Dự thảo bỏ xếp loại bằng đại học: Đừng để “vàng, thau lẫn lộn”

Khải Huyền - Việt Phương Thứ tư, ngày 09/10/2019 06:00 AM (GMT+7)
Các trường đại học (ĐH) cho rằng, việc bỏ xếp loại trên bằng ĐH là xu hướng tiệm cận với cách làm của nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Trong khi, nhà tuyển dụng cũng không thể chỉ nhìn vào xếp loại trong bằng ĐH để đánh giá được đối tượng ứng tuyển.
Bình luận 0

Tiệm cận xu hướng thế giới

Bộ GDĐT vừa đưa ra lấy ý kiến lần 1 dự thảo thông tư về nội dung chính của văn bằng đại học. Trong đó, văn bản này ghi rõ quy định nội dung chính trên văn bằng giáo dục ĐH bao gồm: Bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và bằng tiến sĩ danh dự.Thay đổi lớn nhất của cách thức ghi trên văn bằng theo thông tư này là việc loại bỏ phân biệt xếp loại bằng tốt nghiệp theo các mức, gồm: Xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá, trung bình.

img

Trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (ảnh minh họa).  Ảnh: I.T

Bằng kĩ sư, bác sĩ... sẽ được quy định ở Nghị định mới

Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, văn bằng giáo dục đại học gồm 3 loại: Bằng cử nhân; bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ. Các loại văn bằng chuyên môn đặc thù do Chính phủ quy định.

Hiện tại, Bộ GDĐT đã trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục ĐH sửa đổi. Theo đó, các loại ngành nghề chuyên môn đặc thù sẽ được quy định tại nghị định này. Dự kiến, sẽ có các loại bằng kĩ sư, bằng bác sĩ, bằng dược sĩ…, với tư cách là bằng chuyên môn đặc thù.

Ngoài ra, không phân biệt rõ hình thức đào tạo gồm: Chính quy, vừa làm vừa học, học từ xa, tự học có hướng dẫn như văn bằng giáo dục ĐH hiện thời. Việc phân biệt rõ các khối ngành như kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ... cũng không còn được sử dụng. Theo quy định mới chiếu theo thông tư kể trên, tất cả sẽ được gọi chung là cử nhân.

PGS - TS Vũ Hải Quân - Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho biết, từ năm 2000-2001, ĐHQG TP.HCM đã có chủ trương bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp ĐH cấp cho sinh viên các trường thành viên. Theo đánh giá của ĐHQG khi đó, việc bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp là theo thông lệ quốc tế. Khi đó, phôi bằng của các trường thành viên ĐHQG TP.HCM không ghi thông tin xếp loại người học.

Tuy nhiên, sau đó Bộ GDĐT yêu cầu cơ sở giáo dục đại học trên cả nước thống nhất các thông tin ghi trên bằng tốt nghiệp, trong đó có yêu cầu xếp loại thứ hạng. Do vậy, những năm sau này ĐHQG TP.HCM phải thực hiện theo quy định này.

Điều này có thể thấy rõ trên văn bằng tốt nghiệp của cựu sinh viên các trường thành viên ĐHQG TP.HCM. Cựu sinh viên tốt nghiệp khóa 2001, 2002… không có ghi xếp loại. Nhưng bằng tốt nghiệp của sinh viên khóa sau này, các trường phải in thêm thông tin xếp loại (rank) trên bằng tốt nghiệp.

Tuy nhiên, PGS Quân cũng cho biết thêm, dù có xếp loại hay không thì sinh viên cũng được cấp kèm bảng điểm cụ thể từng môn học, từng học kỳ… Ở một số thời điểm, nhiều sinh viên vì một lý do nào đó vẫn có thể sử dụng bảng điểm và giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời để đi xin việc trong thời gian chờ nhận bằng.

Là một nhà giáo dục có nhiều kinh nghiệm làm việc trong môi trường nước ngoài, GS Trương Nguyện Thành - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM) nhận định, việc bỏ xếp loại trên văn bằng tốt nghiệp ĐH là hướng đi tiệm cận với cách làm của các nước tiên tiến. Theo GS Thành, ở Mỹ, hầu hết các trường không ghi xếp loại trên văn bằng tốt nghiệp mà thể hiện ở học bạ hoặc bảng điểm đi kèm.

GS Thành cho rằng, việc xếp loại học tập chỉ đánh giá được một khía cạnh, đó là khả năng nắm bắt được kiến thức của người học trong thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau này khi tốt nghiệp, đi làm, môi trường thay đổi, điều kiện làm việc khác với môi trường học tập… thì người học cũng sẽ thay đổi theo.

Còn đối với cơ sở giáo dục, khi bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp, thành công của người học sẽ chứng minh cho chất lượng giáo dục của trường đó. PGS-TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, nên chiếu đúng theo luật để xếp loại bằng cấp. "Bằng là để chứng nhận hoàn thành trình độ cử nhân, thạc sĩ... Nhiều người nói bằng không quan trọng bằng kinh nghiệm thực tế, tại sao phải đắn đo xem bằng xếp loại giỏi hay trung bình? Tôi thấy hơi mâu thuẫn. Hơn nữa, trong tuyển dụng, doanh nghiệp còn phải xem xét kỹ bảng điểm mới đánh giá trọn vẹn được cá nhân ứng tuyển chứ không chỉ nhìn bằng tuyển người" – PGS Sơn nói.

Chưa công bằng với người học

Bên cạnh các ý kiến đồng tình, nhiều đại diện các cơ quan tuyển dụng lại cho rằng, việc loại bỏ hoàn toàn xếp loại, đặc biệt là bỏ thông tin hình thức đào tạo trên bằng tốt nghiệp là chưa công bằng với người học.

Ông Trần Văn Huân - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phúc Thịnh (TP.Thanh Hóa) băn khoăn về việc bỏ xếp loại sẽ không tạo ra được sự khác biệt rõ ràng đối với người học. Đặc biệt, việc nỗ lực để đạt được tấm bằng giỏi cũng là một mục tiêu phấn đấu của sinh viên, trong quá trình phấn đấu đó, họ sẽ tự rèn giũa được bản thân. "Tôi cho rằng việc không ghi rõ hình thức đào tạo trên tấm bằng đại học là bất hợp lý, không thể cào bằng hệ đào tạo chính quy với hệ đào tạo tại chức, từ xa được. Ví dụ, ngành y đang có đề xuất học 4 năm và 6 năm, 4 năm thì sinh viên sẽ được cấp bằng cử nhân khoa học y học, 6 năm thì sẽ được cấp bằng bác sĩ. Nói như vậy là để thấy được sự quan trọng trong việc ghi rõ hình thức đào tạo trong tấm bằng ĐH".

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại Tiền Giang cũng cho rằng, trong tình hình giáo dục còn nhiều điểm chưa minh bạch như hiện nay thì bỏ xếp loại hình thức đào tạo trên bằng ĐH là một thiệt thòi cho cả người học và nhà tuyển dụng. Đặc biệt là đối với các ngành như sức khỏe, sư phạm hay ngành luật, kinh tế…Những ngành này đòi hỏi người học phải có khả năng tiếp thu kiến thức cao hơn, trong khi một số lĩnh vực khác, người lao động có thể đi làm, rút ra kinh nghiệm thực tế để nâng cao tay nghề rồi mới đi học để… hợp thức hóa trình độ của mình.

“Bản thân tôi khi tuyển dụng người làm việc cùng dù không quá quan trọng bằng cấp nhưng tại vòng sơ tuyển, các hồ sơ có bằng cấp giỏi, xuất sắc cũng sẽ được ưu tiên phỏng vấn trước và phỏng vấn kỹ hơn” - vị này nói.

img

Đã tham khảo văn bằng của 20 nước!

Trong Điều 38 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định rõ người học khi tốt nghiệp sẽ được cấp đồng thời bằng và phụ lục văn bằng. Việc cấp văn bằng cùng với phụ lục văn bằng này là xu hướng của nhiều nước trên thế giới. Trong quá trình xây dựng Dự thảo Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học, Ban soạn đã tham khảo văn bằng của hơn 20 quốc gia.

Để hướng dẫn thực thi luật này, Bộ GDĐT đã tiến hành xây dựng song song 2 văn bản là thông tư ban hành quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân và thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học.

Các thông tin quy định ghi trên phụ lục văn bằng tại thông tư nói trên đã đảm bảo cung cấp đầy đủ về quá trình đào tạo, kết quả học tập, hình thức đào tạo,… của người học, giúp người sử dụng lao động có đầy đủ thông tin về người có văn bằng để tham khảo và lựa chọn trong việc tuyển dụng.

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT)

img

Chưa đúng thời điểm

Theo tôi, việc bỏ những thông tin như xếp loại, loại hình đào tạo trên bằng tốt nghiệp của sinh viên là cần thiết song thời điểm này chưa phù hợp. Việc này cần phải có lộ trình phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội… của Việt Nam.

Cụ thể, so với các nước đang thực hiện việc bỏ xếp loại, loại hình đào tạo trên bằng đại học, tình hình kinh tế - xã hội, văn hóa, ý thức của Việt Nam chưa phát triển bằng. Chưa kể, chất lượng giáo dục của Việt Nam chưa thể so sánh ngang hàng với nhau và với thế giới. Chất lượng giữa các hình thức đào tạo trong nước cũng có sự cách biệt lớn. Còn với xếp loại tốt nghiệp của sinh trên văn bằng, cần phải có để tạo động lực cho sinh viên phấn đấu.  Còn nếu như hiện nay, nếu xóa bỏ hết thông tin loại hình đào tạo, xếp loại tốt nghiệp… trên văn bằng, người học sẽ tận dụng kẽ hở để đi học tại chức, chuyên tu vì đỡ tốn kém, nhẹ nhàng mà cũng có bằng như chính quy.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM

Việt Phương - Thuận Hải (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem