Đưa mùa xuân đến những mảnh đời khốn khó

Thứ tư, ngày 18/01/2012 06:02 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Là tờ báo của nông dân, Báo NTNN luôn sát cánh cùng bà con với tinh thần lá lành đùm lá rách, góp chút hương vị tết cho người nghèo" - ông Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo NTNN chia sẻ tại buổi trao 340 suất quà tết cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện K và Viện Huyết học truyền máu T.Ư ngày 17.1.
Bình luận 0

340 suất quà tết cho bệnh nhân nghèo này do cán bộ công nhân viên của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và báo Nông thôn Ngày nay phối hợp tổ chức trao cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện K và Viện Huyết học truyền máu T.Ư.

Đón xuân trong viện

Trần Văn Chiến (Việt Xuyên, Thạch Hà, Hà Tĩnh) mới sống vui được 16 mùa xuân. Nhưng xuân này, em phải đón Tết trong Viện Huyết học truyền máu T.Ư. Thân hình gầy gò của em nằm dính trên giường bệnh với cánh tay chi chít vết bầm tím do kim tiêm, nước da trong suốt. Em đang học lớp 11 thì thường xuyên bị ngất xỉu, xuất huyết ngoài da, đưa lên viện, bác sĩ chẩn đoán em bị suy tủy, tức bị ung thư máu.

img
Tổng Biên tập báo NTNN Lưu Quang Định tặng quà tết cho bệnh nhân nghèo ở Viện K.

Theo TS Nguyễn Triệu Vân - Trưởng phòng Quản lý chương trình, dự án và đối ngoại, bệnh của Chiến sẽ không bao giờ khỏi, chỉ có thể điều trị bằng cách truyền máu, truyền tiểu cầu, truyền hóa chất để kéo dài thời gian sống. Mỗi tháng phải tái khám và điều trị một lần. Điều đó có nghĩa phần lớn cuộc đời của em sau này phải ở trong BV.

Mỗi đợt điều trị của Chiến tốn từ 50-60 triệu đồng, cho dù gia đình em thuộc diện nghèo, chỉ phải đóng 5% tiền viện phí thì số tiền 3-5 triệu đồng mỗi tháng cũng quá tải với gia đình em.

"Tôi sinh được 3 con, hai con gái lớn đã lấy chồng xa, còn mỗi đứa con trai ở bên để yêu thương, hy vọng. Vậy mà trời không thương. Gia đình có gì bán cũng sẽ bán để điều trị cho con. Chỉ sợ đến lúc chẳng còn gì mà bán…" - người mẹ run run vuốt tóc con, giọng chỉ chực vỡ òa.

Chiến mỉm cười - nụ cười trong trẻo, ngây thơ khi tôi chụp ảnh, nhưng em vẫn bảo: "Chị đừng chụp ảnh em, em không muốn bạn bè nhìn thấy em ốm yếu như vậy". Bên gối của em, tôi còn nhìn thấy chiếc áo khoác đồng phục mang dòng chữ Trường THPT Lương Thế Vinh như mơ ước của em được trở về đi học với bạn bè…

Chiến là 1 trong những số phận khó có thể về sum họp, đón Tết cùng gia đình tại Viện Huyết học truyền máu T.Ư. TS Vân cho biết, viện còn hơn 500 bệnh nhân chưa thể ra viện do gần Tết, lượng máu cần có để truyền cho bệnh nhân không đủ. Các bệnh nhân có được về nhà ăn tết hay không phải trông chờ rất nhiều vào sự tình nguyện hiến máu của mọi người.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (Tu Vũ, Thanh Thủy, Phú Thọ) mới 27 tuổi nhưng "ra vào" viện đã được 4 năm. Chị bị bệnh bạch cầu cấp, phải thường xuyên truyền máu và tiểu cầu. Hai vợ chồng đều làm ruộng, từ khi chị bị ốm, gánh nặng gia đình dồn lên vai chồng. "Giờ này vẫn còn nằm đây, tiêu hết cả tiền ăn tết của gia đình, lòng em như lửa đốt. Món quà 300.000 đồng được tặng, em sẽ dành để mua cho con trai em bộ quần áo mới" - chị Hạnh nở nụ cười héo hắt.

Ấm tình người

Hai người đàn bà đơn thân cùng ở quê hương 5 tấn dựa vào nhau thở dốc. Bà Nguyễn Thị Quy (54 tuổi, An Ninh, Tiền Hải, Thái Bình)phát hiện ra ngực mình có khối u lớn đã 5-6 tháng nay, nhưng đến giờ mới gom góp đủ tiền để lên Bệnh viện K khám. U vú của bà đã có di căn, cần phẫu thuật gấp để xạ trị. Số tiền bà có cũng đã tiêu vào tiền viện, tiền thuốc, tiền ăn. Hai tháng nay, bà sống bằng lòng hảo tâm của mọi người.

Còn bà Phạm Thị Sung (64 tuổi, Đông Vinh, Đông Hưng, Thái Bình) bị tàn tật từ nhỏ, cũng bị ung thư vú. 3 lần xạ trị liên tục đã vét sạch số tiền còm cõi bà có được, vét nốt cả chút sức tàn của bà. Hai người cùng quê, cùng cảnh, cùng bệnh, cô độc, côi cút nay trở thành bạn của nhau, chìa cho nhau bàn tay lúc cơn đau xé thịt, lúc buồn rơi nước mắt…

"Mỗi người chỉ bớt tiêu một chút là có thể cứu giúp được nhiều cuộc đời"

Bác Phạm Công Quế, 75 tuổi (Mỹ Hương, Lương Tài, Bắc Ninh) bị ung thư vòm họng cũng nghẹn lòng vì bệnh nặng, nhà nghèo. Chị Vũ Thị Hiệu đã bao năm làm ruộng nuôi chồng bị bệnh thần kinh, giờ lại bị ung thư trực tràng…

Phòng họp của BV K chật như nêm khi đại diện của Báo NTNN và Ngân hàng BIDV đến trao quà tết. Những gương mặt già nua, mệt mỏi và đau đớn. Trên tay, trên cổ nhiều người vẫn có những miếng băng dính rớm máu, dấu vết của đợt truyền dịch vừa xong. 200 bệnh nhân - 200 số phận nhưng đều có điểm chung vô cùng đau đớn: Nhà nghèo - bệnh trọng.

"Đây là một trong những bệnh viện có bệnh nhân ở lại ăn tết lớn nhất cả nước do các bệnh nhân mắc bệnh nặng, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, không có cả tiền tàu xe để về quê" - ông Lê Văn Quân - Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem