Clip: Múa sạp của người Thái Trắng xóm Nhót, xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.
Múa sạp - điệu múa dân gian đặc sắc của người Thái Trắng Mai Châu, Hòa Bình
Trao đổi với PV Dân Việt, chị Hà Thị Nhất, xóm Nhót (xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) cho biết: Điệu múa sạp bắt nguồn từ các công việc trong đời sống hàng ngày của đồng bào người dân tộc Thái Trắng ở Mai Châu.
Theo chị Nhất, trước đây, múa sạp chỉ được tổ chức trong các ngày lễ, Tết. Tuy nhiên, khoảng 6, 7 năm trở lại đây, khách du lịch bắt đầu đến tham quan các bản, làng của Mai Châu nên cứ vào thứ Bảy, Chủ nhật, bà con lại tổ chức múa sạp để du khách trải nghiệm. Qua đó, góp phần giữ gìn và quảng bá bản sắc văn hoá của đồng bào Thái Trắng nơi đây.
Theo đó, để tổ chức múa sạp, cần chuẩn bị 2 chiếc sạp cái (cây tre lớn thẳng, chắc), 2 đầu được buộc thêm gạch hoặc đá để cố định. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị nhiều sạp con bằng nứa hoặc tre có chiều dài từ 3m - 4m.
Từng cặp sạp con đặt song song tạo thành một dàn sạp; 2 chiếc sạp cái đặt cách nhau một khoảng rộng đủ để gác hai đầu các cây sạp con, từng cặp sạp con đặt song song, cách đều nhau chừng hai gang tay, tạo thành dàn sạp.
Người tham gia múa sạp sẽ chia ra làm 2 tốp: Tốp 1 sẽ đảm nhận nhiệm vụ đập sạp và tốp 2 là nhảy sạp. Với tốp nhảy sạp đòi hỏi cách nhảy sạp vừa đúng nhịp điệu, tiết tấu vừa phải có những động tác khéo léo của tay chân nếu không sẽ dẫm lên sạp và làm hỏng cả bài múa.
Người tham gia nhảy sạp thường là một vài chị em phụ nữ trong bản và du khách; các chị em phụ nữ người Thái Trắng sẽ cầm tay và hướng dẫn du khách nhảy sao cho không dẫm lên sạp. Ở hai đầu một cặp sạp con sẽ có 2 người ngồi và gõ theo nhịp 4/4, cứ 3 lần gõ lên sạp cái thì một lần gõ hai sạp con vào nhau tạo ra âm thanh tùng… cắc…cắc… tùng… liên tiếp.
Những người đập sạp phải đều tay, tốc độ ban đầu chậm để du khách dễ dàng nhập cuộc nhưng sau đó có thể nâng dần lên để thu hút thêm du khách. Người múa lần lượt từng cặp với du khách nhảy vào dàn sạp, chị em phụ nữ người Thái mỗi người cầm một chiếc khăn múa dài, khi tung lên, khi uốn lượn quanh người.
Chị Nguyễn Lan Hương - du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: "Lúc đầu nhìn cũng hơi sợ nhưng khi được người dân cầm tay và hướng dẫn cách nhảy, mình thấy điệu múa này rất thú vị. Động tác nhảy, múa nhẹ nhàng, uyển chuyển khiến cuộc vui kéo dài không biết chán, cuốn hút mọi người tham gia".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.