Đưa loại rau dại dưới nước lên cạn trồng, một nữ nông dân Sài Gòn hái không kịp bán

Trần Đáng Thứ tư, ngày 03/08/2022 06:18 AM (GMT+7)
Rau nhút - loại rau dại thường sống nổi trên mặt nước hoặc vùng nước chảy chậm, thế nhưng chị Nguyễn Thị Kim Xuân (xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn, TP.HCM) đã quyết định trồng rau nhút trên cạn bằng công nghệ cao, bất ngờ hái không kịp bán.
Bình luận 0

Rau nhút là một loại rau dại ở dạng mọc bò trong vùng đất ẩm ướt gần các vùng nước hoặc nổi trên mặt nước trong những vùng nước chảy tương đối chậm. 

Hiện, chị Xuân đang trồng loại rau dại này trong 2.000 thùng xốp trên mảnh vườn rộng 4.000m2.

Tuyệt chiêu đưa loại rau dại dưới nước lên cạn trồng, nữ nông dân Sài Gòn hái không kịp bán - Ảnh 1.

Trồng loại rau dại trên cạn cho ra sản phẩm đạt chất lượng cao. Ảnh: Trần Đáng

Trồng loại rau dại trên cạn thành bại do dinh dưỡng

Trên mảnh đất rộng 4.000m2 những chiếc thùng xốp dùng để trồng loại rau dại nhút trắng phau được xếp dài thẳng tắp. Tại đây có 4 khu đang trồng rau nhút. Các khu này được tính toán trồng "gối đầu" với nhau để có thu hoạch rau nhút bán hàng ngày.

Hiện, trong vườn, có khu rau nhút mới xuống giống. Khu trồng lâu nhất, rau nhút đã bò lên giàn lưới hình chữ A cao ngang ngực. Những cộng rau nhút to bằng ngón tay út, non mơn mởn, với những lóng dài thượt vươn mình trong nắng.

Thay vì trồng loại rau dại dưới nước như truyền thống, chị Xuân trồng rau nhút trong những chiếc thùng xốp bằng công nghệ cao của Israel. Theo đó, giá thể trong mỗi thùng xốp là bùn sềnh sệch. Mỗi thùng xốp chị Xuân trồng 10 gốc rau nhút.

Cả khu vườn trồng rau nhút được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp dinh dưỡng cho cây. Bên cạnh đó, vườn rau nhút còn được trang bị hệ thống tưới nước phun sương.

Clip: Chị Nguyễn Thị Kim Xuân (xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn, TP.HCM) chia sẻ kinh nghiệm trồng loại rau dại trên cạn.

Ngoài ra, chị Xuân còn làm giàn leo hình chữ A để cọng rau nhút khi phát triển không tiếp xúc với đất, hạn chế chiếm diện tích đất và tăng hiệu suất thu hoạch.

Điều quan trọng nhất khi trồng rau nhút trên cạn là chế độ dinh dưỡng cho rau. Theo chị Xuân, chị đang dùng công thức dinh dưỡng bởi hỗn hợp hơn chục loại phân bón. Các loại phân bón được tính toán với tỷ lệ khác nhau.

Hỗn hợp dinh dưỡng này sẽ được bón cho rau nhút ít, nhiều tùy vào độ tuổi trồng. Mục tiêu là cho ra loại rau nhút có mùi thơm, độ giòn, độ ngọt tuyệt hảo nhất.

Theo chị Xuân, vì ứng dụng công nghệ cao nên trồng rau nhút rất nhàn. Trong quá trình trồng, mất công nhất là khâu gác rau nhút lên giàn leo và thu hoạch.

Do bản thân rau nhút chống được sâu rầy, nên trong quá trình trồng hầu như chị Xuân không sử dụng thuốc trừ sâu.

Rau nhút trồng được khoảng 5 tuần cho thu hoạch. Khi thu hoạch, nhân công chỉ hái phần ngọn dài 20-25cm. Phần cọng rau nhút còn lại sẽ phân nhiều cọng khác cho thu hoạch sau này.

Tuyệt chiêu đưa loại rau dại dưới nước lên cạn trồng, nữ nông dân Sài Gòn hái không kịp bán - Ảnh 4.

Chị Nguyễn Thị Kim Xuân (xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn, TP.HCM) chăm sóc vườn trồng rau nhút trên cạn. Ảnh: Trần Đáng

"Rau nhút trồng trên cạn hái sao ăn vậy, không như trồng theo truyền thống là hái cọng dài rồi sơ chế bỏ đi 2/3", chị Xuân chia sẻ.

Trồng loại rau dại trên cạn hái không kịp bán

Hiện, khu vườn trồng rau nhút trên cạn của chị Xuân đã cho thu hoạch. Theo chị Xuân, nếu thu hoạch lần đầu mỗi thùng xốp chỉ cho 10 ngọn rau nhút, thì lần sau sẽ cho sản lượng gấp nhiều lần. Cứ khoảng 70 ngọn rau nhút được 1kg.

Hiện, giá rau nhút chị Xuân đang giao cho các nhà hàng là 50.000 đồng/kg, trong khi giá rau nhút thường bán ở chợ là 30.000 đồng/kg.

Tuyệt chiêu đưa loại rau dại dưới nước lên cạn trồng, nữ nông dân Sài Gòn hái không kịp bán - Ảnh 5.

Trồng rau nhút trên cạn cho cọng rau nhút to, dài hơn cách trồng truyền thống. Ảnh: Trần Đáng

Hằng ngày, rau nhút sau khi thu hoạch sẽ được khách hàng đến tận vườn lấy. Hoặc, chị Xuân phải đi giao hàng cho khách. "Các nhà hàng đang rất ưa chuộng sử dụng rau nhút của tôi vì mua sao dùng vậy, không phải mất công sơ chế để bỏ đi 2/3 lượng rau nhút thừa như sử dụng rau nhút thường. Thêm vào đó, chất lượng rau nhút trồng trên cạn cũng ăn đứt rau nhút trồng truyền thống", chị Xuân thổ lộ.

Chị Xuân cho biết, hiện khách hàng của chị là các nhà hàng trong thành phố. Thị trường còn rất rộng cho cây rau nhút chị đang trồng. "Tôi sẽ mở rộng thêm diện tích trồng rau nhút trên cạn", chị Xuân nói.

Tuyệt chiêu đưa loại rau dại dưới nước lên cạn trồng, nữ nông dân Sài Gòn hái không kịp bán - Ảnh 6.

Trồng rau nhút trên cạn chỉ là một phần kế hoạch làm nông sản chất lượng cao của chị Nguyễn Thị Kim Xuân (xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn, TP.HCM). Ảnh: Trần Đáng

Cũng theo chị Kim Xuân, trồng rau nhút trên cạn chỉ là một phần trong kế hoạch thử nghiệm tìm kiếm những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Hiện, chị Xuân đã trồng thử nghiệm thành công với sản phẩm ớt Peru và dâu tây. "Kế hoạch là sẽ trồng đại trà những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao này trong cùng một nông trại", chị Xuân bộc bạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem