi trọng và dành sự tôn trọng đúng mức đối với dữ liệu cá nhân của mỗi công dân.

Trong thời đại số hiện nay, chỉ cần lộ ra bất kỳ một thông tin cá nhân nào thì đều có thể là cơ sở để các đối tượng xấu lợi dụng, xâm nhập, đánh cắp và sử dụng vào mục đích trái pháp luật. Trong trường hợp dữ liệu công dân bị đánh cắp hoặc sử dụng vào mục đích trái pháp luật thì sẽ xảy ra những hậu quả khôn lường.

Tôi cũng như nhiều người khác đã nhiều lần đặt câu hỏi: Tại sao sau khi đăng ký doanh nghiệp, hàng loạt đơn vị gọi điện đến “Giám đốc” trong giấy đăng ký kinh doanh để mời chào, kết nối làm ăn hay thu thuế, phí? Tại sao khi vừa xuống sân bay, đã có ngay tin nhắn của một hãng taxi gửi đến để quảng bá dịch vụ? Tại sao sau khi đến một đơn vị của ngành tài nguyên môi trường làm việc, ngay sau đó đã nhận được hàng loạt tin nhắn mời chào mua bán bất động sản? Người gọi điện nắm rõ họ tên, thu nhập cũng như nghề nghiệp của tôi. Họ đã làm cách nào?

Chúng ta có thể nhìn vào những sự việc còn chưa hết tính thời sự để có kinh nghiệm cho mình trong lĩnh vực bảo mật thông tin cá nhân của công dân, ví dụ: gần như toàn bộ thông tin cá nhân của người dân Malaysia đã bị đánh cắp cuối năm 2017, hay sự việc nhà sáng lập ứng dụng mạng xã hội Facebook bị điều trần liên tục tại Châu Âu và Mỹ liên quan đến việc để lộ thông tin cá nhân người sử dụng.

Vì thế, đề xuất thu phí khai thác dữ liệu dân cư, hay nói cách khác là “bán” dữ liệu dân cư, nếu được triển khai trên thực tế, theo tôi sẽ là một sai lầm không thể khắc phục được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem