Ước mơ xa vời

Chủ nhật, ngày 31/10/2010 08:24 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Người cha già hơn 70 tuổi của tôi thích xem truyền hình, luôn ao ước có được một chiếc ti vi dù là cũ để cho căn nhà lụp sụp bớt cô quạnh. Nhưng ước mơ ấy xem chừng vẫn quá xa vời.
Bình luận 0
img
Anh Phùng Văn Cường bên bao rác. Ảnh: Trà My

Tôi sinh năm 1977, là con út trong một gia đình có 6 anh chị em nhưng chỉ duy nhất có tôi mang thân hình lùn tịt. Hai anh trai, ba chị gái của tôi giờ đây đều đã yên bề gia thất nhưng đều đi làm ăn rất xa, chỉ còn tôi ở với cha.

Thiệt thòi về ngoại hình, nhà lại nghèo nên tôi không có điều kiện đi học. Tôi bắt đầu ra đường lao động kiếm sống khi 14 tuổi. Lúc ấy, tôi chỉ cao gần 50cm. Có lẽ vì tôi lùn quá nên chẳng hàng quán nào ở Vĩnh Yên chịu thuê làm, nhiều người ác ý còn xua đuổi.

Đang khi bế tắc thì có một đám trẻ lang thang thương tình rủ tôi nhập vào nhóm đi nhặt rác. Tôi chậm chạp, nhặt không nhanh bằng các bạn, nhưng lại may mắn hơn một số đứa vì tối đến có nhà để về, không phải ngủ bên vỉa hè. 20 năm đã trôi qua, tôi gắn bó với chiếc bao tải và những con đường, góc chợ.

Hàng ngày, từ tờ mờ sáng, tôi dậy chuẩn bị đồ nghề lên phố kiếm ăn. Trung bình một ngày, tôi đi bộ chừng 30km. Với người bình thường, quãng đường ấy không đơn giản, với những bước đi ngắn ngủn của tôi thời gian sẽ gấp hai, ba lần. Tôi nhặt nhạnh đủ thứ phế liệu từ hộp nhựa, vỏ lon, bìa, giấy… khắp dọc đường.

Khi nào đầy bao tải tôi ra gửi ở cửa hàng một người quen rồi đi nhặt đồ tiếp. Mọi người ở phố vẫn đùa vui gọi tôi là "hiệp sỹ" vì ngoài những phế liệu nhặt được tôi còn gom rác bỏ vào thùng hoặc vun thành từng đống gọn ghẽ để các anh chị lao công dễ dàng dọn hơn.

Khi thành phố lên đèn, tôi kéo những túi đồ phế liệu thu được trong một ngày ra cổng chợ Vĩnh Yên, chờ cha mang xe đạp đến đón về. Tiền kiếm được từ việc nhặt rác của tôi chẳng đáng là bao nhưng là nguồn thu nhập chính của hai cha con tôi. Ngày nhặt được nhiều lắm cũng chỉ 20-30 nghìn, còn thường chỉ khoảng 10 nghìn đồng. Những hôm trời mưa rét, chẳng nhặt được gì, cả hai cha con phải nhịn đói...

Đã bao năm nay, một ngày với tôi không có bữa sáng, bỏ bữa trưa, chỉ ăn tối, mà bữa tối cũng chỉ ăn một bát cơm. Chẳng phải do thân hình tôi nhỏ bé, có lẽ vì một thói quen từ thuở nhỏ do nhà quá nghèo, cha mẹ đau ốm thường xuyên, suốt ngày ở trong bệnh viện, nhà có bao nhiêu tiền đều dồn vào mua thuốc nên tôi tập ăn thật ít để dành cho phần của cha mẹ.

Dù thiếu thốn đủ bề nhưng tôi tự ý thức, mình có sức lao động nên chưa bao giờ ngửa tay xin của người đời và cũng chẳng khi nào nghĩ đến việc lấy cắp đồ vật không phải của mình. Cơ hội đổi đời cũng đã từng đến khi có một đoàn xiếc muốn mời tôi đi biểu diễn. Lúc đầu tôi vui lắm, nhưng sau nhiều đêm trằn trọc, tôi đã quyết định từ chối, vì mình đi sẽ sướng cái thân nhưng để một mình người cha già ở nhà thui thủi, không ai chăm sóc sao đành.

Nếu ai hỏi rằng giờ đây tôi ước điều gì, tôi sẽ bảo: Tôi ước tìm được một công việc có thu nhập ổn định hơn để nuôi thân, nuôi cha và ước được một lần về Hà Nội để vào Lăng viếng Bác Hồ. Đã có lần khi còn khỏe cha đạp xe gần 4 tiếng đưa tôi xuống Hà Nội nhưng lại đúng vào khi người ta đóng cửa Lăng, tôi cứ tiếc mãi...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem