Một loại quả khô giàu dinh dưỡng bất ngờ tăng giá tốt ở Tiền Giang, nhà nào bán là trúng

Hoàng An (Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang) Thứ hai, ngày 16/09/2024 07:49 AM (GMT+7)
Tại huyện Chợ Gạo, vùng chuyên canh dừa lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, thương lái đến thu mua dừa khô với giá từ 80.000 - 110.000 đồng/chục (12 trái), giá dừa khô tăng so với thời điểm cách đây vài tháng
Bình luận 0

Ông Bùi Văn Toàn ở xã Bình Ninh vừa thu hoạch 0,8 ha dừa được 1.400 trái, bán được giá 100.000 đồng/chục, lợi nhuận thu được hơn 11,6 triệu đồng.

Huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang hiện có gần 8.000 ha dừa, trong đó, diện tích dừa đang cho trái 7.035 ha. 

Theo các nhà vườn trồng dừa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, cây dừa không đòi hỏi công chăm sóc và chi phí đầu tư (phân bón, thuốc trừ sâu) như những loại cây trồng khác nên với giá bán trung bình từ 50.000 đồng/chục trở lên là nông dân đã có lợi nhuận tương đối ổn định.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, một số vườn dừa ở các xã Xuân Đông, Hòa Định, An Thạnh Thủy… của huyện Chợ Gạo nhiễm dịch sâu đầu đen, gây ảnh hưởng thiệt hại đến 2.42,39 ha, trong đó có 6,58 ha với 1.209 cây bị đốn bỏ do nhiễm nặng. 

Dừa khô, loại quả khô giàu dinh dưỡng bất ngờ tăng giá tốt ở Tiền Giang, nhà nào bán là trúng đậm - Ảnh 1.

Dừa khô, loại quả khô giàu dinh dưỡng bất ngờ tăng giá tốt ở Tiền Giang, nhà nào bán là trúng đậm - Ảnh 2.

Giá dừa khô bắt ngờ tăng giá tốt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giúp nông dân trồng dừa huyện Chợ Gạo có cơ hội tăng thu nhập. Việc thúc đẩy ký kết Nghị định thư xuất khẩu dừa chính ngạch sang Trung Quốc sẽ giúp mặt hàng này có cơ hội vượt mốc 1 tỷ USD.

Để kiểm soát và tiêu trừ dịch sâu đầu đen, Ủy ban nhân dân huyện Chợ Gạo đã chỉ đạo ngành chức năng điều tra diện tích nhiễm bệnh, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn người dân triển khai quy trình tạm thời phòng, chống sâu đầu đen hại dừa.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp vận động người dân phun xịt những vườn dừa bị nhiễm nhẹ; đốn bỏ và tiêu hủy những vườn dừa có sâu đầu đen gây hại nặng và không có khả năng phục hồi.

Đồng thời, cán bộ nông nghiệp khuyến khích chủ vườn dừa nuôi ong ký sinh, gia tăng mật số ong ký sinh để phóng thích trong thời gian tới, nhằm quản lý hiệu quả sâu đầu đen trong thời gian dài trên đối tượng sâu hại này bằng biện pháp sinh học bền vững và an toàn, ngăn chặn sự lây lan của sâu đầu đen sang diện rộng.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tập huấn, phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang tổ chức tập huấn hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu đầu đen hại dừa 18 cuộc với 540 người tham dự.

Nhằm phát huy tiềm năng cùng thế mạnh cây dừa trong nền nông nghiệp hàng hóa, Ủy ban nhân dân huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 11/01/2022 về phát triển vùng sản xuất chuyên canh cây dừa đến năm 2025 cùng những năm tiếp theo. 

Địa phương khuyến khích nông dân thay đổi tập quán, ứng dụng rộng rãi khoa học - kỹ thuật nông nghiệp thâm canh đồng thời chuyển đổi sang trồng dừa hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng cùng giá trị sản phẩm dừa trên thị trường. 

Trên địa bàn huyện hiện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) có 78 tổ hợp tác, 6 hợp tác xã, 4 doanh nghiệp và 30 cơ sở thu mua, sơ chế sản phẩm có liên quan từ trái dừa.

Nhằm đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 4.000 ha dừa sản xuất hữu cơ, đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo đã khảo sát được 242 ha tại xã Bình Ninh, Xuân Đông, Hòa Định.

Sau nhiều bước tiến hành, huyện đã chọn những hộ đủ điều kiện để thực hiện dự án trước. Đơn vị tư vấn đã đi khảo sát để đánh giá với diện tích 109,6 ha dừa tại xã Bình Ninh là 16,86 ha, xã Xuân Đông là 51,43 ha, xã Hòa Định là 41,32 ha.

Một trong những điều kiện thuận lợi cho phát triển tiềm năng cây dừa ở tỉnh Tiền Giang là Công ty Cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang đã đầu tư nhà máy chế biến trái cây cùng các sản phẩm từ trái dừa tại xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo với công suất chế biến 300.000 trái dừa/ngày đêm, sẵn sàng bao tiêu dừa hữu cơ cho nông dân.

Theo thống kê, tổng diện tích dừa của tỉnh Tiền Giang hiện nay là 21.654 ha, với diện tích cho trái là 18.116 ha, năng suất đạt 13,5 tấn/ha, sản lượng 244.115 tấn/năm. 

Từ năm 2015 đến nay, diện tích dừa đã tăng 5.749 ha, với tốc độ tăng trưởng diện tích trung bình 4,5%/năm. Theo thống kê, khi cây dừa vào giai đoạn cho thu hoạch ổn định, nhà vườn trồng dừa thu lợi nhuận trung bình khoảng 91,2 triệu đồng/ha/năm.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết: Để khai thác tiềm năng phát triển của cây dừa, ngành Nông nghiệp sẽ kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh cho chủ trương để phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương xây dựng đề án phát triển cây dừa trên địa bàn tỉnh. 

Trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang sẽ thành lập các hợp tác xã để người dân trồng dừa phải tham gia hợp tác xã và liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Các sở, ngành liên quan sẽ hỗ trợ các hợp tác xã, người dân trồng dừa xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ...

Hơn nữa, việc thúc đẩy ký kết Nghị định thư xuất khẩu dừa chính ngạch sang Trung Quốc sẽ giúp mặt hàng này có cơ hội vượt mốc 1 tỷ USD trong thời gian tới cũng như tạo ra cơ hội "ăn nên làm ra" cho các địa phương chủ lực về cây dừa, trong đó có tỉnh Tiền Giang.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem