“Du thuyền” lật úp và những thứ không thể chìm

Nam Cường Thứ tư, ngày 08/06/2016 06:00 AM (GMT+7)
Con tàu thô sơ được ví là… du thuyền, thiếu hụt trang bị, không giấy phép hoạt động lại ngang nhiên chở khách rồi chìm.
Bình luận 0

Cuối cùng thì vụ lật tàu du lịch Thảo Vân 2 trên sông Hàn cũng tạm thời lắng xuống, giờ là lúc lãnh đạo thành phố Đà Nẵng ngồi lại mổ xẻ nguyên nhân, truy trách nhiệm tới từng cá nhân, đơn vị. Ngay sáng 6.6, 2 cán bộ đầu tiên đã bị “trảm”. Dư luận cho rằng, đó chưa phải là những cán bộ cuối cùng phải chịu trách nhiệm!

Nửa đêm 4.6, có mặt tại cầu cảng, đó là cái đêm mãi không bao giờ quên dù trong cuộc đời làm báo đã chứng kiến quá nhiều đau thương mất mát sau bao lần tới hiện trường những vụ tai nạn chìm tàu, bão tố của tôi… Tối hôm đó, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng có mặt đông đủ cả. Ngồi bên cạnh Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ chính là ông Nguyễn Xuân Anh – Bí thư thành ủy Đà Nẵng – một trong những lãnh đạo có mặt sớm nhất để chỉ đạo công tác cứu hộ, khắc phục hậu quả.

img

"Du thuyền" Thảo Vân đã bị lật úp trên sông Hàn tối 4.6.

Khác với thường lệ, hôm đó trông ông Xuân Anh rất buồn. Thức đêm có lẽ làm ông mỏi mệt, nhưng với riêng tôi, khi nhìn ánh mắt hụt hẫng của vị Bí thư trẻ lúc ấy, tôi nghĩ, hẳn trong ông lúc ấy là một sự thất vọng ghê gớm khi nghĩ tới thành quả gây dựng bao năm nay của lãnh đạo Đà Nẵng để xây dựng một thành phố đáng sống, nhất là ngành du lịch lại sắp bị ảnh hưởng nặng nề bởi một vụ chìm tàu.

Con tàu thô sơ được ví là… du thuyền, thiếu hụt trang bị, không giấy phép hoạt động lại ngang nhiên chở khách rồi chìm. Chìm ở đâu? Ngay trên sông Hàn, đối diện với trụ sở lãnh đạo thành phố. Có lẽ, ông Nguyễn Xuân Anh không thể ngờ được rằng, cán bộ cấp dưới của mình lại có thể buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm đến mức ấy.

Chưa nói ngay tối 4.6, nhưng đến sáng 6.6, làm việc với ngành Công an thành phố, Bí thư Nguyễn Xuân Anh đã nhắc nhở: “Vụ chìm tàu đã gây tiếng xấu cho ngành du lịch mà thành phố Đà Nẵng gây dựng bấy lâu nay…”. Nghĩ đến ánh mắt ông Xuân Anh, người đứng đầu thành phố lo lắng cho một Đà Nẵng bị ảnh hưởng, bị mang tiếng xấu trong tương lai gần, tôi lại phải nhớ đến điệu cười của ông Lê Văn Trung – Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng ngay thời điểm gần kết thúc cuộc họp báo trưa 5.6.

Thời điểm ấy, khi PV báo NTNN đặt câu hỏi về trách nhiệm của ông Trung – tư lệnh ngành giao thông ở Đà Nẵng, ông Trung đã… mỉm cười. Ngay sau đó, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ “đỡ lời”, rằng với tư cách là lãnh đạo thành phố, ông chịu trách nhiệm trả lời mọi câu hỏi của báo chí, việc trách nhiệm sẽ được mổ xẻ sau. Và cũng chỉ sau mấy chục tiếng đồng hồ, cuộc họp sáng 6.6, đích thân ông Thơ đã truy gắt Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Trung: “Ông Trung đưa ông Sáu lên vị trí này là tôi thấy không được rồi. Giám đốc Cảng vụ không làm hết trách nhiệm. Không ai có thể giao sinh mạng hàng nghìn người cho một người thiếu trách nhiệm như vậy được”. Đưa một cán bộ thiếu trách nhiệm làm việc, vậy thì ông Lê Văn Trung đã làm tròn trách nhiệm của mình hay chưa?

Nhiều người nói rằng, “sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua” nhưng một sự răn đe, cảnh tỉnh cho mọi người, hãy tự bảo vệ chính mình và người thân trước. Đúng! Nhưng chưa đủ. Và tai nạn có thể là hy hữu, bởi ai ngờ được, dòng sông Hàn êm dịu đêm ấy lại lật úp một chiếc “du thuyền”. Chính sự quá tải, trang bị thô sơ, làm ăn nhốn nháo ấy đã giết chết 3 mạng người. Và nếu không có sự cứu hộ kịp thời, hậu quả chưa biết sẽ thảm khốc như thế nào. Vì sao tàu như thế, không phép vẫn ngang nhiên chở khách? Câu hỏi này, dưới lăng kính của một luật sư là “không quá khó để trả lời, tuy nhiên tất cả phải dựa vào kết quả của công an điều tra”. (LS Đỗ Pháp – Trưởng VP LS Đỗ Pháp, Đà Nẵng).

Thời gian rồi sẽ xoa dịu nỗi đau, người ta sẽ quên đi tai nạn, du khách vẫn đến Đà Nẵng vui chơi, đi thuyền, bởi thành phố bên sông Hàn là địa chỉ đẹp,  thành phố đáng sống, niềm tự hào bấy lâu nay của người dân Đà Nẵng. Lật thuyền chỉ là tai nạn, nhưng cũng chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho bất kỳ địa phương nào đang kinh doanh loại hình du lịch này, là sự thức tỉnh lương tri cho những tài công, chủ tàu vì tiền bất chấp tất cả.

Nếu vẫn còn những cán bộ vô trách nhiệm, buông lỏng quản lý, nước mắt của dân sẽ còn tuôn rơi. Một con thuyền đã chìm, những sinh mạng vô tội đã bị cướp đi, nhưng có những thứ không thể và không bao giờ được phép chìm theo dòng nước. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem