Đưa cá lên núi

Thứ sáu, ngày 02/07/2010 12:48 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo đánh giá của các chuyên gia nuôi trồng thủy sản, chất đất, khí hậu, đặc biệt là nguồn nước sạch ở Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) rất phù hợp để phát triển nuôi cá nước ngọt, nhất là cá da trơn.
Bình luận 0
img
Người dân nuôi cá tại hồ Hàm Thuận

Huyện Hàm Thuận Bắc rất chú trọng đưa con cá nước ngọt lên nuôi ở các xã vùng đồng bào thiểu số xa xôi. Điển hình ở xã La Dạ (Hàm Thuận Bắc) đã tổ chức quyên góp vốn từ các hộ khá giả mua hàng trăm ngàn con cá giống về nuôi. 3 năm qua, La Dạ đã đánh bắt trên 15 tấn cá, cung cấp cho bà con trong xã. Đồng bào không còn phải đi chợ xa hàng chục cây số (20km) để mua con cá, con tôm về ăn nữa.

Hai huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc hàng năm phát triển diện tích nuôi thủy sản nước ngọt khoảng 520ha; sản lượng đánh bắt đạt 220 tấn; cung cấp một phần thực phẩm cho nhân dân trong và ngoài tỉnh Bình Thuận.

Gia đình anh Trần Tĩnh ở thôn Phú Thái, xã Hàm Trí (Hàm Thuận Bắc), đã xây dựng 2 ao nuôi với diện tích 2.400m2. Anh Tĩnh đã thả các loại cá tra, chép, rô phi đơn tính... và áp dụng theo kỹ thuật do Trung tâm Khuyến ngư tỉnh tập huấn, nên cá nuôi chóng lớn. Bình quân mỗi năm thu hoạch 2,5 - 3 tấn cá, thu lợi trên 50 triệu đồng.

Không những thế, quanh bờ ao anh còn trồng 2.000 trụ thanh long để tận dụng nguồn nước tưới từ ao và nuôi 8 - 15 con heo thịt, lấy phân cung cấp một phần thức ăn cho cá.

Thấy được tiềm năng ở vùng đất này, nhiều công ty lớn cũng bắt tay “đưa” con cá lên núi nuôi. Điển hình là Công ty cổ phần Bình An Đại Ninh đã thí điểm nuôi thành công, thu về trên 60 tấn cá tra. Còn tại hồ Hàm Thuận- Đa Mi, Công ty cổ phần Tầm Long đã nuôi thành công loài cá tầm, chuyên sống trong vùng nước lạnh, đang mở ra một triển vọng mới cho nghề nuôi trồng thủy sản ở Bình Thuận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem