Giờ học môn lịch sử tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 10. TP.HCM. (Ảnh: I.T)
Giáo sư xã hội học Nguyễn Chí Tình:
Lịch sử là một môn khoa học quan trọng của bất cứ nền giáo dục nào trên thế giới. Nếu chúng ta dùng khái niệm “tích hợp” chính là sẽ giết chết môn lịch sử. Cùng với văn học và địa lý thì lịch sử là một trong những môn liên quan đến đồng bào, quê hương, dạy con người yêu đồng bào, yêu quê hương, tự hào dân tộc... Bác Hồ đã nói “Dân ta phải biết sử ta”. Vì vậy, bỏ môn lịch sử chính là có tội với nền giáo dục, có tội với Tổ quốc, làm trái với lời dạy của Bác Hồ.
Lê Tiến Hùng (Việt kiều, ngụ tại 11/4 Sonnental 8291 Burgauberg, Cộng hòa Áo): Đừng để lớp trẻ quên cha ông mình
Theo quy định của nước Áo, một người muốn nhập quốc tịch Áo trước tiên phải thỏa mãn 2 điều kiện: Tiếng Đức B1, học và thi vượt qua môn lịch sử. Trong trường học phổ thông, môn lịch sử là một môn học chính. Chúng tôi luôn ngẩng cao đầu với bạn bè quốc tế bởi trong mình vẫn nồng cháy những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa… Muốn có được điều này phải học lịch sử. Đừng để cho lớp trẻ quên cha ông mình.
Vũ Hoàng Phúc- (Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu, TP.Nam Định): Phương pháp giảng dạy mới đáng bàn
Tôi thiết nghĩ không nên tích hợp môn lịch sử - đạo đức – giáo dục công dân và quốc phòng an ninh thành một môn mới. Cái đáng bàn, đáng quan tâm và cần thay đổi chính là nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy và hình thức đánh giá kiểm tra. Có như vậy chắc chắn môn lịch sử sẽ không là “gánh nặng” của học sinh mà ngược lại sẽ làm cho học sinh say mê, tự hào với dân tộc mình hơn.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển, Trường ĐH Nội vụ): Càng khiến học sinh xa rời môn sử
Lâu nay, môn lịch sử vẫn đứng độc lập và được đầu tư khá nhiều mà vẫn chưa khơi dậy được niềm say mê của học sinh. Nay tích hợp môn sử vào các môn khác (cho dù số tiết vẫn không đổi chăng nữa) thì cái tên môn lịch sử cũng bị mất đi. Điều đó gián tiếp khuyến khích học sinh không cần học sử nữa, xa rời môn học này.
Đoàn Thị Hường (GV Trường THCS xã Giao Long, Giao Thủy, Nam Định): Môn sử không có lỗi
Thời gian qua, việc học sinh không chú trọng học sử có nhiều lý do như định hướng nghề nghiệp, phương pháp giảng dạy… chứ đâu phải do để môn lịch sử đứng độc lập. Còn thực tế, trong quá trình giảng dạy, chúng tôi vẫn tích hợp môn sử với các môn văn, giáo dục công dân… và ngược lại để tăng tính hấp dẫn. Nhưng từ khi có thông tin sẽ tích hợp môn lịch sử, giáo viên chúng tôi thấy rất bất an.
Trương Thị Bích Huệ (quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội): Bất ngờ và bất bình
Khi biết Bộ GDĐT đưa ra dự thảo tích hợp môn lịch sử với giáo dục công dân và an ninh quốc phòng, phụ huynh chúng tôi rất bất ngờ và bất bình. Theo chúng tôi, lịch sử phải là bộ môn giáo dục độc lập, thậm chí cần được coi trọng và đầu tư giảng dạy tốt hơn để giúp cho học sinh nhận thức rõ nét hơn, bản lĩnh hơn trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước hiện nay.
Bộ GDĐT vẫn tiếp tục giữ quan điểm “cần tích hợp”
Ngày 17.11, Ban Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (CT GDPTTT) đã có văn bản trả lời báo chí về các vấn đề liên quan đến tích hợp môn lịch sử được nhắc đến trong Dự thảo chương trình giáo dục tổng thể.
Theo đó, Ban xây dựng CT GDPTTT nhận thiếu sót vì đã trình bày chưa rõ trong văn bản dự thảo và một vài người phát biểu không chính xác dẫn đến hiểu lầm và gây xôn xao dư luận.
Cụ thể, 5 vấn đề được dư luận đưa ra “mổ xẻ” là: Cần đổi mới cách giảng dạy môn lịch sử để thu hút người học; Ban xây dựng CT GDPTTT không coi trọng giáo dục môn học này khi đặt vấn đề đưa môn học thành môn tự chọn; Khó tích hợp kiến thức liên môn và đội ngũ giáo viên hiện nay không dạy được môn học mới này; Nếu tích hợp sẽ khiến cho kiến thức lịch sử bị xé lẻ hoặc chồng chéo nhau giữa 3 môn và yêu cầu duy trì môn lịch sử là môn học riêng và bắt buộc.
Theo Ban xây dựng CT GDPTTT, muốn môn lịch sử trở nên hấp dẫn phải thực hiện đổi mới đồng bộ, lựa chọn nội dung và đa dạng hóa hình thức giáo dục.
Ban xây dựng CT GDPTTT cũng khẳng định, mọi học sinh đều bắt buộc phải học nội dung môn lịch sử trong ít nhất 2 môn: Công dân với Tổ quốc và 1 trong 2 môn lịch sử hoặc môn khoa học xã hội. Ngoài ra, học sinh còn được học lịch sử trong các môn học khác như văn, địa và trong các hoạt động trải nghiệm với thời lượng 3 tiết/tuần. Việc tích hợp môn lịch sử là cần thiết theo yêu cầu mới của CT GDPTTT để đảm bảo tính thống nhất, giúp người dạy và người học dễ dàng vận dụng, tổng hợp kiến thức khác nhau để giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Cũng theo Ban xây dựng chương trình, việc nêu đích danh, trực tiếp tên môn học không nói lên việc môn học đó có được đề cao hay không. Vấn đề quan trọng là người học nắm được kiến thức môn học đó ở mức độ nào, bằng cách nào. Ngoài ra, các kiến thức được tích hợp sẽ đảm bảo logic mới chứ không xé lẻ kiến thức, không chồng chéo và phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa. Ban xây dựng chương trình cho rằng nếu giữ môn học với tên gọi lịch sử, với logic nội dung kiến thức như hiện nay thì khó đáp ứng được các yêu cầu đổi mới.
Tùng Anh
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.