Đó là nội dung bàn thảo tại Hội nghị “Hợp tác và xúc tiến thương mại” do Hội ND và Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro)tổ chức ngày 2-11
|
Quầy rau của ND Đông Anh trong siêu thị Hapro food 102 Thái Thịnh. Ảnh: Xuân Trường |
Theo ông Trịnh Thế Khiết - Chủ tịch Hội ND Hà Nội, hàng hóa ND Hà Nội sản xuất ra rất đa dạng, từ rau củ, hoa, quả, thịt gia súc, gia cầm, thuỷ sản, thực phẩm chế biến, đến sản phẩm của các làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Song, việc tiêu thụ sản phẩm ổn định đang gặp nhiều khó khăn.
Gặp đâu bán đó
Ông Nguyễn Bá Gia, xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì) có trang trại 3ha, trong đó thu nhập chủ yếu là 2ha hồ nuôi cá. “Sản lượng đánh bắt hàng năm lên tới hơn chục tấn cá, nhưng tôi bán cho con buôn hết. Các hộ có nhiều ao đầm trong vùng cũng gặp đâu bán đó”- ông Gia cho biết.
Cũng như ông Gia, ông Lê Đức Giáp, xã Cao Viên (Thanh Oai) trồng 3 mẫu cam Canh, bưởi Diễn, mỗi năm thu hàng chục tấn quả, nhưng cũng chỉ bán cho tư thương. Không chỉ các nông hộ, chủ trang trại nhỏ lẻ như ông Gia, ông Giáp, các HTX phần lớn cũng chỉ bán nông sản cho tư thương, hoặc tự tìm kiếm đối tác tiêu thụ.
Từ tháng 10-2010, HTX Hoà Bình hợp tác với Công ty Phú Tam Nông sản xuất rau an toàn. Công ty hỗ trợ ND, xã viên giống, phân bón và thu mua lại sản phẩm. Nếu hợp tác với Hội ND, Hapro cũng có thể làm như vậy.
Anh Trịnh Văn Vĩnh -Chủ nhiệm HTX Hoà Bình
Anh Trịnh Văn Vĩnh- Chủ nhiệm HTX Hoà Bình, phường Yên Nghĩa (Hà Đông) - cho hay: “Sản phẩm rau an toàn của HTX một phần bán tại một cửa hàng ở quận Hà Đông, còn lại xã viên mang ra chợ bán”.
Đến HTX có tiếng trong lĩnh vực chăn nuôi như Cổ Đông (Sơn Tây) việc tiêu thụ sản phẩm cũng vẫn trông chờ vào tư thương. Anh Nguyễn Văn Chiến - Chủ nhiệm HTX chăn nuôi - dịch vụ Cổ Đông - cho biết: “Mỗi năm, hơn 300 trang trại của 150 thành viên HTX đưa ra thị trường hơn 1 triệu đầu lợn thương phẩm đạt tiêu chuẩn sạch, nhưng vẫn phải qua tư thương”.
Hội ND- cầu nối ND với siêu thị
Lý giải về việc ND không bán được trực tiếp hàng hóa cho siêu thị, bà Mai Thị Liên- Giám đốc Công ty Siêu thị Hà Nội (Hapromart) - cho rằng: “Thị phần nông sản Việt trong hệ thống Hapromart không hề nhỏ. Sở dĩ, nông sản vào siêu thị thông qua các mối lái, nhà cung cấp vì các doanh nghiệp đứng ra tiêu thụ như Hapro chưa đấu mối trực tiếp được với người sản xuất”.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ nông sản cho ND, ông Nguyễn Hữu Thắng- Chủ tịch HĐQT Hapro đề nghị được hợp tác với các cấp Hội ND TP. Hà Nội.
“Hapro đề nghị Hội ND cung cấp nhiều địa chỉ sản xuất nông sản; là cầu nối cho Hapro và ND, chủ trang trại, HTX gặp nhau”- ông Thắng nhấn mạnh. Theo ông Thắng, hợp tác của Hapro và Hội ND trước hết tập trung vào tìm nguồn hàng nông sản, thực phẩm an toàn, thủ công mỹ nghệ cung cấp cho hệ thống bán lẻ nội địa và cho xuất khẩu.
Ông Đào Duy Tâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội - cho rằng: “Phải xây dựng được chuỗi cung cấp nông sản thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn sạch, an toàn. Hơn 10 năm nay, chương trình rau an toàn, thực phẩm an toàn của Hà Nội chưa đi đến đâu. Sản xuất mới dừng lại ở việc xây dựng mô hình.
Cần đề xuất lên thành phố có chính sách thoả đáng hỗ trợ ND sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn”. Ông đề nghị, Hội ND, Sở NN&PTNT và Hapro nên hợp tác và kết nối cung - cầu theo từng ngành hàng riêng, như thịt, cá, rau, củ, quả, trước mắt tập trung vào nhóm nông sản đạt tiêu chuẩn sạch, an toàn.
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Bá Gia, ông Lê Đức Giáp đề nghị, Hội ND thành phố cần tập hợp những ND sản xuất nhỏ lẻ thành nhóm, hoặc hiệp hội. Mỗi nhóm, mỗi hiệp hội sản xuất 1-2 chủng loại nông sản thực phẩm.
Phương Đông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.