Đưa tài chính, kinh tế vào môn Toán của học sinh phổ thông

Tùng Anh Thứ bảy, ngày 13/01/2018 10:55 AM (GMT+7)
Ngoài việc tinh giản những phần không cần thiết, môn Toán ở bậc học phổ thông trong chương trình mới sẽ có thêm các nội dung, gắn với xu hướng phát triển hiện đại của kinh tế, xã hội và những vấn đề cấp thiết như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, giáo dục tài chính...
Bình luận 0

Theo thông tin từ Ban Phát triển các chương trình môn học (Bộ GD-ĐT), ở chương trình phổ thông mới, môn Toán là môn học bắt buộc và được phân chia theo hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục hướng nghiệp.

Cụ thể, ở giai đoạn giáo dục cơ bản sẽ giúp học sinh nắm được một cách có hệ thống các khái niệm, nguyên lý, quy tắc toán học cần thiết nhất làm nền tảng cho các bậc học tiếp hoặc sử dụng trong đời sống.

img

Ngoài việc tinh giản các nội dung không cần thiết, môn Toán trong chương trình mới sẽ được bổ sung thêm phần kiến thức về giáo dục tài chính, phát triển bền vững... (Ảnh minh họa: IT)

Ở giai đoạn giáo dục hướng nghiệp sẽ giúp học sinh hiểu được cái nhìn tổng quát về Toán học, vai trò và ứng dụng của môn Toán trong đời sống và những ngành nghề có liên quan đến toán học, để học sinh có cơ sở định hướng nghề nghiệp sau này.

Ngoài ra, chương trình môn Toán sẽ được xây dựng tinh giản, chú trọng ứng dụng thiệt thực gắn với đời sống thực tế hay các môn học khác. Trong đó, nhấn mạnh việc bổ sung thêm các nội dung gắn với xu hướng phát triển hiện đại của kinh tế, khoa học, đời sống xã hội và những vấn đề cấp thiết có tính toàn cầu (như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, giáo dục tài chính...).

Việc tích hợp trong môn Toán cũng được thực hiện xoay quanh ba mạch kiến thức gồm: Số và Đại số; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác suất. Ngoài ra, các chủ đề, nội dung các kiến thức Toán còn được khai thác, sử dụng trong các môn học khác như Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Tin học, Công nghệ...

Bên cạnh đó, yêu cầu về hoạt động trải nghiệm trong môn Toán cũng được thực hiện giúp học sinh có thể vận dụng các kiến thức và kinh nghiệm của bản thân vào thực tiễn một cách sáng tạo.

Một điểm mới quan trọng khác ở môn học này là Bộ GD-ĐT sẽ thiết kế hệ thống chuyên đề học tập chuyên sâu giúp học sinh có cơ hội vận dụng giải quyết các vấn đề gắn với thực tiễn của địa phương. Đồng thời dành quyền chủ động cho địa phương và nhà trường lựa chọn một số nội dung và triển khai kế hoạch giáo dục môn Toán phù hợp với điều kiện của từng vùng miền và cơ sở giáo dục; dành không gian sáng tạo cho tác giả SGK và giáo viên.

Ngoài ra, chương trình ở từng cấp cũng dành thời gian để tiến hành các hoạt động trải nghiệm toán học cho học sinh như: Tiến hành các đề tài, dự án học tập về Toán, đặc biệt là các đề tài và các dự án về ứng dụng Toán học trong thực tiễn; tổ chức các trò chơi toán học, câu lạc bộ toán học, diễn đàn, hội thảo, cuộc thi về Toán; ra báo tường (hoặc nội san) về Toán; tham quan các cơ sở đào tạo và nghiên cứu Toán học, giao lưu với học sinh có năng khiếu toán và các nhà Toán học...

Những hoạt động đó sẽ giúp học sinh vận dụng những tri thức, kiến thức, kỹ năng, thái độ đã được tích luỹ; giúp học sinh bước đầu xác định được năng lực, sở trường của bản thân nhằm định hướng và lựa chọn nghề nghiệp.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết, dự thảo chương trình môn học này sẽ được giới thiệu cụ thể trong tháng 1 để nhận các góp ý của dư luận và các nhà chuyên môn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem