Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: HS mừng, GV lo

Pháp luật TPHCM Thứ sáu, ngày 07/08/2015 09:35 AM (GMT+7)
Tuy còn cách nhìn khác nhau nhưng các ý kiến có điểm chung là chương trình sẽ tăng thời gian cho học sinh tự học, trải nghiệm cuộc sống.
Bình luận 0

TS NGUYỄN TÙNG LÂM, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội:
Chương trình không nhẹ hơn

img

Bộ GD&ĐT đưa ra chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nhưng đọc xong tôi có khá nhiều lo lắng. Bộ cho rằng chương trình mới sẽ giảm tải cho học sinh nhưng thực chất việc tích hợp các môn học không hề nhẹ hơn cho cả học sinh và giáo viên.

Có ba vấn đề cần đặt ra trước khi áp dụng chương trình mới: Một là, sách giáo khoa phổ thông mới chưa có, việc đào tạo giáo viên để đáp ứng nhu cầu của chương trình mới đòi hỏi phải được thực hiện trước năm 2018. Thứ hai, giáo viên phải có kiến thức tích hợp các môn học, những môn học sáng tạo, môn học tự chọn, học theo nhóm… đáp ứng theo chương trình. Thứ ba, tôi chưa hình dung được cách thức tổ chức và thực hiện chương trình mới như thế nào.

Ở các nước tiên tiến, đến THPT là đã không còn mô hình lớp học truyền thống với giáo viên chủ nhiệm và hệ thống cán bộ lớp. Học sinh tự chọn lớp học theo môn học mình ưa thích, đến giờ học môn đó di chuyển đến lớp cần học. Cơ sở vật chất của nước ta đến năm 2018 đáp ứng được yêu cầu này chưa, đó là vấn đề cần phải suy nghĩ.

TS NGUYỄN KIM DUNG, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục TP.HCM:
Phát huy thế mạnh của người học

img

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể Bộ GD&ĐT vừa công bố nhìn chung là có lợi cho người học, đặc biệt là học sinh THPT để chuẩn bị hành trang bước vào đại học và vận dụng vào cuộc sống sau khi học xong đại học.

Trong đó, việc tăng các môn tự chọn để người học được phát huy thế mạnh của mình ở môn học đó, đồng thời giảm tải chương trình các môn bắt buộc mà không quá lo ngại học sinh sẽ thiếu kiến thức tổng quát. Trên thế giới họ đã áp dụng cách này từ lâu.

Tuy nhiên, ở góc độ người dạy có khó khăn nhất định do có chồng lấn của kiến thức liên môn chứ không thể tách rời từng môn như trước đây. Điều này giáo viên không bất ngờ nhưng thực hiện cần có lộ trình để giáo viên tiếp cận phương pháp giảng dạy mới và tổ chức lớp học. Ngoài ra, trong yêu cầu nghề nghiệp sư phạm giáo viên cần chuẩn bị những kỹ năng cần thiết, nhạy bén để làm mới mình, tiếp cận các phương pháp giảng dạy mới.

Ông TRẦN ĐÌNH ĐỘ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân (TP.HCM):
Tốt cho người học, tăng việc cho giáo viên

img

Tôi tin tưởng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT vừa công bố sẽ giảm tải được chương trình, có lợi cho học sinh khi phát huy các môn học tự chọn sở trường, thay vì bắt buộc học hết các môn như trước đây.

Về mặt ý tưởng thì chương trình rất hay nhưng việc thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn và có thời gian để giáo viên thích nghi, vì lâu nay giáo viên đã quen nếp dạy cũ. Áp lực lên giáo viên sẽ nhiều hơn với việc phải đầu tư kiến thức, chuẩn bị giáo án, tổ chức lớp học, truyền đạt nhiều hơn do chương trình tích hợp.

Lâu nay xã hội hoài nghi về việc giáo dục các kỹ năng, kiến thức xã hội còn xa rời thực tế, nặng lý thuyết, ít có những hoạt động thực tiễn gần gũi cuộc sống. Lần này chương trình của Bộ tập trung vào giáo dục phẩm chất và kỹ năng, đó là điều tôi kỳ vọng.

Ông BÙI GIA HIẾU, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (TP.HCM):
Cái hay của chương trình là đưa vào môn trải nghiệm sáng tạo

img

Đọc qua chương trình, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì thấy rằng Bộ đã rất quyết tâm đổi mới, lo là những căn cứ để thực hiện dựa trên những nghiên cứu như thế nào, triết lý giáo dục là cái gì, muốn học sinh đạt được những cái gì, đổi mới lớn nhưng chỉ xây dựng trong ba năm thì có kịp hay không... Bộ cũng cần làm rõ để mọi người hiểu.

Ví dụ như môn công dân với Tổ quốc là dạy cái gì, nội dung gì là chính. Từ đó cũng kéo theo các lo lắng cho các nhà trường, giáo viên, chuẩn bị tinh thần để đổi mới như thế nào, đời sống giáo viên có được đảm bảo hơn hay không, cơ chế làm việc có tốt không, cơ sở vật chất của các trường có đáp ứng được hay không, hay là chiếc áo chật nhưng phải ôm những việc quá lớn.

Số môn học mà Bộ phân bổ là hợp lý rồi nhưng quan trọng là nội hàm của từng môn học đó như thế nào, liệu có giảm tải kiến thức, áp lực học tập so với chương trình cũ hay không. Rồi vấn đề tích hợp liên môn cũng không phải đơn giản vì cái quan trọng là chuẩn bị về mặt con người, cơ sở vật chất mới đáp ứng được.

Cô HÀ THỊ KIM LIÊN, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM):
Quan trọng là nội dung từng môn có giảm không

img

Lâu nay học sinh phải học rất vất vả, làm cho học sinh đờ đẫn, thụ động nên chương trình mới của Bộ ít nhiều đã hợp lý. Số môn học thì có giảm hoặc không giảm cũng được nhưng quan trọng nội dung học từng môn có giảm không, hay học sinh học ít môn nhưng vẫn đi học thêm ngày đêm. Vì thế, Bộ phải làm sao giảm tải kiến thức, đổi mới kiểm tra, nhất là những môn tự chọn thì mới đổi mới hiệu quả.

Theo tôi, khi học sinh lên THPT thì phải định hướng phân ban rõ ràng để các em chọn và học theo năng lực. Bởi như vậy thì trò sẽ học tập trung hơn, phát huy sự thông minh hơn.

Ở bậc phổ thông, ba môn bắt buộc là toán, văn và tiếng Anh là đúng, đây là ba môn mũi nhọn, hầu như ngành nghề nào cũng cần. Riêng môn gọi là công dân với Tổ quốc thì không cần thiết. Đây chỉ nên là môn nhiệm ý thôi, thay vì dạy các vấn đề vĩ mô thì nên dạy cho các em về giao tiếp, kỹ năng ứng xử trong cuộc sống…

Ngoài ra, nội dung học cũng cần rà soát và điều chỉnh lại, mạnh dạn bỏ những nội dung không cần thiết. Như thế vừa nhẹ cho học sinh mà giáo viên cũng có thêm thời gian để học hỏi các nội dung khác như phương pháp giảng dạy, dự giờ các lớp, tìm tòi kiến thức… Học sinh cũng được nghỉ ngơi, học chuyên sâu hơn.

img

Cần thời gian để tự học

Nếu bậc THPT chỉ còn bốn môn bắt buộc và ba môn tự chọn thì chúng em rất vui. Vì hiện tại chúng em phải học rất nhiều môn, kiến thức khá nặng nên không còn thời gian để tự học nữa. Điều chúng em cần là có nhiều thời gian hơn để tự học và rèn luyện hơn là bắt buộc học nhiều ở trường. Nếu giảm bớt môn thì chúng em sẽ có nhiều thời gian để tập trung những môn chính và tự học nhiều hơn, năng lực cũng sẽ tốt hơn. Ngoài ra, chúng em có nhiều thời gian hơn để tham gia các hoạt động xã hội, sinh hoạt CLB, đoàn đội…

Tuy nhiên, điều em lo là những môn lịch sử, địa lý mỗi công dân Việt Nam phải biết, sắp tới nếu Bộ không bắt buộc học nữa thì chắc chắn các bạn sẽ bỏ, như thế sẽ bị hỏng kiến thức những môn này. Theo em, đây là những môn học hay, cần thiết nhưng phải giảm tải kiến thức, nội dung phải cô đọng để chúng em dễ tiếp thu.

TRẦN BẢO NHƯ, học sinh Trường THPT Nguyễn Trung Trực (TP.HCM)

Hy vọng việc học sẽ nhẹ nhàng hơn

Em thấy hướng đổi mới của Bộ GD&ĐT là hợp lý và chúng em sẽ học nhẹ nhàng đi rất nhiều. Ngoài các môn chính, ai thích môn nào thì chọn môn đó để học, như vậy sẽ hiểu sâu và chắc hơn. Hiện tại em tập trung học các môn toán, văn, tiếng Anh và vật lý để định hướng thi lên đại học sau này, những môn còn lại em chỉ học vừa sức.

Theo chương trình hiện nay, chúng em phải học rất nhiều, hầu như học suốt tuần, cả ngày lẫn tối. Ngay cả những môn phụ chúng em cũng phải học thuộc nên khá nặng, không có thời gian để nghỉ ngơi và tham gia phong trào. Vì thế, nếu Bộ giảm bớt môn thì học sinh sẽ giảm áp lực rất nhiều.

Thêm vào đó, kiến thức của từng môn cũng cần giảm bớt để chúng em không phải đi học thêm nhiều như hiện nay. Như thế bọn em sẽ được tham gia nhiều hoạt động, có thời gian trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn.

THẠCH VŨ CHÂN PHƯƠNG, học sinh Trường THPT Gia Định (TP.HCM)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem