Sản lượng cá lồng nuôi cao gấp 5 lần cá khai thác, hàng ngàn hộ chăn nuôi ở lòng hồ Hòa Bình đều có lãi

Thứ ba, ngày 10/01/2023 18:51 PM (GMT+7)
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình, từ đầu năm đến nay, giá bán các loại cá khá ổn định, như cá trắm đen bán tại lồng từ 150 - 180 nghìn đồng/kg, bán theo chuỗi trên 200 nghìn đồng/kg; cá lăng dao động từ 110 - 150 nghìn đồng/kg. Với mức giá cá như vậy, dù giá thức ăn tăng cao nhưng người nuôi cá vẫn có lãi.
Bình luận 0

Sau 2 năm (2020 - 2021) gặp khó khăn do dịch bệnh, năm 2022, nghề nuôi cá lồng trên vùng hồ Hòa Bình đã khôi phục và phát triển tương đối ổn định.

Việc ngăn sông Đà để xây dựng công trình thế kỷ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã tạo nên vùng lòng hồ rộng lớn, với cảnh sắc sông núi hùng vĩ.

Cũng từ đây một nghề mới đã hình thành, đem lại cuộc sống ngày càng ấm no, đủ đầy cho khoảng 2 nghìn hộ dân sống ven hồ. Đó là nghề nuôi cá lồng trên vùng hồ thủy điện Hòa Bình. 

Theo đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình, nghề nuôi cá lồng bắt đầu phát triển từ thời điểm hình thành vùng lòng hồ thủy điện. Ban đầu chủ yếu nuôi tự phát để cải thiện, lồng cá làm từ bương, tre. 

Mặc dù Nhà nước đã có các chính sách khuyến khích phát triển nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS), như hỗ trợ về cá giống, nhưng phải đến giai đoạn 2010 - 2015, nghề nuôi cá lồng trên vùng hồ Hòa Bình mới thực sự phát triển mạnh.

Sản lượng cá lồng nuôi cao gấp 5 lần cá khai thác, hàng ngàn hộ chăn nuôi ở lòng hồ Hòa Bình đều có lãi - Ảnh 1.

Năm 2022, nghề nuôi cá lồng trên vùng hồ Hòa Bình phát triển ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh chụp tại xã Hiền Lương (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình).

Theo đồng chí Chi cục trưởng, lúc đầu, một số doanh nghiệp đi tiên phong nuôi cá lồng trên vùng hồ Hòa Bình. 

Bà con nhận thấy hiệu quả kinh tế cao nên dần chuyển sang nuôi cá lồng. Đặc biệt, khi Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 13/6/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình, giai đoạn 2014 - 2020 ra đời đã tạo bước ngoặt lớn thúc đẩy nghề nuôi cá lồng phát triển. 

Theo Nghị quyết số 12, các hộ dân nuôi cá lồng được hỗ trợ 25 triệu đồng/lồng cá. Từ sự hỗ trợ này, nhiều hộ dân phát triển nghề nuôi cá lồng đem lại hiệu quả kinh tế ổn định. Cùng với đó, những năm qua, ngành chức năng của tỉnh, các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ tập huấn kỹ thuật cho hộ dân nuôi cá.

Trong 2 năm (2020 - 2021), người nuôi cá gặp khó khăn "kép” vì tình trạng cá chết do ảnh hưởng của lũ tiểu mãn và mực nước xuống thấp mùa cạn; khó khăn trong khâu tiêu thụ, giá thức ăn tăng cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Năm 2022, nghề nuôi cá lồng đã phục hồi mạnh mẽ, sản lượng tăng, tiêu thụ thuận lợi với giá bán ổn định. 

Theo đó, năm 2022, diện tích NTTS trên địa bàn tỉnh Hòa Bình duy trì ổn định trên 2.700 ha, với 4.890 lồng cá nuôi, sản lượng 12.170 tấn (2.020 tấn cá khai thác, 10.150 tấn cá nuôi trồng). Các giống cá được nuôi chủ yếu trên vùng lòng hồ Hòa Bình gồm: nheo Mỹ, chiên, lăng, diêu hồng, chép, trắm đen, cá bỗng, cá tầm, trắm cỏ, rô phi, chim trắng, trê lai.

Hiện nay, có khoảng 2.000 hộ dân duy trì nghề nuôi cá lồng, có những hộ sở hữu hàng chục lồng cá, tập trung ở các huyện: Mai Châu, Đà Bắc, Cao Phong, TP Hòa Bình. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình, từ đầu năm đến nay, giá bán các loại cá khá ổn định, như cá trắm đen bán tại lồng từ 150 - 180 nghìn đồng/kg, bán theo chuỗi trên 200 nghìn đồng/kg; cá lăng dao động từ 110 - 150 nghìn đồng/kg. Với mức giá như vậy, dù giá thức ăn tăng cao nhưng người nuôi cá vẫn có lãi.

Trong số các địa phương, huyện Đà Bắc đã, đang phát triển nghề nuôi cá lồng ổn định. Năm 2022, diện tích NTTS trên địa bàn huyện 96,6 ha, 2.252 lồng cá. Nghề nuôi cá lồng tập trung nhiều tại các xã: Hiền Lương, Vầy Nưa, Tiền Phong, Đồng Ruộng. 

Đồng chí Bùi Khắc Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) cho biết: Sau những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, trong năm 2022, nghề nuôi cá lồng từng bước khôi phục. Một trong những điểm mới trong phát triển nuôi cá lồng trên địa bàn huyện là nuôi cá kết hợp phát triển du lịch cộng đồng. 

Các hộ làm du lịch phối hợp hộ nuôi cá tổ chức cho du khách thăm quan, trải nghiệm, thưởng thức các sản phẩm từ cá do chính bà con địa phương nuôi trồng.

Đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: Nuôi cá lồng kết hợp phát triển du lịch cũng là hướng đi được chú trọng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, ngành tập trung tham mưu cho tỉnh thực hiện một số chính sách về phát triển nghề NTTS. Trong đó, vấn đề quy hoạch lại các khu vực nuôi trồng được chú trọng. 

Bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2022, ngành cũng đã chỉ ra những hạn chế đối với nghề NTTS trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Như tỷ trọng ngành thủy sản tăng khá song giá trị còn thấp và thiếu bền vững; quy mô sản xuất nhỏ, phân tán; sản xuất theo chuỗi quy mô còn nhỏ, tỷ lệ chuỗi được xác nhận chưa cao; diện tích ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều; năng lực cạnh tranh của sản phẩm thủy sản chưa cao, công tác dự báo thị trường hạn chế nên sản xuất còn gặp nhiều rủi ro.

Viết Đào (Báo Hòa Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem