Dự thảo Luật phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai: Thiếu chế tài và phương án xử lý

Thứ tư, ngày 15/08/2012 10:17 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sáng 14.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai.
Bình luận 0

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đã thẳng thắn nêu quan điểm: “Tôi chưa thực sự hài lòng với dự luật này. Luật chủ yếu là “kể việc”, trong khi không đề cập tới những vấn đề cụ thể, như khi có việc xảy ra thì chế tài thế nào, phải xử lý như thế nào? Giả dụ trường hợp lụt lội, lũ quét, sóng thần xảy ra thì xử lý ra sao, nếu để xảy ra hậu quả thì ai chịu trách nhiệm?”.

Ông Hiển cũng không tán thành dự luật đề cập tới việc hình thành Quỹ Phòng chống thiên tai: “Vấn đề này nhiều đại biểu Quốc hội bức xúc lắm. Họ bảo tôi, anh là người “gác cửa” Quốc hội mà để luật nào cũng có quỹ. Đã có quỹ thì phải có khoản thu, mà khoản thu cũng là thuế. Hiện có rất nhiều luật, mỗi luật lại có một loại quỹ làm cho nguồn lực quốc gia bị phân tán, trong khi nhân dân phải đóng góp rất nhiều. Mà thực tế khi xảy ra việc thì vẫn phải sử dụng tới ngân sách chứ quỹ cũng không có đóng góp đáng kể”.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội - ông Nguyễn Kim Khoa lại nêu quan điểm khác với ông Hiển: “Theo tôi, việc thành lập Quỹ Phòng chống thiên tai cũng rất cần thiết. Trong trường hợp xảy ra những thảm họa, thiên tai lớn, có nhiều nơi cứu trợ, kể cả quốc tế thì cũng nên có một nơi để quản lý chặt chẽ nguồn cứu trợ. Tuy nhiên, phải có cơ chế để ràng buộc việc sử dụng quỹ này”.

Ngoài ra, đại biểu Kim Khoa cũng góp ý thêm về vai trò của lực lượng vũ trang trong trường hợp xảy ra thiên tai, bão lũ: “Dự thảo luật không nêu gì tới vai trò của lực lượng hết sức quan trọng này. Nhà nước muốn đóng vai trò chủ đạo trong xử lý thiên tai, thảm họa thì phải có lực lượng nòng cốt chứ không thể nói chung chung rằng “có sự tham gia của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị”. Phải chỉ rõ lực lượng nòng cốt chính là lực lượng vũ trang. Còn với lực lượng vũ trang, phải xác định đây là nhiệm vụ chiến đấu chứ không phải là công tác bình thường”.

Ông Khoa cũng cho rằng: “Luật phải xác định rõ vai trò trách nhiệm cũng như xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị tổ chức phòng chống thiên tai. Chẳng hạn như khi dự báo bão sai khiến ngư dân đi vào vùng bão, gây hậu quả nặng nề, chẳng thấy ai phải chịu trách nhiệm”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem