Đua nhau phá rừng: “Độc chiêu” phá rừng

Thứ ba, ngày 29/05/2012 07:21 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mấy năm nay, người dân Mo Ray cứ ngơ ngác nhìn rừng về phố. Chính quyền bảo đó là gỗ tận thu ở rừng nghèo kiệt. Người dân cũng tin vậy nhưng điều bí ẩn chưa được lý giải là gỗ rừng nghèo sao chở hoài chẳng cạn?
Bình luận 0

Rừng “Thạch Sanh”

So với trước đây, đường vào Mo Ray rộng rãi hơn nhờ việc mở mang QL 14C. Đó lẽ ra phải là niềm vui lớn nhưng người dân ở đây lại tặc lưỡi: “Đừng có đường sướng hơn”.

img
Ông KSor Trào chốc chốc lại bảo: “Đường lên rừng bây giờ rộng như đường phố, chúng phá hết rồi”.

Quả vậy, dù đi bằng xe máy nhưng lộ 14C vào Mo Ray lại chật hẹp vô cùng bởi những chiếc xe tải vội vã vào, ì ạch ra liên tục chắn hết lối. Không chỉ thế, chúng còn khiến con đường dù giữa ban ngày cũng trở nên mù mịt bởi bụi đất.

Ông KSor Trào (thôn trưởng làng Tang) than thở: “Mấy năm nay, ngày nào cũng vậy đấy. Chẳng ai có thể đếm nổi mỗi ngày có bao nhiêu chiếc xe tải chở gỗ đi qua con đường này”. Cái tên được ông Trào nhắc đến như một sự ám ảnh là Hoàn Con (người của công ty Duy Tân, công ty Sâm Ngọc Linh). “Hoàn Con không khai thác chỗ cho làm (nơi triển khai dự án trồng cao su- PV) mà lợi dụng chuyện đó đi chỗ khác để lấy gỗ”.

Hỏi vì sao biết, ông Trào khẳng định: “Biết chứ sao không? Rừng của dân bảo vệ mà. Toàn là rừng phòng hộ, rừng già, cây to, gỗ lớn đến mét rưỡi, mét hai (ý nói đường kính - PV)”. Hỏi mỗi ngày có bao nhiêu xe chở ra, ông Trào: “Ối giời ơi! Nhiều, toàn gỗ to”.

Ông Trào cũng cho biết, hiện Công ty Duy Tân khai thác 2 hướng ở Ia Tri và Ia Mô. Ông A Dôi - thôn trưởng làng Le, cũng thốt lên: “Ôi nhiều lắm, chưa hết đâu. Toàn là gỗ nhóm I. Nó chở 2 năm nay rồi mà vẫn chưa hết. Cái đấy của Công ty Duy Tân đó”.

Nghe nói chuyện rừng, ông Rơ Má Lú - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã Mo Ray, cay đắng: “Hồi tao còn làm xã đội, chỉ có 2 người thôi nhưng con kiến cũng không qua lọt. Còn bây giờ khắp nơi là chốt chặn vậy mà gỗ rừng mất hết. Dân cả đời giữ rừng giờ lọt vào tay người ngoài”.

Theo chỉ dẫn của ông Điểm, một lần nữa, chúng tôi lội qua suối Ea Sal để tìm hiểu sự thật. Ở đối diện với rẫy của KLơu có một bãi đất rộng rãi nằm ngay trên một con đường lớn chạy vô rừng. Ở đấy có hàng chục khối gỗ đã được người ta gọt đẽo vuông vắn. Tại ngay trạm gác của Duy Tân cũng đang chứa chừng chục khối gỗ tốt đã đẽo gọn gàng.

Theo con đường lớn qua khỏi trạm gác này chừng 1km có hàng chục lóng sao cát, mỗi lóng dài chừng 10m to quá ôm người nằm ngổn ngang ngay sát bên đường. Chạy vào thêm 4km nữa, tại một lán trại khác của Duy Tân, chúng tôi càng ngỡ ngàng hơn không hiểu vì sao gỗ ở rừng kiệt mà lại to và nhiều đến vậy. Ở đấy đã mênh mông gỗ mà gỗ vẫn liên tiếp được chở về tập kết.

4 giờ chiều, bên kia suối Ea Sal, những chiếc bò vàng (loại xe chuyên dụng trong rừng) vẫn gầm rú lôi từng lóng gỗ về bãi. Phía trên đồi cao nơi có khu rừng âm u, tiếng cưa máy chốc chốc lại kéo ga ồn ã cả một góc rừng.

Rừng... biến mất

Theo tính toán của Sở NNPTNT tỉnh Kon Tum, lượng gỗ lớn tại các dự án cao su trên toàn tỉnh cộng lại chỉ hơn 47 ngàn m3. Thế nhưng mấy năm nay, chỉ riêng Mo Ray, mỗi ngày có hàng trăm chiếc xe chở gỗ về phố mà rừng như có phép màu trong truyện Thạch Sanh- chở hoài không cạn.

Chỗ làng Xộp cũng có một chuyện hết sức “kỳ bí”. Số là 60 hộ dân làng này được giao quản lý bảo vệ hơn 200ha rừng. Mỗi năm nhờ việc này, người dân có thêm vài chục kg gạo và ít tiền. Dù ít ỏi song đối với làng Xộp, nơi đi đâu cũng thấy người nghèo, nó là một khoản giúp dân vượt qua cái đói giáp hạt.

Một hôm, người làng Xộp lên thăm rừng mới tá hỏa chẳng biết vì sao hàng chục ha rừng bỗng dưng biến mất. Sự việc xảy ra, dân làng Xộp vừa buồn vừa sợ, họ tập hợp hàng chục người kéo lên rừng tìm hiểu nguyên do. Truy qua, hỏi về cuối cùng mới vỡ lẽ tỉnh đã giao rừng của họ cho Duy Tân.

Tất cả người dân Mo Ray được hỏi đều khẳng định chưa hề có gỗ nhỏ ra khỏi rừng, nếu có thì phải là gỗ nhóm I.

Ông A Hoa - Trưởng làng cho biết, nếu không có cuộc xô xát, người dân cũng như bản thân ông sẽ chẳng hề biết rừng này đã giao cho doanh nghiệp. Để tìm hiểu sự thật, chúng tôi đã gặp ông Hrach Láo - Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã. Hóa ra ngay cả ông Láo cũng rất mơ hồ về việc này.

Ông Láo nói: “Việc giao đất cho các doanh nghiệp, tỉnh chỉ nói chung chung, dân không hề biết. Chính điều này đã khiến việc cấp đất chồng lên đất của dân dẫn đến khiếu kiện”. Bà Rơ Chăm Hý - Phó Chủ tịch HĐND xã, cũng khẳng định, mấy năm nay, hầu hết đơn khiếu nại của dân trong xã là về việc đất đai liên quan đến Duy Tân.

Lại nhắc đến cái tên Hoàn Con. Ở Mo Ray tất cả người dân đều biết cái tên này. Họ luôn nhắc đến nó kèm với tên Duy Tân như một nỗi ám ảnh- dù chưa hề thấy mặt người này. Với họ, người này có một thế lực nào đó ghê gớm lắm. Đấy! Như hồi cuối năm ngoái, chỗ Hoàn Con bị Công an Bộ bất ngờ kiểm tra. Dân Mo Ray biết việc mừng lắm tưởng sẽ thoát khỏi “nạn Hoàn Con”. Thế nhưng chỉ vài tháng sau lại thấy gỗ rừng tiếp tục về phố…

Kỳ cuối: Nhiều bất ổn

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem